Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn
16:30', 19/9/ 2003 (GMT+7)

Gia cố đê khu Đông

Đi trên bờ đê Khu Đông vào những ngày tháng 9 này, chúng tôi đã bắt gặp không khí nhộn nhịp, tất bật của những công nhân đang khẩn trương tu bổ, gia cố lại những đoạn đê đang bị xuống cấp. Đang trực tiếp kiểm tra công việc nói trên, ông Nguyễn Đình Chi - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều (PCLB&QLĐĐ) cho biết: "Chúng tôi phải tranh thủ từng phút, từng ngày, chạy đua với thời gian để gia cố sửa chữa lại các đoạn đê, các công trình trên đê bị xuống cấp, nhằm kịp thời đối phó khi lũ về! ".

Đê Khu Đông Bình Định có tổng chiều dài 46,5km, kéo dài từ phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đi qua các xã phía đông huyện Tuy Phước và Phù Cát, kết thúc tại xã đảo Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, tháo lũ bảo vệ 5.400 ha đất canh tác, 150.000 người dân sinh sống phía trong đê, cùng nhiều kho tàng, tài sản của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu, lại thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, hiện nay công trình đê này có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Đình Chi thổ lộ: "Trên toàn hệ thống đê, hiện mới chỉ có 20 km trong tổng số 46,5 km chiều dài toàn tuyến đê là có thể yên tâm vượt lũ; còn lại gần 30 km đê trong mùa mưa bão sắp tới vẫn đang đặt trong tình trạng báo động. Nhiều đoạn đê do nhân dân và các HTX NN tự làm trước đây để chống úng cục bộ trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng hải sản ở địa phương, nên chỉ được xây dựng bằng đất cát pha, trụ gỗ, đá tạm thời; qua thời gian sử dụng đến nay đã xuống cấp và bộc lộ nhiều điều đáng quan ngại.

Để tìm hiểu thực trạng của tuyến đê Khu Đông, chúng tôi quyết định men theo con đê đoạn từ cầu Đôi (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đến thôn Quảng Vân (Phước Thuận, Tuy Phước) để xem "bệnh tình" của con đê hiện nay ra sao? Hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến được là nhiều đoạn đê đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có đoạn bị mùa lũ năm ngoái làm sạt lở thành vách lấn vào mặt đê từ 0,5 - 1m. Có đoạn bị xói rỗng nền thân tràn, hai bên chân và mái đê sạt lở nham nhở, có nguy cơ sụp vỡ khi có lũ lớn. Với các công trình cống tiêu qua đê, ông Nguyễn Đình Chi cho biết thêm: "Toàn bộ hệ thống cống tiêu bằng bê tông cốt thép trên đê Khu Đông được xây dựng từ năm 1975, đến nay nhiều cống đã bị xuống cấp: sụp khan cống, nứt tường, phần bê tông cốt thép nhiều chỗ bị bong, dộp do ôxy hóa cốt thép nhưng vẫn chưa có kinh phí để tu sửa lại". Mặt khác, một số cống bán kiên cố do nhân dân tự làm theo yêu cầu sản xuất nên rất thiếu sự vững chắc. Đối với tràn xả lũ, do được xây dựng từ những năm 1980 nên hầu hết các tràn này đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều đoạn đá xây dựng bị thoái hóa làm nước thấm vào bên trong thân đê gây bào mòn, sạt lở, dẫn đến thân tràn bị rỗng, rất nguy hiểm mỗi khi lũ đến. Điều đáng nói là do tồn tại mang tính lịch sử nên cho đến nay trên vùng hành lang an toàn đê, có đến cả ngàn ngôi nhà dân xây dựng trái phép ngay trên mặt đê từ nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp tháo dỡ. Qua ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều nơi con đê đã bị mất hút trong nhà dân, nhiều đoạn như ở km 27 đến km 29 thuộc các khu dân cư thôn Kim Đông, thôn Kim Tây (xã Phước Hòa, Tuy Phước); km 15 + 903 thôn Quảng Vân (Phước Thuận, Tuy Phước)... không còn nhận ra hình dạng của con đê nữa! Những người dân ở đây cho biết rằng, họ đã sống ở trên những đoạn đê này từ trước đến nay nên chuyện mưa lũ hàng năm không có gì đáng ngại. Theo điều tra, đến thời điểm này toàn tuyến đê hiện có trên 1.000 ngôi nhà dân xây dựng trái phép, nhiều ngôi nhà chỉ sau một đêm là xây dựng… hoàn chỉnh. Việc xây dựng nhà trái phép đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là việc các hộ dân sống trên thân đê chăn nuôi bò, trâu, heo thả rông trên đê làm sạt lở mái đê, gây nguy cơ vỡ đê. Phong trào chăn nuôi vịt phát triển mạnh ở khu vực đê Khu Đông cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở đê hàng năm.

Để đảm bảo vượt lũ cho tuyến đê Khu Đông trong mùa mưa bão năm nay, ngân sách Trung ương và tỉnh đã chi 7 tỉ đồng cho công tác tu sửa, gia cố. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chi thì số tiền này chỉ như muối bỏ bể, không thấm vào đâu so với yêu cầu tu sửa đê Khu Đông hiện nay. Do đó, Chi cục PCLB&QLĐĐ đã dùng số tiền này tập trung vào việc tu sửa những đoạn xung yếu và những công trình trọng điểm. Theo ước tính, để tu sửa tuyến đê Khu Đông thật sự vững chắc, đảm bảo vượt lũ an toàn phải cần đến số tiền 100 tỉ đồng. Thế nhưng con số này là quá lớn, do vậy đành phải chấp nhận phương án tu sửa chắp vá tạm thời để đối phó với lũ.

Một mùa mưa bão nữa đã cận kề, nhưng nhiều điều đáng quan ngại về mặt an toàn vẫn đang tiềm ẩn ở hệ thống đê Khu Đông!

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)