Đường quê rộng mở
16:15', 16/9/ 2003 (GMT+7)

Đường giao thông ở thôn Liêm Trực, thị trấn Bình Định (An Nhơn)

"Từ ngày có con đường bê tông, việc đi lại thuận tiện hơn trước nhiều. Có đường mới, xe cộ chạy bon bon cứ y như là ở phố" - Ông Trần Văn, 60 tuổi ở An Hòa (An Lão) bộc bạch với tôi như vậy. Ông nhận xét chẳng quá lời; bởi lẽ, chính những con đường bê tông này đã góp phần tạo động lực làm khởi sắc những làng quê.

* Đường làng nay đã khác xưa!

Lần về quê mới đây, anh Nguyễn Hồng Phong - quê ở An Hòa (An Lão) nay đã vào Vũng Tàu sinh sống không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay của quê hương mình. Anh bảo chưa rõ đời sống của bà con mình thế nào, nhưng chỉ việc đi lại đã thấy thuận lợi hơn trước rất nhiều. Những ngày ở lại quê nhà, anh mới hiểu thêm giá trị của những con đường bê tông thông suốt các vùng quê.

Còn nhớ, từ năm 2000 trở về trước, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh chủ yếu là đường sỏi, đất với đầy rẫy những ổ voi, ổ gà; mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy, đã cản trở việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước thực trạng này, năm 2000, tỉnh Bình Định đã có chủ trương bê tông hóa GTNT bằng hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; tỉnh hỗ trợ 120 tấn xi măng/km đường đối với các xã đồng bằng và 150 tấn xi măng/km đường đối với các xã miền núi, vùng cao. Việc làm này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ.

An Lão tuy là huyện miền núi, nhưng trong những năm qua phong trào làm bê tông GTNT ở đây phát triển rất mạnh. Cách đây chỉ chừng 3 năm, những ai lên đây đều ngán ngẩm khi đi trên những con đường liên xã ghồ ghề và đèo dốc, đường vào thôn khúc khuỷu quanh co, chỉ có thể đi bộ chứ không một phương tiện giao thông nào đi lại được. Vậy mà chỉ sau 3 năm có chương trình làm bê tông GTNT, đường sá nơi đây đã được cải thiện một cách đáng kể. Từ năm 2000 đến nay, toàn huyện đã làm được 63 km đường bê tông GTNT ở các xã, thôn. Chúng tôi gặp anh Trần Tấn Mạnh, một người dân ở Xuân Phong – An Hòa trong lúc anh đang cùng bà con làm đoạn đường bê tông tại thôn mình; anh vui vẻ cho biết: "Mỗi nhân khẩu chỉ đóng góp vài ngày công lao động hoặc mấy chục ngàn đồng chẳng đáng kể gì, nhưng cái lợi là rất lớn. Qua mùa mưa bão vừa rồi, nhờ những đoạn đường được bê tông hóa nên không còn cảnh xách dép lội bùn bì bõm như xưa". Ông Nguyễn Hữu Đấu, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, thổ lộ: "Huyện An Lão đã được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen về thành tích phát triển GTNT. Nhưng cái được lớn hơn là bây giờ bất kể mùa nắng mùa mưa, bà con đều có thể chạy xe bon bon trên những con đường bê tông thẳng tắp này. Hàng hóa nông sản không còn phải gồng gánh như trước nữa mà có thể thuê xe công nông chở đến từng nhà".

Chẳng những riêng An Lão mà các địa phương khác trong tỉnh đều quan tâm chú ý nhiều đến công tác bê tông hóa GTNT. Đến nay, toàn tỉnh đã làm được 880 km đường bê tông GTNT, vượt 145 km so với kế hoạch phát triển đến năm 2005 của tỉnh. Những đoạn đường GTNT trong tỉnh đi lại gặp khó khăn đều đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho nhu cầu giao lưu hàng hóa, kinh tế - xã hội của nhân dân trong tỉnh. Chính nhờ vậy mà cái cự ly vốn xa lắc xa lơ giữa miền núi - nông thôn - thành thị trong tỉnh đã được kéo lại gần hơn. Văn minh đô thị đã áp sát đến nơi thôn cùng xóm vắng.

* Niềm vui từ những con đường mới

Chừng 3 năm trước, bà con dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh không thể ngờ cuộc sống của mình sẽ đổi thay nhanh chóng như vậy. Sự đổi thay ấy có một phần được bắt nhịp từ chính những con đường GTNT được bê tông hóa. Những tuyến đường này như một động lực góp phần thúc đẩy bao làng quê nghèo khó trong tỉnh phát triển. Từ trước đến nay người dân Canh Thuận (Vân Canh) vẫn miệt mài với cánh đồng lúa, con heo, con gà. Thế nhưng từ khi những con đường trong thôn trong xóm được bê tông hóa mà việc giao thương hàng hóa ở đây đã được thuận lợi hơn; tạo điều kiện cho vùng quê này phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Chị Nguyễn Thị Minh, một người dân ở Canh Thuận, tâm sự: "Con đường từ thị trấn về nhà tôi trước kia nhỏ hẹp và đầy ổ trâu, ổ gà, rất khó khăn cho việc đi lại. Nhà tôi chăn nuôi heo nhiều, phải mua thức ăn chở về trên con đường này nên rất vất vả. Nhưng từ khi đoạn đường này được bê tông hóa, việc đi lại đã dễ dàng, tôi có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi hơn nữa". Ngay cả trên những bản làng ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão… hàng ngày đều có người xuôi ngược chở hàng hóa lên bán và mua nông sản của bà con đem về. Chị Đinh Thị Nhan, một nông dân ở xã An Trung (An Lão), tâm sự: "Ngày trước, khi giao thông còn trắc trở chúng tôi muốn mua hay bán cái gì cũng rất khó khăn. Nhưng bây giờ sản phẩm chúng tôi làm ra đã có người mua nên đời sống đỡ vất vả hơn".

Đi trên những con đường bê tông sạch đẹp, ngắm nhìn những lối rẽ ngang dọc, người qua lại nhộn nhịp, chúng tôi thấy nhiều làng quê trong tỉnh đã bừng lên một sức sống mới. Những con đường bê tông này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, góp phần phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đường sá đi lại thông thoáng, dễ dàng, nhiều người đua nhau ra "mặt tiền" để mua bán làm ăn. Các hoạt động phi nông nghiệp, thương mại dịch vụ cũng từ đó phát triển theo. Hiện nay, ở các làng quê trong tỉnh, bà con nông dân không chỉ chăm chăm vào cây lúa, con heo, con gà mà nhiều người có điều kiện đã mạnh dạn đầu tư mua bán, làm các dịch vụ mới. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều vùng quê không còn cảnh yên ắng như trước mà sôi động hẳn lên.

Tỉnh dự kiến đến năm 2004 sẽ nâng số đường GTNT được bê tông hóa lên 1.300 km. Hy vọng với những tuyến đường bê tông được làm thêm, mạch máu giao thông sẽ được lan xa, tỏa rộng và tiếp thêm sức sống mới đến mọi miền quê, mọi nhà.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)