|
Nuôi tôm trên cát, một trong nhiều mô hình đang phát triển mạnh ở các tỉnh duyên hải miền Trung |
Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra cuộc Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Duyên hải miền Trung, hướng tới xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha" do Bộ NN-PTNT phối hợp với Ban Kinh tế TƯ, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Thủy sản, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Cuộc tọa đàm không chỉ bàn phương hướng, giải pháp tổ chức cho việc xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha mà còn là nơi hội tụ và gặp gỡ của những điển hình hộ nông dân, HTX xuất sắc 11 tỉnh Duyên hải miền Trung.
* Vạch xuất phát
Duyên hải miền Trung là vùng sinh thái nông nghiệp rất đặc thù của nước ta. Vùng này có khoảng 1,2 triệu ha đất nông nghiệp với 2 tiểu vùng sinh thái một bên là đất dốc và một bên là đất bằng ven biển. Tiểu vùng đất dốc có địa hình cao, chia cắt phức tạp, không thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng năm. Trong khi đó, tiểu vùng đất thấp có dải đất cát dài ven biển với độ màu mỡ thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nước phục vụ nông nghiệp khó khăn nên nhiều nơi đất đai còn bỏ trống, hoang hóa.
Xuất phát điểm của vùng này trung bình khoảng 10 triệu đồng/ha, trong đó đất cát biển và đất cát nghèo dinh dưỡng 5 triệu đồng/ha. Trong tổng số 600.000 ha đất cát, mới có trên 200.000 ha sử dụng cho cây trồng nông nghiệp, còn lại 400.000 ha chưa sử dụng, cần phải được cải tạo. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng của các tỉnh duyên hải miền Trung còn kém, trình độ dân trí thấp, khả năng huy động vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp (chiếm 65%). Chính vì những hạn chế trên, gần 17 triệu người trên dải đất miền Trung có rất ít điều kiện để phát triển kinh tế, dẫn đến tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức 50%.
* Và những mô hình làm giàu
Thế nhưng từ xuất phát điểm rất thấp ấy, trong những năm qua, nhiều hộ nông dân, HTX trong vùng đã nỗ lực vươn lên.
Là xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp số 2 (thuộc xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ông Ung Quý đã mang đến buổi tọa đàm mô hình trồng đậu phụng xen cây bông vải trên diện tích đất màu ở bãi bồi ven sông Trà. Những năm trước đây khi chưa xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, ông Quý trồng mía trên đất màu nhưng giá cả không ổn định, thu không đủ chi. Sau, ông chuyển sang trồng dưa hấu nhưng được mùa hay không lại phải phụ thuộc vào thời tiết và thị trường tiêu thụ. Từ vụ Đông Xuân 2001-2002, được sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan cùng với quyết tâm của gia đình, ông mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất màu của mình sang trồng đậu phụng xen cây bông vải. Từ đó đến nay, cứ 1 ha ông Quý thu hoạch 7 tấn bông vải xơ và 1.800 kg đậu phụng vỏ; trừ chi phí đầu tư 10 triệu đồng, mỗi năm ông thu được lãi ròng 36 triệu, cải thiện phần nào cuộc sống.
Sau 10 năm rời quân ngũ, anh Nguyễn Thuận trở thành đại biểu của những cựu chiến binh làm kinh tế trang trại giỏi của tỉnh Bình Thuận. Gia đình anh có 13 ha đất, trong đó, 3 ha đã được đưa vào khai thác và 10 ha đang được trồng mới. Từ chỗ diện tích đất nhiều, anh Thuận trồng cùng một lúc nhiều loại cây trồng, nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có cây thanh long phù hợp với chân đất bạc màu và cát sỏi của anh, cho năng suất cao với giá trị trên 100 triệu đồng/ha. Đã vậy, cây thanh long lại dễ trồng, có thể kéo dài tuổi thọ từ 12 đến 15 năm nếu được chăm sóc tốt, cho thu hoạch chính vụ lẫn trái vụ. Do đó, anh quyết định dành 2 ha đất chuyên trồng cây thanh long, 2 ha đào ao thả cá, số còn lại anh trồng cỏ phục vụ chăn nuôi (chuyển từ nuôi bò sang nai). Tổng cộng, mỗi năm doanh thu từ trang trại của anh hơn 227 triệu đồng, bình quân lãi ròng 77 triệu/ha.
Trong khi đó, mỗi năm mô hình trồng nho trên 315 ha của xã Phước Thuận (Ninh Phước, Ninh Thuận) cung cấp hơn 5.000 tấn nho tươi cho thị trường, thu lãi gần 53 tỉ đồng. Số nho tươi đó cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường TP HCM chứ chưa đủ số lượng để mở rộng thị trường cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, Phước Thuận xóa toàn bộ hộ đói, giảm hộ nghèo. Riêng điển hình hộ ông Nguyễn Văn Mọi trồng nho từ năm 1984, chuyển đổi liên tục từ giống nho đen sang nho đỏ và xanh. Mỗi năm ông thu hoạch 2 vụ/năm, thu lãi từ 100-125 triệu đồng. Để khẳng định chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ, ông Mọi đã áp dụng các tiến bộ khoa học vào việc trồng nho, tiến tới đăng ký thương hiệu nho riêng.
Tỉnh Bình Định có nhiều mô hình HTX được xem là có sự chuyển biến lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, HTX Nhơn Lộc (An Nhơn) học tập từ xã láng giềng Nhơn Tân đã khơi dậy mô hình đất trồng một vụ lúa sang trồng cỏ nuôi bò sữa. HTX đã trích 3 ha đất trồng lúa để trồng cỏ, bình quân sản lượng cỏ đạt 55 tấn trên một lần cắt; mỗi năm cắt được 6 lứa, thu lãi 52 triệu đồng. HTX còn xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo với thu nhập 1 triệu/tháng/con. Ban đầu chỉ có 5 hộ, đến nay đã thu hút 50% số hộ trong toàn xã tham gia mô hình. Hướng sắp tới, HTX sẽ mở rộng quy mô lên 30 ha để trồng cỏ và nuôi bò…
* Để niềm vui trọn vẹn
Dù đã có nhiều mô hình đạt được một số kết quả nhất định, làm nền tảng cho việc xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha, nhưng các hộ nông dân, HTX vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn cho sản phẩm của mình. Ông Vũ Đình Long, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (An Nhơn), cho biết: "Có thể thấy rõ, những nỗi lo chính của người sản xuất chúng tôi tập trung vào 4 vấn đề chính là: đầu ra của sản phẩm rất bấp bênh (bao gồm thị trường bao tiêu, giá cả); nông dân thiếu kinh phí đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất; tổ chức trình diễn các mô hình để người dân học tập; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Hay nói đúng hơn chính là việc liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Nếu làm được như thế thì mô hình xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha sẽ không còn mông lung nữa".
. Lê Thu Hiền
|