Hệ thống hồ chứa nước ở Hoài Ân trước mùa mưa bão: Nhiều điều đáng lo!
16:4', 28/9/ 2003 (GMT+7)

Hoài Ân hiện có tất cả 21 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích gần 30 triệu m3; ngoài nhiệm vụ tích nước đảm bảo tưới cho trên 4.000 ha đất canh tác hàng năm, các hồ chứa nước này còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm áp lực lũ, ngăn lũ trong mùa bão lụt. Tuy nhiên, do xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau, qua thời gian dài khai thác sử dụng, đến nay nhiều công trình đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, mùa mưa bão lại đang đến gần…

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hoài Ân, trong tổng số 21 hồ chứa nước trên địa bàn thì hiện chỉ có 3 hồ chứa là thật sự an toàn, số còn lại đều đặt trong tình báo động. Hầu hết những hồ chứa nước ở Hoài Ân được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1975-1985, thời gian này do nguồn vốn đầu tư có hạn, các phương tiện vật tư, kỹ thuật còn hạn chế nên chủ yếu là thi công bằng phương tiện thủ công do xã viên trong các Hợp tác xã góp sức. Vì thế các khâu xử lý nền móng, thân đập đất, cống lấy nước đều không đạt yêu cầu. Mới đây, trong đợt kiểm tra thực tế các công trình hồ chứa nước trước mùa mưa bão, Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân đã phát hiện có rất nhiều điều đáng ngại từ hệ thống các hồ chứa nước trên địa bàn huyện. Ông Vũ Dạ Lâm, cán bộ thủy lợi thuộc Ban quản lý hồ Hóc Sim-Thạch Khê cho biết: Hầu hết đập đất của các hồ chứa nước trên địa bàn huyện đều bị xói lở, có hồ phần đập đất bị nước lũ của các năm trước cuốn trôi tạo thành những rãnh sâu vào thân đập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nhiều hồ thủy lợi do thân đập không được lát đá bảo vệ nên nước mưa hàng năm xâm thực sâu vào thân đập tạo thành nhiều hố, bậc thụt gây nguy cơ sạt lở. Nguy hiểm hơn nhiều hồ chứa còn xuất hiện ổ mối trong thân đập, tạo những lỗ rò rỉ rất đáng ngại. Trong số những hồ chứa bị xuống cấp, có những hồ đang ở tình trạng báo động như: hồ Mỹ Đức (Ân Mỹ), Đá Bàn, Hóc Mỹ, Ân Đôn (Ân Phong), Bè Né, Đồng Quang (Ân Nghĩa), Thạch Khê (Ân Tường Đông).

Bên cạnh đó, các tràn xả lũ của các hồ chứa ở Hoài Ân hầu hết chưa được xây dựng kiên cố, ước tính còn hơn 10 hồ chứa trên địa bàn huyện còn sử dụng tràn đất; cứ sau mỗi mùa bão lụt là số tràn này bị xói lở tạo những bậc thụt xâm thực sâu vào bên trong thân đập. Ngoài ra, phần cống lấy nước cũng là điều đáng ngại đối với các công trình hồ chứa ở Hoài Ân hiện nay. Hiện có trên 70% số hồ chứa xây dựng cống lấy nước theo kiểu bậc thang, nhưng hầu hết phần bê tông cống đã thoái hóa, vỡ nhiều chỗ, rò rỉ nước ra mang cống (đáng lưu ý là các công trình hồ chứa nước Hóc Tài, Đồng Quang, Bè Né, Kim Sơn, Đá Bàn), đây là nguyên nhân chính gây tình trạng xói lở, không đảm bảo mực nước dâng bình thường cho các hồ chứa.

Tại hồ chứa nước Đồng Quang (Ân Nghĩa) chúng tôi đã quan sát thấy dấu hiệu xuống cấp của công trình này là rất nghiêm trọng. Ông Nguyễn Minh Chánh, cán bộ UBND xã Ân Nghĩa cho biết: "Hồ chứa nước Đồng Quang có dung tích chứa 450.000 m3 nước, hàng năm trữ nước tưới cho 20 ha lúa, hoa màu trong vùng; tuy nhiên do xây dựng từ năm 1982 nên đến nay đã bị xuống cấp trầm trọng. Phần đập đất do không được lát đá bảo vệ nên qua các mùa bão lụt đã tạo ra những rãnh xói lở lớn. Phần cống lấy nước bị thoái hóa bê tông gây tình trạng thẩm thấu ra phía sau đuôi tràn. Đáng nói hơn là nhiều năm nay việc khai thác đào đãi vàng trái phép ở khu vực đầu nguồn hồ chứa đã gây ra tình trạng bồi lấp lòng hồ. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng đất đá sa bồi đã lấp gần 1/3 hồ chứa; nếu không có biện pháp nạo vét kịp thời thì có nguy cơ vào mùa mưa bão tới nước hồ sẽ tràn qua phần đập đất, gây nguy cơ vỡ đập. Tuy vậy, theo ông Chánh, cho đến thời điểm hiện nay xã vẫn chưa có kế hoạch gì để nạo vét, tu bổ gia cố hồ vì thiếu kinh phí (?).

Thực trạng các hồ chứa nước ở Hoài Ân trước mùa mưa bão năm nay tiềm ẩn nhiều điều đáng lo, thế nhưng việc tu sửa, gia cố các công trình chứa nước ở đây hiện gặp phải bế tắc bởi thiếu nguồn kinh phí. Theo ông Vũ Dạ Lâm, năm nay kinh phí cho việc tu sửa, gia cố các công trình thủy lợi ở địa phương là 3,8 tỉ đồng; nhưng với số tiền này mới chỉ đủ để thi công công trình đập đất của hồ chứa nước Hội Long (Ân Hảo), đây là công trình xuống cấp nghiêm trọng cần phải thi công ngay. Các hồ chứa còn lại phải chờ tiếp các năm sau. Chủ trương của huyện hiện nay là sửa chữa, gia cố tạm các công trình theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư thiết bị tại chỗ; hậu cần tại chỗ); đối với các hồ xuống cấp nghiêm trọng Ban PCLB huyện cho thành lập các đội bảo vệ hồ để vượt lũ an toàn, rồi sau đó sẽ tính (!).

Một mùa mưa bão đang đến gần, nỗi lo từ hệ thống hồ chứa nước ở Hoài Ân là đáng báo động. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Hoài Ân cần có những biện pháp kịp thời nhằm bảo vệ an toàn cho các hồ chứa trong mùa mưa bão năm nay.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển du lịch Bình Định: Những tín hiệu tích cực   (26/09/2003)
Khó khăn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ   (25/09/2003)
Ghi nhận ở một HTX tiên tiến   (24/09/2003)
Phát triển kinh tế - xã hội Tuy Phước: Nhìn từ các cụm kinh tế - kỹ thuật   (23/09/2003)
Cuộc "hội ngộ" của những điển hình mới   (22/09/2003)
Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?   (21/09/2003)
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)
Nhìn lại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2003 tại Bình Định : 3 và 1   (11/09/2003)
Vùng cao thiếu chợ…  (10/09/2003)
Mùa làm bánh trung thu   (09/09/2003)