Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Bình Định với việc áp dụng tiêu chuẩn COC
16:39', 5/1/ 2004 (GMT+7)

Sản xuất gỗ tinh chế tại một DN trong KCN Phú Tài.

Xu thế tiêu dùng hiện nay của thế giới đối với sản phẩm đồ gỗ là hướng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nên ngày càng có nhiều khách hàng là các công ty nước ngoài chỉ chọn mua sản phẩm đồ gỗ của những doanh nghiệp (DN) đã được chứng nhận hệ thống quản lý nguồn gốc gỗ theo tiêu chuẩn COC.

COC (Chain of Costudy) là tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm do Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC - Forest Stewardship Council) ban hành lần đầu vào năm 1993 và được soát xét, sửa đổi lần thứ nhất vào năm 1999 có phạm vi áp dụng trên toàn cầu mà đối tượng là các tổ chức, DN khai thác, chế biến, kinh doanh, sản xuất đồ gỗ. Mô hình quản lý nguồn gốc gỗ theo COC gồm 5 công đoạn cơ bản: Từ việc quy định mua gỗ nguyên liệu phải là gỗ được khai thác từ những khu rừng có sự quản lý tốt, được FSC cấp chứng chỉ rừng, đến việc vận chuyển gỗ về nhà máy, trong quá trình sản xuất (cưa, xẻ, sấy, lắp ráp, đóng gói), lưu kho và phân phối đều phải được ghi chép, đánh dấu, mã hóa, dán nhãn… Tất cả những công đoạn này là những mắt xích liên kết nhau tạo thành một chuỗi quản lý thông suốt được văn bản hóa thành những quy trình, biểu mẫu. Các quá trình này một mặt giúp cho DN kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khi phân phối sản phẩm; mặt khác, tạo điều kiện cho khách hàng, người tiêu dùng truy tìm nhận dạng được nguồn gốc gỗ.

Như vậy, trước những yêu cầu này, để bán được hàng, từ năm 1998 nhiều DN tỉnh Bình Định đã bắt đầu triển khai áp dụng COC dưới sự hỗ trợ của đơn vị mua hàng là Công ty Scancom (có trụ sở chính đóng tại TP Hồ Chí Minh) và được cấp chứng chỉ mang mã số COC chung với công ty này. Nhưng từ năm 2001 đến nay, để chủ động trong việc tìm kiếm bạn hàng, nhiều DN đã tự làm để được cấp chứng chỉ mang mã số COC riêng.

Đánh giá về việc áp dụng COC, ông Hoàng Trung Trực - Giám đốc Xí nghiệp Lâm sản xuất khẩu Pisico cho biết: "Hiện công ty có 2 chứng chỉ COC, trong đó có 1 chứng chỉ cấp chung mã số với Scancom vào năm 2000 và 1 chứng chỉ do công ty tự làm và được cấp vào năm 2002. Để áp dụng COC công ty phải tốn nhiều công hơn, do phải ghi chép, theo dõi rất tỉ mỉ ở nhiều công đoạn. Việc này cũng có ảnh hưởng một phần đến năng suất lao động, nhưng do sức ép của thị trường, thách thức của hội nhập kinh tế thế giới, nếu DN không có chứng chỉ COC thì không bán được hàng, không cạnh tranh được. Vì vậy, để tồn tại và phát triển thì không có cách nào hơn là phải áp dụng COC, mặc dù rất tốn kém. Tuy nhiên, việc áp dụng COC cũng sẽ góp phần hạn chế được nạn phá rừng, cải thiện việc bảo tồn rừng, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Còn đối với DN, lợi ích do áp dụng COC mang lại là nâng cao được tính kỷ luật trong lao động đối với công nhân".

Được biết, để có được chứng chỉ COC, mỗi DN phải chi phí từ 5.000 USD đến 6.000 USD tùy theo quy mô của từng DN để thuê tư vấn đào tạo, hướng dẫn viết tài liệu, đánh giá tài liệu và trả phí chứng nhận lần đầu. Ngoài ra, để duy trì COC, hàng năm DN còn phải chi khoảng 3.500 USD cho 2 lần tái đánh giá với chu kỳ 6 tháng/lần.

Đến nay trong tổng số 43 DN sản xuất đồ gỗ của tỉnh có 33 DN đã được một số tổ chức chứng nhận do FSC ủy nhiệm thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ COC. Trong số này có 24 DN có chứng chỉ mang mã số riêng và 9 DN mang mã số chung với đơn vị khách hàng (Scancom).

Quan tâm đến vấn đề này, vừa qua Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung COC vào danh mục hỗ trợ kinh phí như các hệ thống quản lý theo ISO 9000, HACCP, GMP… đã được UBND tỉnh ban hành.

LÊ ĐÌNH TUÂN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mỹ Trinh - Nhộn nhịp mùa kiệu   (04/01/2004)
Nụ hoa mùa xuân đầu tiên đang hé nở   (02/01/2004)
Một năm khơi nguồn nước sạch   (01/01/2004)
Ghềnh Ráng qua thời "Góc bể chân mây"...  (31/12/2003)
Làm giàu bằng tinh thần cầu thị và sự kiên trì  (30/12/2003)
Nước mắm An Nhơn: Khẳng định uy tín bằng chất lượng   (29/12/2003)
Vùng đông bắc Tuy Phước: Nước sạch đã về nhưng dân còn... chịu khát  (28/12/2003)
Có một làng nghề đang mai một   (26/12/2003)
Thị trường vào Tết: Giá cả các mặt hàng đều tăng   (25/12/2003)
Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng  (24/12/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)
Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục   (22/12/2003)
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)