Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1
16:4', 11/9/ 2003 (GMT+7)

Đông đảo người tiêu dùng đã đến Hội chợ HVNCLC Bình Định - 2003

Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) Bình Định 2003 đã qua đi, song dư âm về thành công của nó vẫn còn đọng lại. Trong dư âm đó, có 3 vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) và 1 ghi nhận về thái độ mới của Bình Định (BĐ) đối với các DN.

* Làm gì để đạt danh hiệu HVNCLC?

Một thực tế, không biết có đáng buồn không là cả tỉnh BĐ có gần 800 DN, thế nhưng, cho đến nay mới chỉ sản phẩm nước mắm Mười Thu và gạch ngói Phú Phong là đạt danh hiệu HVNCLC. Các DN không "mặn mà" với danh hiệu? Hay chưa biết phải làm gì để được tham gia bình chọn danh hiệu? Cho dù thế nào đi nữa thì thành công của Hội chợ HVNCLC BĐ 2003 với sức thu hút hơn 300.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, và doanh số trong 6 ngày Hội chợ hơn 20 tỉ đồng, đã cho thấy tầm quan trọng của danh hiệu HVNCLC, đặc biệt là những DN có thương hiệu mạnh. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB DN HVNCLC luôn khẳng định rằng: Danh hiệu HVNCLC là do người tiêu dùng bình chọn trên cơ sở điều tra xã hội học do Báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) tổ chức. Nó cũng là một loại "chứng chỉ" về chất lượng để các DN đi vào thương trường, đồng thời là động lực thúc đẩy DN luôn phấn đấu giữ vững danh hiệu bằng cách không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cuộc gặp mặt các DN ứng viên danh hiệu HVNCLC do Báo SGTT tổ chức với sự có mặt đông đảo các DN ở khu vực miền Trung, trong đó đa số là các DN ở BĐ, chứng tỏ các DN đã có sự quan tâm đặc biệt đến danh hiệu HVNCLC. Tuy vậy, tại cuộc gặp mặt này, ông Lê Công Nhường, Phó giám đốc Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, bày tỏ băn khoăn: Công ty của ông đạt nhiều tiêu chuẩn cả quốc tế, lẫn khu vực Đông Nam Á, sản phẩm có mặt khắp cả nước, đặc biệt là dịch truyền của công ty chiếm từ 60-70% thị phần cả nước, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt danh hiệu HVNCLC. Ông khẳng định: Để được bình chọn danh hiệu này quả thật là khó!

Làm gì để đạt được danh hiệu HVNCLC? Vấn đề quan trọng đối với mỗi DN là tự thân phải vươn lên trong thương trường, chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Liệu các DN trong tỉnh có làm được điều này?

* Xây dựng và quảng bá thương hiệu

Xây dựng và quảng bá thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng đối với mỗi DN trong việc đưa sản phẩm ra thị trường và chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Đã có không ít sản phẩm của các DN trong tỉnh dù có đủ các chứng nhận chất lượng, cũng có huy chương, giải thưởng này nọ, nhưng vẫn chưa vươn ra thị trường các tỉnh trong khu vực, chứ chưa nói gì đến thị trường cả nước. Ngay cả người tiêu dùng trong tỉnh cũng chưa biết nhiều đến các sản phẩm do các DN trong tỉnh sản xuất. Chúng tôi thử đặt câu hỏi với bà Vũ Kim Hạnh: Chất lượng nước mắm tương đương như Mười Thu ở Bình Định nói chung, thị trấn Đập Đá nói riêng thì có rất nhiều, vậy vì sao chỉ có Mười Thu là đạt danh hiệu HVNCLC? Bà Kim Hạnh cho rằng: Có lẽ do ông Mười Thu chú trọng đến mạng lưới phân phối và việc quảng bá thương hiệu trong cả nước, nên người tiêu dùng dễ nhận biết được thương hiệu và tín nhiệm.

* Sở hữu công nghiệp

Vấn đề này không hẳn chỉ là việc của các DN, mà còn phụ thuộc vào Cục Sở hữu công nghiệp. Vẫn là chuyện của ông Mười Thu. Ông đã đăng ký sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa của mình, nhưng ông cũng băn khoăn là Cục chỉ chấp nhận đăng ký tên sản phẩm là Mười Thu, chứ không bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Bởi vậy mới sinh ra chuyện một số cơ sở nước mắm lấy tên là Mùa Thu hoặc Mười Thi với cách trang trí nhãn hiệu na ná như nhãn hiệu của ông. Có vô số những ví dụ tương tự đối với các DN khác, nhưng nhà sản xuất chân chính không biết "kêu" ở đâu!

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm: Phải đặt vấn đề này lên hàng đầu trước khi nói đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, trước khi nói đến chuyện làm ăn uy tín và lâu dài!

* Và tư duy mới của BĐ đối với các DN

HC HVNCLC 2003 tổ chức tại Bình Định đã được tỉnh BĐ dành cho sự quan tâm tối đa và những điều kiện tốt nhất. Điều này phần nào đã cho thấy lãnh đạo tỉnh đã có một tư duy mới đối với các nhà DN, đặc biệt là các DN đạt danh hiệu HVNCLC.  Ngay trong khuôn khổ các hoạt động của HC HVNCLC đã diễn ra cuộc gặp gỡ của Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà và các nhà lãnh đạo khác của tỉnh với các DN. Tại đây, ngoài ý nghĩa "tiếp thị" tiềm năng, các cơ hội đầu tư, kinh doanh và các chính sách khuyến khích đầu tư còn thể hiện quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc hợp tác làm ăn với các DN thành viên của Câu lạc bộ HVNCLC.

Theo tiết lộ của bà Vũ Kim Hạnh, các nhà DN sau khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của tỉnh Bình Định đã tin tưởng hơn, yên tâm hơn khi đặt vấn đề làm ăn với Bình Định. Điều đó thật đáng mừng!

. Khánh Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)