Qua 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp:
Kinh tế tư nhân phát triển năng động và đa dạng hơn
15:48', 7/1/ 2004 (GMT+7)

Khu công nghiệp Gò Đá Trắng (An Nhơn)

Từ khi Luật Doanh nghiệp (LDN) có hiệu lực (ngày 1-1-2000) đến nay, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở Bình Định đã phát triển năng động hơn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đáng chú ý là qua đó đã tăng cường vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng quy mô ngành nghề kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống người lao động.

* Tốc độ phát triển nhanh

Sau 4 năm thực hiện LDN, trên địa bàn Bình Định đã có 713 DN của khu vực KTTN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 963,4 tỉ đồng, cao gấp 5 lần so với trước khi có LDN. Theo nhận định của ông Phạm Đình Tòng, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư), sở dĩ số lượng DN và vốn đăng ký kinh doanh ngày càng tăng trưởng là nhờ sự thông thoáng của LDN. Các quy trình, thủ tục đăng ký thành lập DN đều đã được cải tiến nhanh gọn, tránh sự phiền hà và rắc rối cho nhà đầu tư, nên các DN đã tin tưởng và an tâm bỏ vốn đầu tư làm ăn; hoạt động KTTN ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong phú và đa dạng. Nếu như trước đây, các DN ngoài quốc doanh chủ yếu chỉ hoạt động ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thì nay đã mở rộng ra thêm nhiều loại hình mới như: sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải, chế biến nông - lâm - thủy sản… Do đó, khu vực kinh tế này hiện nay đã có vai trò, vị trí quan trọng, chiếm số lượng lớn trong tổng thể các cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh và phân bổ hầu như khắp các địa phương, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể khẳng định rằng LDN ra đời đã tạo điều kiện cho khu vực KTTN phát triển. Hiện nay tổng nguồn vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh chiếm 28% trong tổng vốn đầu tư của tỉnh, giải quyết việc làm cho 20,9% số lao động, đóng góp 20% nguồn thu ngân sách địa phương và chiếm tỷ trọng 47,29% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Các mặt hàng xuất khẩu của khu vực KTTN hiện nay cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ tinh chế, thủy sản đông lạnh…

* Tiếp tục khơi thông dòng chảy

Trong quá trình triển khai thực hiện LDN, Bình Định đã đề ra nhiều giải pháp tích cực để đưa LDN đi vào cuộc sống với hiệu quả cao nhất, nhằm thúc đẩy khu vực KTTN phát triển. Ngay từ đầu năm 2000, UBND tỉnh đã tổ chức họp phổ biến nội dung LDN và quán triệt cho các sở, ngành liên quan áp dụng tốt LDN. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chủ trì tổ chức gặp gỡ các chủ DN định kỳ hàng năm và đột xuất để bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các DN, thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và đối ngoại nhằm tăng cường việc vận động và thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tạo điều kiện giải quyết một số nguồn vốn cho các DN đầu tư sản xuất-kinh doanh ở một số lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên. Để tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư, tỉnh đã quy hoạch thêm 3 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp ở thành phố Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát... Nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi như: phát triển các vùng nguyên liệu cho nhà máy, phát triển làng nghề, chính sách về xuất khẩu… đã được ban hành; là đòn bẩy góp phần thúc đẩy khu vực KTTN của tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hiện nay khu vực KTTN của Bình Định vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể, một số DN có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư, thiết bị sản xuất chưa đồng bộ và hiện đại; khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm còn hạn chế. Nhận thức và hiểu biết về pháp luật của một số nhà đầu tư, người quản lý DN hiện vẫn còn thấp. Một số DN chưa xác định rõ được phương hướng kinh doanh của mình, vẫn còn làm theo kiểu gặp gì làm đó… Trong quá trình hoạt động, khu vực KTTN cũng đã phát sinh nhiều vấn đề nổi cộm cần được nhanh chóng khắc phục, như: tình trạng ô nhiễm môi trường, một số DN chưa chú trọng thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động … Những hạn chế này chính là thách thức và lực cản đối với khu vực KTTN của tỉnh trong quá trình phát triển.

NGỌC THÁI

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vì những con tàu, những chuyến hàng   (06/01/2004)
Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Bình Định với việc áp dụng tiêu chuẩn COC  (05/01/2004)
Mỹ Trinh - Nhộn nhịp mùa kiệu   (04/01/2004)
Nụ hoa mùa xuân đầu tiên đang hé nở   (02/01/2004)
Một năm khơi nguồn nước sạch   (01/01/2004)
Ghềnh Ráng qua thời "Góc bể chân mây"...  (31/12/2003)
Làm giàu bằng tinh thần cầu thị và sự kiên trì  (30/12/2003)
Nước mắm An Nhơn: Khẳng định uy tín bằng chất lượng   (29/12/2003)
Vùng đông bắc Tuy Phước: Nước sạch đã về nhưng dân còn... chịu khát  (28/12/2003)
Có một làng nghề đang mai một   (26/12/2003)
Thị trường vào Tết: Giá cả các mặt hàng đều tăng   (25/12/2003)
Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng  (24/12/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)
Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục   (22/12/2003)
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)