Khó khăn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ
16:2', 25/9/ 2003 (GMT+7)

Một hộ làm nghề tiện gỗ ở Nhơn Hậu (ảnh: Ngọc Thái)

Đã nhiều năm qua, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu - An Nhơn sản xuất được nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ tham gia xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Điều đặc biệt hơn, những sản phẩm ấy được tạo nên bởi chính bàn tay khéo léo của những lao động thủ công ngay tại địa phương. Nhưng làng tiện gỗ Nhơn Hậu vẫn còn vướng mắc cần được tháo gỡ.

Tiện gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống ở xã Nhơn Hậu. Lúc trước, làng nghề chỉ tiện những sản phẩm gỗ thông dụng dùng phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: cối tiêu, thớt, ống đựng tăm và các đồ thờ cúng... Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, làng nghề gặp phải khó khăn bởi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhiều người không còn giữ được nghề đành chuyển sang các nghề khác để kiếm kế sinh nhai. Những nghệ nhân tâm huyết nhìn làng nghề mai một mà đau lòng, họ đã lao vào nghiên cứu, tìm tòi những mẫu mã mới đáp ứng yêu cầu của thị trường để thay dần những sản phẩm cũ. Từ đây, hàng loạt những sản phẩm mới, tinh xảo, đạt giá trị thẩm mỹ cao như: gạt tàn thuốc, lọ cắm hoa, bình uống trà… lần lượt ra đời và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều khách hàng ở các tỉnh bạn như: Gia Lai, Huế, Đà Nẵng… tìm đến đặt mua với số lượng lớn. Khi sản phẩm làm ra tiêu thụ được, làng nghề bắt đầu sôi động lại. Một số người bỏ nghề cũng đã quay về.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, những năm 1996-1997, sản phẩm của làng nghề đã được nhiều khách hàng đến đặt mua với số lượng lớn để xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Điều đó cũng có nghĩa lao động trong làng nghề có việc làm ngày càng thêm ổn định, thu nhập ngày càng tăng, đời sống khá giả hơn. Hiện nay, làng nghề có khoảng 50 hộ hành nghề, thu hút hơn 350 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 600 ngàn đồng/người/tháng. Ông Trương Mạnh Hùng, Trưởng phòng Công nghiệp huyện An Nhơn, nhận xét: "So với các làng nghề truyền thống ở địa phương, nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu là một trong những nghề có thu nhập cao. Đời sống của người dân trong làng nghề khá ổn định và tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi khác đã giảm hẳn". Ông Phạm Văn Điều, một nghệ nhân trong làng nghề, tâm sự: "Nhờ yêu nghề, bám theo nó mà giờ đây gia đình tôi có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn, con cái được ăn học đến nơi đến chốn".

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay mà làng nghề gặp phải là vấn đề nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở đây được làm ra chủ yếu từ các loại gỗ nhóm 1 và 2, là những loại gỗ cấm mua bán trên thị trường. Để có nguyên liệu làm, người làm nghề đã phải lén lút đi thu mua gỗ trôi nổi trên thị trường và tranh thủ vào đến tận Nha Trang, Phú Yên… mua gỗ của ngành kiểm lâm, quản lý thị trường bắt, thanh lý lại, nên không chủ động được nguồn nguyên liệu. Như vậy, mặc dù sản phẩm làm ra luôn tiêu thụ hết, nhưng làng nghề không thể phát triển hơn được, mà có nguy cơ mai một trở lại. Đây là vấn đề khiến nhiều người dân trong làng nghề lo lắng.

Để giải quyết sự khó khăn này, hiện người dân trong làng nghề cũng đã tự tìm hướng đi mới cho mình. Ông Phạm Văn Điều cho biết: "Chúng tôi cũng đang tìm cách thay dần nguyên liệu gỗ quý bằng những sản phẩm gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không thể làm một lúc, bởi làm như vậy sẽ mất khách hàng. Ngoài ra, khi thay đổi nguyên liệu, chúng tôi cần một nguồn vốn lớn để đầu tư lại trang thiết bị, chứ trang thiết bị làm lâu nay không còn phù hợp". Người dân trong làng nghề đang rất mong chờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để cứu làng nghề qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận ở một HTX tiên tiến   (24/09/2003)
Phát triển kinh tế - xã hội Tuy Phước: Nhìn từ các cụm kinh tế - kỹ thuật   (23/09/2003)
Cuộc "hội ngộ" của những điển hình mới   (22/09/2003)
Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?   (21/09/2003)
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)
Sản phẩm của làng nghề Tam Quan đang bí "đầu ra"   (08/09/2003)
Xôn xao Internet phố huyện   (07/09/2003)