Vùng cao thiếu chợ…
16:13', 10/9/ 2003 (GMT+7)

Chị Trần Thị Bình đang bán hàng cho bà con tại xã vùng cao An Dũng, An Lão

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Đình Lập, một người làm nghề buôn bán ở miền núi, lên xã vùng cao An Quang (An Lão). Từ chợ Xuân Phong, chiếc xe máy cũ của anh phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được An Quang. Anh thở phào nhẹ nhõm: "Đường sá bây giờ là lý tưởng lắm rồi! Trước đưa được hàng vào đây có khi tụi tui mất 4-5 tiếng đồng hồ".

Quả thật, ai đã từng lên các xã vùng cao hẳn không thể không biết sự vất vả, cực nhọc của việc giao thương hàng hóa nơi đây. Bà con vùng cao lâu nay mong có được cái chợ để bán cái gì mình có và mua cái gì mình cần cho dễ dàng… Thế nhưng cái ước mơ nhỏ nhoi đó chưa có nơi nào trở thành hiện thực. Ông Đinh Văn Nháo, một người dân ở xã vùng cao An Quang, bộc bạch: "Sở dĩ bà con chúng tôi cứ mãi nghèo một phần là do thiếu chợ. Trồng được nải chuối, trái thơm, hay trái đu đủ… nhiều lúc không biết bán ở đâu, đành để rũ trên cành. Thậm chí những lúc có tiền muốn mua vật gì cũng không có…". Vấn đề này không chỉ ở An Quang mà là thực trạng chung của nhiều xã vùng cao trong tỉnh.

Hiện nay các xã vùng cao ở các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh vẫn chưa có chợ. Bà con muốn mua hay bán gì phải xuống tận chợ dưới huyện, mất 2-3 giờ đồng hồ đi bộ. Đó là đối với các xã gần trung tâm huyện, chứ các xã nằm xa như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), An Toàn, An Nghĩa (An Lão), Canh Liên (Vân Canh) thì phải đi cả ngày đường.

Chính sự thiếu chợ cộng với giao thông cách trở làm cho việc giao thương hàng hóa ở các xã vùng cao chủ yếu dựa vào đội quân "buôn hàng vùng cao". Họ là những tư thương dưới xuôi lên vùng cao mua bán. Họ bán hàng không cố định một nơi nào, cũng không hề có lịch phiên mà luôn di động trong các làng. Anh Nguyễn Đình Lập cho biết: "Hầu hết những người "buôn hàng vùng cao" như tôi đều là dân trong huyện, chỉ có một số ở huyện khác đến. Đa số họ đều nghèo, thấy nghề này làm ít vốn nhiều lời nên mới bước vào. Người có tiền thì mua một chiếc xe máy chở hàng đi lại, người không có thì đành phải dùng sức của mình gánh hàng đi bộ". Chúng tôi quan sát các gánh hàng bán ở đây đều không có gì to tát, chủ yếu là cá khô, nước mắm, quần áo, kim, chỉ…

Hôm tôi đến An Dũng (An Lão) có một gánh hàng "đặc sản" được mang từ chợ Xuân Phong lên, đó là cá nục và ruốc. Mặc dù không còn tươi nhưng ai nấy cũng cố mua cho được, bởi mấy khi "đặc sản" biển lên đến nơi này. Chị Trần Thị Bình, một người buôn hàng lên xã An Dũng cho biết: "Một chuyến đi buôn như vậy tùy thuộc vào lượng hàng hóa mang theo nhiều hay ít mà chúng tôi về nhanh hay ở lại lâu; thông thường là 2-3 ngày thì quay về lấy hàng một lần. Khi về chúng tôi đều mua sản vật của bà con như: chuối, mít, đu đủ, bắp… về chợ huyện bán cho dân buôn đi xa". Qua khảo sát của chúng tôi thì được biết, hiện nay hầu như ở các xã vùng cao trong tỉnh nơi nào cũng có từ 4-5 người buôn bán như vậy.

Đi buôn vùng cao khó khăn và vất vả nên lợi nhuận khá cao. Có khi mỗi chuyến hàng 2-3 ngày lãi được vài ba trăm ngàn đồng. Số tiền lãi ấy tuy không nhiều nhưng so với giá trị của những mặt hàng họ cung cấp và những sản vật họ mua về là không phải nhỏ. Bởi vậy, bà con vùng cao phải mua hàng với giá đắt hơn dưới xuôi rất nhiều, và những sản vật họ bán ra thì với giá rẻ như bèo. Anh Đinh Văn Phan, một hộ dân ở An Dũng, bộc bạch: "Ở vùng cao không có chợ nên dù là cây kim, sợi chỉ bà con chúng tôi cũng rất lo, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu được". Còn ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch UBND xã An Toàn (An Lão) thì day dứt: "Bà con vùng cao chúng tôi đã khó khăn mà mua cái gì cũng với giá cao. Đã vậy, làm ra nải chuối, củ khoai thì lại bán giá rẻ nên khó có dư để tích lũy làm giàu được".

Trong những năm qua, vùng cao đã được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm… Các công trình này thực sự đã làm thay đổi đáng kể diện mạo các xã vùng cao. Tuy nhiên còn một công trình có liên quan mật thiết đến dân sinh, kinh tế của vùng cao là chợ thì dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

. Ngọc Thái

 

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)