Mỹ Trinh - Nhộn nhịp mùa kiệu
16:32', 4/1/ 2004 (GMT+7)

Kiệu Tết Mỹ Trinh chuẩn bị ra thị trường

Xã Mỹ Trinh huyện Phù Mỹ là vùng chuyên canh cây kiệu lớn nhất Bình Định. Nơi đây một năm làm hai vụ kiệu. Vụ kiệu giống bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Năm âm lịch. Vụ kiệu mùa từ tháng Sáu đến tháng Chạp, còn gọi là vụ kiệu Tết. Hiện nay 162 ha kiệu của xã Mỹ Trinh đang vào mùa thu hoạch.

Vào những ngày này, trên đất Mỹ Trinh, nhìn đâu cũng thấy kiệu. Kiệu từ ruộng rẫy về nhà. Kiệu ngâm mình trong dòng nước ấm ở các mương suối. Kiệu đang trên xe đến nơi tiêu thụ. Kiệu trong nhà đang bó. Kiệu ngoài đồng xanh ngát trải mình trong ánh nắng mai. Mùa thu hoạch kiệu tết ở Mỹ Trinh chỉ diễn ra trên dưới hai mươi ngày, do đó mọi công việc trở nên khẩn trương và sôi động. Đây là mùa làm ăn, chẳng những của những người mua - bán kiệu mà còn của những người làm thuê, cánh lái xe vận chuyển kiệu và người đan giỏ…

Các thương lái đặt trạm cân kiệu dọc những tuyến đường dẫn về nơi trồng kiệu, thu mua cả ngày lẫn đêm. Mùa kiệu tết năm nay trên địa bàn xã Mỹ Trinh có gần 20 trạm cân kiệu. Mỗi trạm cân kiệu thường có  5-6 người làm thuê ở các khâu cân, cắt củ, vào giỏ và bốc vác lên xe… Việc mua bán hiện nay diễn ra rất nhộn nhịp; ùn ùn những xe kiệu vào Nam, ra Bắc, lên Tây Nguyên…

Với lượng kiệu như năm nay, theo ước tính sơ bộ, bình quân mỗi trạm cân có thể mua gần 1 tấn kiệu/ngày. Chị Phạm Thị Hồng Hoa, một chủ mua kiệu, cho biết: "Nếu giá cả ổn định, sau khi chi phí xong, mỗi xe kiệu tôi kiếm được 2 triệu đồng, còn nếu giá kiệu bất ổn thì cũng thu hồi được vốn!".

Bên các đống kiệu đã cân, nhiều nhóm phụ nữ đang cắt củ, vào giỏ… Họ là những người làm thuê đến từ các xã lân cận như Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Hòa… hầu hết đều tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thêm để kiếm tiền tiêu tết, ước tính có đến cả trăm người. Chị Nguyễn Thị Diệp - ở xã Mỹ Quang đang cắt kiệu ở Mỹ Trinh cho biết nhà chị có đến 4 người cùng đi làm, mỗi người thu được 25.000 đồng/ngày. Số tiền này tuy không nhiều nhưng đến hết mùa kiệu, nhà chị sẽ sắm đủ kẹo mứt cho ba ngày Tết.

Rời trạm thu mua, ngược về các ruộng kiệu, trên đường đi, tôi bắt gặp hàng loạt xe đầu ngang (xe độ chế) ì ạch "cõng" kiệu về nơi tiêu thụ. Hiện Mỹ Trinh có 11 xe đầu ngang, vào những ngày nước rút này xe trong ruộng chở kiệu ra, xe từ ngoài chạy vào hòa với dòng xe đạp, xe máy xuôi ngược làm cho ngày mùa thêm rộn rã. Giá một chuyến kiệu do xe đầu ngang chở từ ruộng về đến trạm cân bình quân 25.000đ, mỗi ngày một xe chở được trên dưới tám chuyến, trừ chi phí xăng dầu, còn được gần 150.000đồng. Anh Lê Văn Chánh - chủ chiếc xe đầu ngang ở thôn Trinh Vân Bắc, hồ hởi nói: "Số chuyến xe tôi chở trong những ngày này gấp mười lần so với ngày bình thường".

Kiệu Tết năm nay ở Mỹ Trinh tốt hơn mọi năm. Mỗi sào kiệu đạt từ 800kg đến 1 tấn. Giá kiệu hiện nay dao động trên dưới 1.500 đồng/kg. Bà con nông dân trồng kiệu ở Mỹ Trinh rất phấn khởi vì kiệu được mùa và được giá.

Rời ruộng kiệu, tôi ghé vào xóm đan giỏ. Giỏ đựng kiệu được đan bằng nan tre, chiều cao 1,2mét, đường kính 1 mét, có lỗ nan to để kiệu khỏi úng. Một người bình quân mỗi ngày đan được 13 chiếc giỏ, giá mỗi chiếc 4.000đồng, trừ tiền mua nguyên liệu đan, còn được gần 40.000đồng/ngày. Người đan giỏ kiệu ở Mỹ Trinh cũng khá nhiều. Theo hợp đồng đặt hàng của các chủ mua thì hiện tại Mỹ Trinh có trên 80 hộ đan giỏ. Vừa đan giỏ vừa nói chuyện với tôi, ông Nguyễn Hữu Quyền, ở thôn Trung Bình cho biết: "Một năm chỉ có vài mươi ngày đan giỏ, mình phải làm hết sức để kịp giao hàng, kiếm thêm ít tiền để Tết lì xì con cháu".

Mùa kiệu tết ở Mỹ Trinh thường đến ngày hai mươi hai, hai mươi ba tháng Chạp là kết thúc. Hy vọng năm nay bà con nông dân Mỹ Trinh sẽ ăn Tết khá hơn mọi năm.

BÙI TẤN PHƯỚC

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nụ hoa mùa xuân đầu tiên đang hé nở   (02/01/2004)
Một năm khơi nguồn nước sạch   (01/01/2004)
Ghềnh Ráng qua thời "Góc bể chân mây"...  (31/12/2003)
Làm giàu bằng tinh thần cầu thị và sự kiên trì  (30/12/2003)
Nước mắm An Nhơn: Khẳng định uy tín bằng chất lượng   (29/12/2003)
Vùng đông bắc Tuy Phước: Nước sạch đã về nhưng dân còn... chịu khát  (28/12/2003)
Có một làng nghề đang mai một   (26/12/2003)
Thị trường vào Tết: Giá cả các mặt hàng đều tăng   (25/12/2003)
Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng  (24/12/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)
Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục   (22/12/2003)
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)
Sản phẩm "Made in Hợp tác xã"   (18/12/2003)