Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra
16:38', 14/9/ 2003 (GMT+7)

Một hộ trồng RAT tại Nhơn Phú (ảnh: Đào Tiến Đạt)   

Mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại HTX Nông nghiệp Nhơn Phú 2 (TP Quy Nhơn) bắt đầu thực hiện từ năm 2002. Bước đầu, mô hình này đã đạt được những kết quả nhất định qua việc cung cấp được một lượng rau sạch tương đối cho người dân TP Quy Nhơn và các vùng lân cận. Thời gian gần đây, mô hình RAT đã và đang dần mở rộng ra các huyện trong tỉnh. Tuy nhiên,  cùng đó là những khó khăn đã bắt đầu nảy sinh trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù mô hình chỉ sử dụng 1 ha đất ở phường Nhơn Phú để trồng RAT nhưng mỗi ngày cũng cung cấp cho thị trường từ 300- 400 kg rau các loại, như: dưa leo, khổ qua, xà lách, cúc, cải… Từ khi đưa mô hình RAT vào sản xuất đến nay, HTX Nông nghiệp Nhơn Phú 2 đã cung cấp ra thị trường gần 100 tấn rau các loại. Đã gọi là RAT, nên khâu phun thuốc trừ sâu bệnh rất hạn chế, chỉ dùng toàn bộ những loại thuốc vi sinh không có độc tố. Kỹ sư Đoàn Quang Khải, cán bộ phòng Nông nghiệp TP Quy Nhơn đồng thời Chủ nhiệm mô hình, cho biết: "Mặc dù khi phát hiện sâu bệnh, sau khi phun thuốc vi sinh thời gian cách ly 1 ngày thì được phép thu hoạch, nhưng ở đây chúng tôi cho cách ly từ 3 ngày trở lên mới thu hoạch để rau được an toàn hơn".

RAT là mô hình đem lại thu nhập tương đối cao hơn làm lúa bởi thực hiện mô hình này, người trồng rau được phòng Nông nghiệp hỗ trợ 70% chi phí như: giống rau, phân bón, thuốc trừ sâu, lưới che nắng… Với điều kiện thuận lợi như vậy, những người trồng RAT hy vọng sẽ nhanh khấm khá nhưng đáng tiếc, sau một thời gian "háo hức", người tiêu dùng bắt đầu "lơ là" với RAT. Và vì thế, người trồng RAT ở Nhơn Phú đang sốt vó lo đầu ra cho sản phẩm của mình.

Công ty TNHH dịch vụ cây trồng Quy Nhơn là nơi duy nhất ký hợp đồng dài hạn tiêu thụ RAT. Hiện nay Công ty có một quầy RAT tại cổng chợ Quy Nhơn, mỗi ngày chỉ bán được 35- 40 kg rau. Giải thích về việc RAT tiêu thụ quá ít so với lượng rau sản xuất ra hàng ngày, bà Trịnh Thị Hồng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ cây trồng Quy Nhơn, cho biết: "Do người dân chưa tin lắm vào qui trình sản xuất RAT, mặt khác họ còn chưa biết ở đây đã sản xuất được RAT ".

Ngoài Công ty TNHH dịch vụ cây trồng Quy Nhơn, nguồn tiêu thụ chủ yếu RAT là nhờ các người buôn rau. Họ thu gom lại đem đi bán các chợ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Nhưng những người buôn rau kiểu này lại chạy theo mùa vụ, có lãi thì họ đến gom rau còn không lãi thì họ "bái bai" ngay. Anh Trần Văn Anh, một hộ dân có diện tích sản xuất RAT nhiều nhất ở phường Nhơn Phú cho biết: "Vì không có nơi ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn nên người trồng rau chúng tôi phải tự tìm nơi tiêu thụ". Chính vì đó mà RAT đã bị những người buôn rau ép giá cũng như rau không an toàn. Còn nếu người trồng rau tự đem rau ra chợ bán thì người mua làm sao phân biệt được đâu là RAT đâu là rau không an toàn? Chị Hồ Thị Thu (ở đường Phan Bội Châu- TP Quy Nhơn) cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi chợ, khi đứng trước hàng rau tôi không thể nào phân biệt được đâu là RAT. Thôi thì, cứ mua rau của những người quen cho chắc ăn, lại khỏi bị hớ giá."

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ RAT, Công ty TNHH dịch vụ cây trồng Quy Nhơn đã lên kế hoạch mở thêm nhiều quầy bán RAT ở các chợ, đồng thời giới thiệu mạnh hơn lợi ích của việc sử dụng RAT đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty phối hợp với phòng Nông nghiệp TP Quy Nhơn (đơn vị làm chủ đề tài) tiến hành vận động các xí nghiệp, trường học ký hợp đồng sử dụng RAT. Đến nay Công ty đã ký được vài hợp đồng cung cấp RAT cho các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ giải quyết phần nào đầu ra cho RAT bởi ngoài mô hình RAT ở Nhơn Phú (Quy Nhơn), ở Tuy Phước và một số huyện khác cũng đang phát triển mô hình RAT và cứ theo đà phát triển này, đến một lúc nào đó, cung sẽ lớn hơn cầu gấp nhiều lần và đương nhiên, nỗi lo "đầu ra" cho RAT cũng phình to gấp nhiều lần hiện nay.

Đừng để RAT dẫm vào "vết xe đổ" ế ẩm của một số loại cây trồng, vật nuôi như đã từng xảy ra ở Bình Định.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)