Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"
16:47', 8/9/ 2003 (GMT+7)

Bánh tráng nước dừa

Thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) từng được biết đến với những làng nghề nổi tiếng một thời như làm bánh tráng nước dừa, bún số 8, dệt thảm xơ dừa, làm kẹo mè xửng… Thế nhưng, hiện nay các làng nghề truyền thống nơi đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn vì sản phẩm chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Ông Hồ Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Quan, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 341 cơ sở sản xuất CN-TTCN nhưng hầu hết là nghề mới phát triển trong thời gian gần đây như: tiện, gò, hàn, làm đá lạnh... Những làng nghề tiểu thủ công với những sản phẩm nổi tiếng một thời trước đây như: mè xửng, bánh tráng nước dừa, bún số 8, dệt thảm xơ dừa… đang dần bị mai một do kém sức cạnh tranh. Các sản phẩm của thị trấn Tam Quan hiện chủ yếu tiêu thụ ở địa phương, chứ chưa thể vươn xa ra các thị trường trong nước. Có làng nghề đang dần bị mai một, chỉ còn một vài hộ sản xuất cầm chừng chỉ để chạy chợ hàng ngày.

Chúng tôi tìm đến làng nghề làm bún số 8 ở khối 1, thị trấn Tam Quan để tìm hiểu về tình hình sản xuất của nghề truyền thống này. Làng bún bây giờ vắng lặng đến lạ thường. Cảnh tất bật, bận rộn của làng nghề không còn nữa. Ông Trương Long ở khối 1, thị trấn Tam Quan cho biết: "Trước đây cả làng có trên 30 hộ chuyên làm bún, nhưng bây giờ chỉ còn 8 hộ còn trụ lại với nghề này. Thế nhưng sản phẩm làm ra cũng bị ế ẩm không có nơi tiêu thụ". Gia đình ông Long có 8 nhân khẩu mỗi ngày làm ra được khoảng 80 bó bún khô, nhưng phải vất vả chạy bán lẻ ở các chợ trong vùng. Còn bỏ ở các đại lý bán lẻ thì có lúc họ không nhận vì bán không được. Theo ông Long, sản phẩm bún số 8 bị ế ẩm do phải chịu sự cạnh tranh của các loại mặt hàng khác như: mì tôm, bún, phở tràn lan trên thị trường… Mặc dù vậy nhưng gia đình ông phải bám lấy nghề để sống, vì ngoài nghề này, gia đình ông không còn nghề nào khác để lao động lúc nông nhàn. "Biết là nghề làm bún cho thu nhập không cao, mỗi ngày chỉ vài ba ngàn đồng, nhưng nếu không làm thì lấy cái gì chi tiêu hàng ngày" - ông Long tâm sự.

Bên cạnh nghề làm bún số 8 đang phải chịu cảnh hắt hiu, nghề làm bánh tráng nước dừa nổi tiếng một thời cũng đang lâm cảnh ế ẩm. Anh Nguyễn Văn Hảo ở khối 3, một hộ chuyên làm nghề bánh tráng nước dừa cho biết: Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh có 4 nhân công, mỗi ngày sản xuất ra chừng 1.000 chiếc bánh tráng, nhưng sản phẩm không tìm được thị trường. "Vì sao anh không mở rộng ra các thị trường xung quanh?" - tôi hỏi. Anh Hảo than thở: "Khó lắm anh ơi! Nhiều khi chúng tôi cũng muốn đưa sản phẩm đi giới thiệu ở nhiều nơi, nhưng thấy khó có thể cạnh tranh nổi. Năm 1998, Phòng Công nghiệp huyện Hoài Nhơn đã giúp tôi đóng gói bao bì, đặt thương hiệu cho mặt hàng bánh tráng Hoài Nhơn nhưng khi đưa ra thị trường không thể tiêu thụ được". Theo anh Hảo, trên thị trường hiện nay bánh tráng nước dừa Bến Tre đang rất hợp với người tiêu dùng. Cùng là sản phẩm giống nhau nhưng bánh tráng nước dừa Bến Tre làm từ nguyên liệu bột gạo, kích cỡ vừa phải, lại được đóng bao bì, mẫu mã đẹp. Trong khi đó, bánh tráng nước dừa Tam Quan nguyên liệu chế biến chủ yếu làm từ bột mì nên rất dày, khổ bánh lại to, khách du lịch muốn mua làm quà nhưng vận chuyển khó khăn… Do vậy, thị trường của bánh tráng dừa Tam Quan bị thu hẹp chỉ tiêu thụ trong phạm vi địa phương và một vài đại lý nhỏ ở các vùng lân cận. Chủ yếu tiêu thụ ở các đại lý bán lẻ, hoặc nướng chín để bán cho người dân ăn chơi vui.

Ngoài ra những sản phẩm nổi tiếng khác của thị trấn Tam Quan như: dệt thảm xơ dừa, kẹo mè xửng, dệt chiếu hoa cũng đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân chính vẫn là sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, bao bì, mẫu mã không hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Thực trạng các làng nghề ở thị trấn Tam Quan đang ngày càng mai một là vấn đề đáng quan tâm. Phải làm gì để tăng sức cạnh tranh cho những sản phẩm làng nghề của Tam Quan hiện nay? Đã đến lúc cần có những giải pháp để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm truyền thống nơi đây. Người dân địa phương đang rất mong sự giúp đỡ hướng dẫn của các ngành chức năng.

. Nguyễn Hân

           

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)