Ghi nhận ở một HTX tiên tiến
16:42', 24/9/ 2003 (GMT+7)

Mới đây, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) thị trấn Bình Định - huyện An Nhơn đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất - phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước tặng cho HTX vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và nâng cao đời sống xã viên trong thời gian qua. Đến HTXNN thị trấn Bình Định trong những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp được niềm vui thể hiện trên nét mặt của nhiều bà con xã viên bởi cuộc sống của họ ngày càng khấm khá hơn trước.

Ông Hồ Sĩ Bình - ở khối Vĩnh Liêm, xã viên HTXNN thị trấn Bình Định - nói với chúng tôi: "Bây giờ, việc làm ruộng của bà con xã viên ở đây rất thuận lợi, không còn cảnh lo sợ mất mùa, năng suất kém, chỉ cần gieo sạ bằng giống của HTX và làm đúng quy trình kỹ thuật như cán bộ kỹ thuật của HTX hướng dẫn là bà con nông dân có thể tự tin năng suất cây lúa sẽ đạt cao". Ông chứng minh với chúng tôi về điều này rất cụ thể. Nếu như trước đây, 8 sào lúa của gia đình ông làm mỗi năm cho năng suất bình quân cao nhất là 50 tạ/ha, thì hiện nay, nó đã tăng lên hơn 70 tạ/ha.

Đối với người nông dân chuyên làm ruộng, họ đều thuộc nằm lòng câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Trong 4 yếu tố trên, cái cần cù thì người nông dân nào cũng sẵn có. Với 3 yếu tố còn lại, hiện nay HTXNN thị trấn Bình Định đều thực hiện cung ứng cho xã viên rất tốt. Về khâu giống, mỗi vụ xã viên đến HTX mua, đến cuối vụ mới thanh toán. Đặc biệt là xã viên được hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật gieo sạ của từng loại giống. Phân bón thì HTX cho xã viên mua nợ không tính lãi. Chính điều này đã tạo được sự yên tâm của xã viên khi tham gia sản xuất.

Không chỉ thực hiện tốt các khâu dịch vụ sản xuất cây lúa, việc hướng dẫn xã viên thực hiện quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được HTX chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Đối với những vùng đất chân cao, thiếu nước, sản xuất 3 vụ lúa một năm, năng suất kém thì chuyển sang trồng một lúa hai màu. Anh Lê Văn Toàn - ở thôn Kim Châu, thị trấn Bình Định - cho biết, gia đình anh có 5 sào ruộng, trước đây sản xuất 3 vụ lúa/năm, thu nhập mỗi sào khoảng 400.000 đồng/vụ. Khi chuyển sang làm 2 vụ màu, một vụ lúa, thu nhập mỗi sào lên tới cả triệu đồng. Điều đáng mừng là hiện nay HTXNN thị trấn Bình Định có nhiều hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó thu nhập trên một đơn vị diện tích cũng tăng theo.

Từ khi chuyển đổi cơ chế hoạt động theo luật, đã có không ít HTX trong tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc tìm ra phương hướng, xác định quy mô hoạt động, nên các khâu dịch vụ của HTX cũng dần dần thu hẹp. Riêng đối với HTXNN thị trấn Bình Định thì đó là cơ hội để vươn lên, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Với 12 dịch vụ đang hoạt động, mỗi năm HTX đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên. Đáng chú ý là dịch vụ sản xuất và cung ứng giống cấp I đã có nhiều đóng góp đáng kể cho xã viên trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện trình độ sản xuất. Hàng năm HTX hợp đồng từ 300 đến 400 hộ xã viên để sản xuất giống cấp I trên diện tích khoảng 70ha. Sản lượng giống cung cấp cho xã viên trong và ngoài HTX lên tới con số hơn 400 tấn. Ngoài cung cấp giống cấp I trong tỉnh, HTX còn thực hiện liên kết cung ứng giống cho các tỉnh bạn, như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi. Thay vì để cho người dân sản xuất lúa thịt trên đồng ruộng của mình thì việc hợp đồng sản xuất giống là một hình thức HTX tiêu thụ nông sản do người dân làm ra, nhưng với mức thu nhập cao hơn nhiều.

Thông qua các hoạt động dịch vụ để bổ trợ cho xã viên phát triển sản xuất, mỗi năm HTX lãi một ít và nguồn vốn tăng dần. Tổng vốn điều lệ của HTX hiện có hơn 1,46 tỉ đồng. Nguồn vốn kinh doanh có hơn 1,67 tỷ đồng, tăng hơn so với năm 1997 khi thực hiện chuyển đổi hoạt động theo luật HTX trên 19%. Ông La Văn Tám, Chủ nhiệm HTXNN thị trấn Bình Định cho biết: Trong thời gian tới, HTX tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiến tới xây dựng những cánh đồng 50 triệu đồng/ha; mở rộng phạm vi hoạt động của những dịch vụ hiện có và mở thêm nhiều dịch vụ mới để góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của xã viên. Trong số các dịch vụ mới, đáng chú ý có dịch vụ xây dựng. Dự kiến, đội xây dựng này khi thành lập sẽ có 50 thành viên là con em các hộ xã viên trong HTX hiện không có việc làm. Trước mắt, thực hiện xây dựng một số công trình dân dụng trong HTX; vào đầu năm 2004, đội xây dựng sẽ phụ trách việc kiên cố hóa kênh mương theo chủ trương của tỉnh.

Việc đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước tặng thưởng vừa là vinh dự và là sự khích lệ đối với cán bộ và xã viên của HTXNN thị trấn Bình Định trên con đường tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong những năm tới.

. Nguyễn Minh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển kinh tế - xã hội Tuy Phước: Nhìn từ các cụm kinh tế - kỹ thuật   (23/09/2003)
Cuộc "hội ngộ" của những điển hình mới   (22/09/2003)
Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?   (21/09/2003)
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)