|
Khách du lịch nước ngoài thăm Chùa Thập Tháp (An Nhơn) |
Những năm gần đây tỉnh Bình Định đã và đang đặt mạnh về phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh đến việc khai thác tiềm năng du lịch các di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề, du lịch sinh thái, danh lam thắng cảnh… Những tiềm năng ấy ở An Nhơn rất đa dạng, phong phú.
Nếu như toàn tỉnh có 30 di tích được xếp hạng quốc gia thì ở An Nhơn đã có 7 di tích. Đó là di tích thành Hoàng Đế gắn liền với thành Đồ Bàn xưa, đang được Trung ương và tỉnh đưa vào kế hoạch tôn tạo dài hạn; tháp Cánh Tiên nằm trên địa phận thị trấn Đập Đá và xã Nhơn Hậu; tháp Phú Lốc ở Nhơn Thành; thành Cha ở Nhơn Lộc; di tích khảo cổ gốm sứ Gò Sành ở Nhơn Hòa; chùa Thập Tháp ở Nhơn Thành; chùa Nhạn Sơn ở Nhơn Hậu. Ngoài ra còn có 4 di tích được UBND tỉnh quyết định xếp hạng cho đăng ký bảo vệ trong 18 di tích của cả tỉnh. Đó là di tích phủ thành Quy Nhơn ở Châu Thành - Nhơn Thành; nơi thành lập chi bộ Hồng Lĩnh ở Đại An - Nhơn Mỹ; mộ liệt sĩ tập thể sư đoàn 3 Sao Vàng ở Phương Danh - Đập Đá; nơi lính Nam Triều Tiên thảm sát đồng bào ở Kim Tài - Nhơn Phong.
Vốn là đất kinh xưa, An Nhơn đã sớm hình thành những làng nghề truyền thống, là huyện có nhiều làng nghề nhất trong tỉnh. Toàn tỉnh có 47 làng nghề thì ở An Nhơn đã có 22 làng nghề, trong đó tập trung nhiều nhất là ở Nhơn Hậu, Đập Đá như: làng dệt Nam Phương Danh, làng đúc Bằng Châu, làng rèn Tây Phương Danh (Đập Đá), Nam Tân (Nhơn Hậu), làng đúc Kim Châu (thị trấn Bình Định), làng tiện gỗ mỹ nghệ, làng gốm, làng bún (Nhơn Hậu), làng khảm xà cừ (Nhơn Hưng), làng nón lá Gò Găng (Nhơn Thành), làng rượu Bầu Đá (Nhơn Lộc), làng đan tre (Nhơn Khánh)… Nhiều làng nghề mới phát triển như làng thêu ren ở Đông Phương Danh, làng bột nhang và làm nhang ở Bắc Phương Danh, Bả Canh, làng cơ khí Nam Phương Danh (Đập Đá), làng gạch nung ở các xã: Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc…
Mặc dù đến nay có một số ít làng nghề bị mai một, nhưng nhờ có các chính sách của Trung ương và của tỉnh khuyến khích mở mang ngành nghề nông thôn nên phần lớn các làng nghề vẫn tồn tại và phát triển, chiếm hai phần ba giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) toàn huyện. Từ những làng nghề đã qui hoạch hình thành dần những khu, cụm CN-TTCN tập trung để thu hút đầu tư, mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm từ những làng nghề ở An Nhơn đã xuất sang nước ngoài như mặt hàng tiện gỗ mỹ nghệ, khảm xà cừ, thêu ren, nón lá, rượu Bầu Đá… Tham quan làng nghề, tham dự các ngày hội giỗ Tổ làng nghề, tham quan chợ nón đêm Gò Găng… là những hoạt động thu hút du khách.
Về du lịch sinh thái, hồ Núi Một - một công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh hiện nay, có sức chứa 110 triệu khối nước, mặt hồ mênh mông tĩnh lặng rộng 12 km2 giữa bạt ngàn núi rừng, giáp 3 huyện: An Nhơn, Vân Canh, Tây Sơn là điểm du lịch hấp dẫn, đã được từng bước đầu tư kinh doanh du lịch.
Có nhiều điều để nói về tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng của huyện An Nhơn. Song giữa tiềm năng với khả năng đầu tư và tổ chức khai thác các giá trị di sản văn hóa - lịch sử, phục vụ cho tham quan du lịch nhằm mang lại lợi ích trên nhiều lĩnh vực vẫn còn là khoảng cách khá xa, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Mong sao tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư "hà hơi tiếp sức" để sớm đánh thức tiềm năng du lịch không nhỏ của An Nhơn, góp phần vào việc phát triển du lịch tỉnh Bình Định.
TRẦN DUY ĐỨC
|