Phát triển kinh tế - xã hội Tuy Phước: Nhìn từ các cụm kinh tế - kỹ thuật
17:8', 23/9/ 2003 (GMT+7)

Một góc thị trấn Diêu Trì hôm nay

Việc hình thành các cụm kinh tế - kỹ thuật (KT-KT) sẽ có tác động về nhiều mặt và tạo cơ hội phát triển cho các khu dân cư. Huyện Tuy Phước đang tiến hành quy hoạch và xây dựng các cụm KT-KT trên địa bàn nhằm tạo nên một Tuy Phước mới.

* "Áo mới" cho Tuy Phước

Thị trấn Diêu Trì đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của huyện Tuy Phước, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch cũ của thị trấn đã không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng nhanh của khu vực. Vấn đề ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đã và đang nảy sinh ở đây. Tương tự như vậy, sau nhiều năm phát triển, khu trung tâm thị trấn Tuy Phước hiện đã quá chật hẹp, và nó cần một "chiếc áo mới". Xung quanh chợ Bồ Đề (nằm trên trục đường DT 460, gần giao lộ DT 640 và QL 1, chợ lớn bậc nhất của huyện) tập trung rất đông dân cư, tình trạng buôn bán lấn chiếm lề đường, gây ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

Ngoài thương mại và dịch vụ, Tuy Phước cũng phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp. Từ nhiều năm qua, dù con tôm và cây lúa đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân, nhưng các điều kiện để thúc đẩy 2 ngành kinh tế chủ lực là thủy sản và nông nghiệp của huyện phát triển một cách chuyên nghiệp hơn vẫn chưa được hoạch định. Nhiều vùng đang phát triển theo hướng tự phát. Ông Mai Thanh Thắng - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước - khẳng định: "Nếu không quy hoạch để có định hướng phát triển hợp lý, những vấn nạn trên sẽ kìm hãm sự phát triển không chỉ của khu vực Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước, mà còn ảnh hưởng đến toàn huyện. Vì thế, chúng tôi đã tiến hành quy hoạch 5 cụm KT-KT gồm: thị trấn Tuy Phước, thị trấn Diêu Trì, cầu Gành, Kỳ Sơn (Phước Sơn) và Gò Bồi (Phước Hòa)".

* Phác thảo chân dung các cụm KT-KT

Khu dân cư mới của thị trấn Tuy Phước đã được quy hoạch với diện tích 10 ha, đặt tại vị trí giữa QL 19 và DT 640. Chợ Bồ Đề sẽ được dời từ vị trí hiện nay về khu dân cư với diện tích quy hoạch cho chợ là 1,3 ha. Ở thị trấn Diêu Trì, theo quy hoạch, Trung tâm thương mại dịch vụ thị trấn sẽ nằm tại ngã ba QL 1 và đường đi ga Diêu Trì, rộng 9 ha. Ông Huỳnh Minh Chấn - Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tuy Phước cho biết: "Xét về điều kiện thuận lợi và tầm quan trọng, chúng tôi ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng 2 cụm KT-KT thị trấn Tuy Phước và Diêu Trì trước, theo kế hoạch đến năm 2005 sẽ hoàn thành hệ thống cấp thoát nước, điện, chợ". Hai cụm Kỳ Sơn (Phước Sơn) và Gò Bồi (Phước Hòa) có đặc điểm gần giống nhau là đều phát triển dịch vụ và thương mại phục vụ nuôi trồng thủy sản và tiêu dùng. Vì thế, hai cụm KT-KT này sẽ được quy hoạch theo hướng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy thủy sản và nông nghiệp. Riêng với Gò Bồi, một khi tuyến đường du lịch Phương Mai - Cát Tiến chạy qua nơi này, khu sinh thái Cồn Chim được khôi phục, nhà lưu niệm Xuân Diệu được tôn tạo lại, Gò Bồi còn có thêm cơ hội để phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa phân tích thêm: "Bên cạnh việc điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể, xã cũng đang tiến hành bê tông hóa đường liên thôn, lấy đó làm cơ sở để quy hoạch lại các khu dân cư, mở rộng chợ Gò Bồi. Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần huyện cho "cơ chế", như đầu tư kinh phí, tư vấn, giúp đỡ quy hoạch...".

* Góp phần cho các cụm KT-KT trở thành hiện thực

Có thể nói 5 cụm KT-KT nói trên đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy huyện Tuy Phước phát triển kinh tế và tác động dây chuyền đến các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí... Tuy nhiên, hiện tiến độ xây dựng các cụm KT-KT này - trước mắt là cụm thị trấn Tuy Phước và Diêu Trì - còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân đầu tiên của sự chậm trễ phải kể đến là khâu tư vấn thiết kế chưa hoàn chỉnh; tiếp đó là công tác giải tỏa, đền bù còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Kinh nghiệm lâu nay cho thấy, nếu việc thiết kế không được tính toán hợp lý, nhiều hậu quả phát sinh, kế hoạch phát triển kinh tế buộc phải điều chỉnh nhiều lần, tốn kém thời gian. Thứ đến là vấn đề giải tỏa đền bù - một chuyện tưởng như rất quen thuộc và các cơ quan chuyên môn đã có nhiều kinh nghiệm nhưng thực tế không hẳn như vậy. Để có thể xây dựng được 5 cụm KT-KT, có lẽ việc đầu tiên Tuy Phước phải làm và làm tốt là công tác đền bù giải tỏa để quy hoạch sớm thành hiện thực.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc "hội ngộ" của những điển hình mới   (22/09/2003)
Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?   (21/09/2003)
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)