Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?
16:20', 21/9/ 2003 (GMT+7)

Niềm vui được mùa của người nông dân Bình Định (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Như Báo Bình Định đã đưa tin, mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nhân Dân, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc tọa đàm "Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho vùng Duyên hải miền Trung (DHMT), hướng tới xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha". Tại cuộc tọa đàm này, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã có những ý kiến khả thi trong việc xây dựng các "cánh đồng 50 triệu". Chúng tôi lược ghi một số ý kiến quan trọng của các đại biểu trong buổi tọa đàm này.

* Ông BÙI BÁ BỔNG - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Xây dựng những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm ở vùng DHMT là hoàn toàn có thể thực hiện được.

DHMT là vùng sinh thái nông nghiệp rất đặc thù ở nước ta. Đây là vùng đất một bên là biển và đất cát ven biển; một bên là đồi rừng và phần giữa là dải đồng bằng hẹp, chạy dài từ vùng Bắc Trung bộ đến cực Nam Trung bộ. Với đặc thù sinh thái khá phức tạp nên vùng DHMT thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai: hạn hán, lụt bão. Đất sản xuất lại nghèo dinh dưỡng và thiếu nguồn nước tưới, đây là các yếu tố làm giới hạn phát triển nông nghiệp của vùng. Do vậy, theo tôi, nông nghiệp DHMT muốn phát triển phải đi lên bằng cách khai thác tốt nhất các khía cạnh sinh thái đặc thù của vùng, biến những khó khăn thành tiềm năng phát triển. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và PTNT, vùng DHMT đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều mô hình cho thu nhập 50 triệu đồng và đây là cơ sở để vùng đất này xây dựng thành công những cánh đồng đạt thu nhập 50 triệu/ha/năm. Ví dụ như trên đất trồng lúa, từ làm lúa ba vụ trước đây, các tỉnh đã chuyển sang luân canh một số loại cây trồng như: mì, đậu phụng, bông vải, dưa hấu… đã cho thu nhập đáng kể hơn rất nhiều. Vấn đề ở đây là người nông dân phải biết cách đưa các loại giống cây trồng cạn vào luân canh mùa vụ, tăng cường các biện pháp thâm canh thì mới có thể tạo ra thu nhập cao. Đó là chưa kể chúng ta khai thác vùng cát ven biển để nuôi tôm, thời gian qua đã có nhiều mô hình cho thu nhập rất cao, lãi ròng đạt mức 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Mặc dù DHMT là vùng đất nghèo, khó khăn nhưng cơ sở để xây dựng thành công những cánh đồng đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm là có thể thực hiện được.

* Ông LÊ HƯNG QUỐC - Cục trưởng Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT): Có 5 giải pháp quan trọng giúp vùng DHMT xây dựng thành công những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm.

Theo tôi, vùng DHMT muốn xây dựng thành công những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm, cần có 5 giải pháp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Thứ nhất: Cần ứng dụng đưa các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Đây là giải pháp mang tính đột phá và rất cần thiết đối với khu vực này. Giống cây trồng, vật nuôi phải là những giống mới, chất lượng cao, công nghệ sản xuất phải hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thứ hai: Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, thi đua làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng, đặc biệt dựa vào đội ngũ nông dân tiên tiến, nông dân sản xuất kinh doanh dịch vụ giỏi các cấp làm nòng cốt, chuyển đổi tư duy từ số lượng sang giá trị, từ tự túc sang sản xuất hàng hóa; chuyển từ lúa sang màu, cây công nghiệp, cây ăn quả… Xây dựng hộ sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến quy mô vừa và nhỏ. Thứ ba: Phải quy hoạch chuyển đổi đất, quy vùng sản xuất hàng hóa, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất lâu dài để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh quy hoạch gắn liền với điều chỉnh cơ cấu đầu tư, trước hết là khâu thủy lợi. Thứ tư: Xây dựng các mô hình mới theo quy hoạch thiết kế gắn với chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đầu tư, khuyến khích xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất giống theo phương thức công nghiệp, liên kết 5 nhà, 4 nhà, 3 nhà, 2 nhà… Kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở và xã hội hóa công tác khuyến nông theo mô hình làng xã khuyến nông tự quản. Thứ năm: Nhà nước các cấp cần có chính sách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông, thủy lợi, điện; chính sách lâm nghiệp ưu tiên cho cây có diện tích phòng hộ chủ đạo; chính sách đầu tư cho công nghiệp chế biến; chính sách tín dụng lãi suất thấp cho nông dân nghèo phát triển nông nghiệp…

* Phó GS-TS TẠ MINH SƠN - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam: Bình Định muốn đạt giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp phải thay đổi phương thức canh tác.

Theo tôi, vấn đề xây dựng các mô hình đạt 50 triệu đồng/ha ở vùng DHMT là hoàn toàn có thể ứng dụng được. Tất nhiên, đây là vấn đề hành động, định hướng để chúng ta tiến tới xây dựng những cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha. Hiện nay, trong vùng này đã có nhiều mô hình có thể đạt được thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm. Ví dụ như mô hình 2 lúa, 3 lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản như cá rô phi, tôm càng xanh. Nếu tính hiệu quả kinh tế từ nuôi cá nước ngọt thì mỗi vụ nuôi có thể tăng thêm thu nhập khoảng 10 triệu/ha, nếu nâng lên 2 vụ nuôi cá kết hợp làm lúa năng suất đạt 14-15 tấn/ha mỗi năm thì có thể cho thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/ha. Theo tôi, đây sẽ là cơ cấu tốt để vùng DHMT áp dụng trong tương lai nâng cao hiệu quả. Hoặc cơ cấu 2 màu-1 lúa, hoặc 3 vụ màu có thể cho thu nhập đạt 50 triệu/ha. Kết quả khảo sát mô hình 3 màu (đậu phụng đông xuân - dưa hấu hè - bắp thu đông) ở xã Cát Trinh (Phù Cát) cho doanh thu đạt 41 triệu đồng/ha, lãi ròng 20 triệu đồng/ha. Nếu có đầu tư thâm canh, mô hình này có thể đạt thu nhập tới 100 triệu đồng/ha, lãi ròng 59,6 triệu đồng/ha. Hoặc như mô hình trồng điều lùn trên cát bằng công nghệ cao do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ thực hiện ở huyện Phù Cát cho kết quả rất khả quan, mở ra triển vọng mới cho vùng đất cát nghèo dinh dưỡng khu vực miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng.

. Nguyễn Hân (ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)