|
Kênh bê tông vỏ mỏng ở xã Mỹ Tài |
Dự án "Ứng dụng công nghệ kết cấu bê tông vỏ mỏng lắp ghép để xây dựng mô hình kiên cố hóa kênh mương xã Mỹ Tài, Phù Mỹ, Bình Định" đã hoàn tất vào cuối năm 2001. Tuy dự án chỉ triển khai ở Mỹ Tài nhưng tác động của nó không bó hẹp ở đây. Hiện nay, đã có ít nhất là 3 đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh đã được chuyển giao công nghệ này. Một số đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đã đến tham quan, học tập mô hình.
* Từ thành công của dự án ở Mỹ Tài
Dự án Ứng dụng công nghệ bê tông vỏ mỏng (BTVM) để kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) xã Mỹ Tài, Phù Mỹ do Trung tâm ĐH 2 (Trường ĐH Thủy lợi) phối hợp với Sở KH-CN-MT lập, nhằm góp phần thực hiện dự án kiên cố hóa kênh mương tỉnh Bình Định 2000-2005.
Mỹ Tài có 150 ha đất nông nghiệp "ăn" nước từ hồ Hội Sơn, nhưng chỉ có 10% trong số này được cấp đủ nước. Nguyên nhân là tuyến kênh NK5 dẫn nước từ hồ Hội Sơn đi qua vùng đất cát có độ thấm nước lớn (tỉ lệ thất thoát nước ước lên đến 40-50%), đáy kênh lại không đảm bảo độ dốc để dẫn nước tưới. Tiến sĩ Võ Văn Lược - Chủ nhiệm dự án Ứng dụng công nghệ BTVM để KCHKM xã Mỹ Tài phân tích: "Có nhiều biện pháp để KCHKM như: xây kênh bằng gạch, bằng đá, đổ bê tông tại chỗ..., nhưng chúng tôi chọn cách xây bằng máng BTVM là vì công nghệ này giúp tiết kiệm vật liệu xây dựng, giá thành thấp hơn kênh bê tông cốt thép, ít chiếm mặt bằng, ít gây thất thoát nước, lại có khả năng chống sạt lở cao. Khi áp dụng vào thực tế ở Bình Định, chúng thể hiện rõ sự vượt trội so với các công nghệ khác".
Chính vì lẽ đó mà Bộ KH-CN-MT đã hỗ trợ cho dự án 500 triệu đồng với hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ tác động mạnh mẽ đến chương trình KCHKM không chỉ ở địa phương Bình Định. Dự án được triển khai từ tháng 8-2000, đến cuối năm 2001 thì hoàn tất việc lắp ghép 500m kênh bằng BTVM tại xã Mỹ Tài. Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài, nhận xét: "Ngoài 500m kênh thực hiện trong khuôn khổ dự án, 3.100m còn lại của tuyến kênh NK5 cũng được tỉnh đầu tư kinh phí để xây mới bằng công nghệ BTVM. Tuy chưa hoạt động hết công suất vì nguồn nước hồ Hội Sơn hiện không đủ tưới cho Mỹ Tài, nhưng bước đầu cho thấy chất lượng kênh rất tốt. Nếu nước hồ Hội Sơn nhiều, tuyến kênh này đảm bảo việc dẫn nước để tưới cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã".
* Nhân rộng mô hình
Ngoài việc trực tiếp chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kinh phí để Công ty Cổ phần xây lắp điện Tuy Phước sản xuất khuôn mẫu và đúc các đoạn kênh phục vụ dự án ở Mỹ Tài, Trung tâm ĐH 2 cũng đã chuyển giao công nghệ cho HTX NN Mỹ Hiệp I, Công ty TNHH Mỹ Nhơn (Phù Mỹ). Hiện các đơn vị này đã xây dựng xưởng sản xuất kênh BTVM để phục vụ nhu cầu địa phương và bán ra thị trường.
Cho đến nay, tính ưu việt của công nghệ BTVM trong việc xây dựng kênh mương đã được kiểm chứng bởi thực tế. Ông Nguyễn Hữu Thuân, Chủ tịch UBND xã Hoài Phú (Hoài Nhơn), địa phương có 1.300m kênh mương được xây bằng BTVM, khẳng định: "Loại kênh này có rất nhiều ưu điểm: Hình dáng gọn, đẹp; dẫn nước tốt, không chiếm nhiều diện tích mặt bằng, hầu như không phải nạo vét lòng mương. Với hệ thống kênh bằng BTVM này, xã Hoài Phú đã nâng diện tích đất nông nghiệp được tưới từ 430 ha lên 460 ha, so với hệ thống kênh bằng đất trước đây. Giá có nhiều tiền, xã tôi sẽ còn mở rộng mạng lưới kênh bê tông nhiều hơn". Tiếng lành đồn xa, không những trong tỉnh mà các đơn vị quản lý, doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đến học tập và tiếp thu công nghệ. Tiến sĩ Võ Văn Lược, chủ nhiệm dự án cho biết: "Đã có 110 cán bộ trong tỉnh tham gia các buổi hội thảo và đào tạo về công nghệ sản xuất máng BTVM do Trung tâm ĐH 2 tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hướng dẫn một số đoàn cán bộ quản lý, doanh nghiệp ở Phú Yên, Đak Lak tham quan công trình". Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Công ty TNHH xây dựng Danh Xây (Tây Sơn) cho biết họ cũng có ý định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đang hứa hẹn nhiều hiệu quả này.
Đã từng có khá nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bị rơi vào quên lãng vì thiếu tính thực tiễn. Vì thế, việc đề tài ứng dụng công nghệ BTVM vào KCHKM của Trung tâm ĐH 2 được đánh giá cao trong thực tế một lần nữa chứng minh rằng sức mạnh của khoa học công nghệ luôn bắt nguồn từ tính thực tiễn của nó. Và Bình Định đang rất cần có nhiều đề tài phục vụ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn mang tính khả thi cao như thế.
. Nguyên Sương
|