Những cung đường mùa xuân
16:41', 9/1/ 2004 (GMT+7)

Đường làng ở Bình Định hôm nay (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Tôi có 2 người bạn, một người xa quê mới về và một người lâu rồi mới ghé lại Bình Định, cả hai đều có chung một cảm giác: "Bình Định đang tiến nhanh trong quá trình chỉnh trang đô thị. Nhiều tuyến đường được nâng cấp và làm mới, tạo nên một sự đổi thay lớn từ thành phố cho đến tận các làng quê…". Nhận xét của bạn tôi chẳng quá lời. Bởi lẽ, 3 năm nay Bình Định có một "bước nhảy ngoạn mục" trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho những vùng quê nghèo khó phát triển vươn lên.

Ngay sau khi bước sang thiên niên kỷ mới, với nhiệm vụ "khởi đầu cho mọi sự bắt đầu", mạng lưới giao thông của Bình Định không ngừng được củng cố, cải tạo và nâng cấp từ quốc lộ, tỉnh lộ cho đến tận các xóm thôn… Quốc lộ 1 D đã chứng minh sự đột phá táo bạo trong quá trình cải tạo hệ thống giao thông của Bình Định. Việc xây dựng con đường này chẳng những rút ngắn đoạn đường từ Bình Định đi Phú Yên, tránh được đèo Cù Mông hiểm trở mà còn làm đổi thay nhiều vùng dân cư heo hút của thành phố Quy Nhơn. Khu vực Bãi Xép, phường Ghềnh Ráng đã thật sự đổi thay khi có Quốc lộ 1 D đi qua. Khi giao thông thuận tiện, giao thương đã phát triển mạnh. Một vùng biển nghèo đói xác xơ, những con người âm thầm, thô mộc ngày nào, nay hoạt bát, tươi vui, giỏi giang làm ăn, kinh tế phát đạt. Sự lặng lẽ, thụ động của Bãi Xép cũng được thay bằng tinh thần năng động, sáng tạo và làm ăn có tính toán. Nghề đánh bắt tôm hùm con và nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh khi không còn chịu cảnh tư thương ép giá. Anh Nguyễn Hữu Trí, một hộ nuôi tôm hùm lồng khá thành công ở đây, thổ lộ: "Trước kia có bao giờ tôi dám nuôi với số lượng lớn. Nhưng khi có Quốc lộ 1 D chạy qua, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi đến 10 lồng, vụ thu hoạch vừa qua "trúng" đến cả trăm triệu đồng". Không chỉ thế, con đường này còn tạo cho Bình Định thêm nhiều điểm du lịch lý thú: Bãi Xép, Bãi Dại, Bãi Dài, Bãi Bầu… những cái tên rất quen thuộc với khách du lịch.

Ngoài Quốc lộ 1 D, Quốc lộ 1 A và Quốc lộ 19 chạy qua địa bàn Bình Định cũng vừa mới được nâng cấp thành đường cấp 3 đồng bằng. Bây giờ hành khách đi ô tô xuôi ngược Bắc - Nam, qua khu vực Bình Định có thể yên tâm ngắm nhìn những rừng dừa xanh, những cánh đồng lúa bạt ngàn mà không còn lo bị dằn xóc bởi những ổ voi, ổ gà như ngày trước nữa. Hành khách từ Tây Nguyên xuôi xuống Quy Nhơn cũng đã được đi trên quốc lộ vừa được nâng cấp, bằng phẳng và thông thoáng hơn.

Trong 3 năm trở lại đây, các con đường tỉnh lộ, huyện lộ cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo thế đi lên cho nhiều địa phương trong tỉnh. Còn nhớ, chỉ cách đây 3 năm, nói đến huyện miền núi An Lão, nhiều người đã rùng mình bởi ngại đoạn đường từ Bồng Sơn ngược lên. Nhưng từ khi tuyến tỉnh lộ ĐT 629 được nâng cấp và nhựa hóa, từ Bồng Sơn chỉ cần hơn nửa giờ đồng hồ đi xe máy là đã có mặt ở trung tâm huyện An Lão! Như một điều kiện tối cần, tuyến giao thông huyết mạch này đã đánh thức tiềm năng của huyện miền núi An Lão và các xã phía bắc huyện Hoài Ân, gắn kết khu vực thuần nông với thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) sầm uất. Hàng ngày, trên tuyến tỉnh lộ này có 3-4 chuyến xe ô tô ngược xuôi chở hàng hóa lên bán và mua nông sản của bà con đem về. Các tuyến tỉnh lộ khác như: ĐT 630 từ Cầu Dợi (Hoài Nhơn) đi Kim Sơn (Hoài Ân), ĐT 638 từ Diêu Trì (Tuy Phước) đi Vân Canh, ĐT 637 từ Quốc lộ 19 đi Vĩnh Thạnh… cũng đã được khoác lên mình một lớp thảm nhựa mềm mại, một lớp bê tông phẳng lỳ. Ông Nguyễn Hà Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cho biết: "Với việc xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường này, hiện nay đường từ tỉnh về trung tâm các huyện ô tô có thể đi lại thông suốt ngay cả vào mùa mưa".

Cùng với mạng lưới giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) cũng được cải tạo một cách đáng kể. Phong trào bê tông hóa GTNT đã phát triển mạnh ở 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đâu đâu cũng thấy nở rộ đường bê tông. Trong 3 năm qua toàn tỉnh bê tông hóa được hơn 1.000 km đường nông thôn, nhờ đó đã cải thiện đáng kể chất lượng đường ở các khu dân cư, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ.

Còn nhớ, từ năm 2000 trở về trước, hệ thống GTNT của tỉnh chủ yếu là đường sỏi, đất với đầy rẫy những ổ voi, ổ gà; mùa nắng thì đầy bụi, mùa mưa thì lầy, cản trở việc đi lại, giao lưu phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đã từng đến các bản làng ở các huyện vùng cao An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh…, từng ngồi trò chuyện với các già làng Bana, Hơrê, nghe họ nói nhiều về sự khó khăn của làng mình. Lúc ấy, dù cố hình dung nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng ra được với hệ thống giao thông như vậy, đến khi nào cuộc sống của họ mới có thể đổi thay. Vậy mà chỉ 3 năm sau, từ các chương trình làm bê tông GTNT, Chương trình 135, Chương trình Trung tâm cụm xã…, đường xá nơi đây đã được cải thiện một cách đáng kể. Những đoạn đường ngày trước thường bị lầy lội vào mùa mưa, phần lớn đã được bê tông hóa. Nhờ đó, cái cự ly vốn xa lắc xa lơ giữa miền núi - nông thôn - thành thị đã được kéo lại gần hơn. Chị Đinh Thị Tình, một nông dân người Bana ở xã Canh Thuận (Vân Canh), tâm sự: "Ngày trước, khi giao thông còn trắc trở, chúng tôi muốn mua hay bán cái gì cũng khó khăn. Nhưng bây giờ chúng tôi làm ra cái gì cũng có người mua nên đời sống đỡ vất vả hơn".

Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Với hệ thống giao thông đang ngày một cải thiện, người dân vùng cao không chỉ còn chăm chăm vào gieo lúa, trồng mì mà đã biết đầu tư nuôi con heo, con gà, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp để nâng cao thu nhập. Trên địa bàn huyện bây giờ không những chỉ có nông dân sản xuất giỏi là người kinh mà còn có đồng bào dân tộc thiểu số".

Trở lại những bản làng vùng cao xa xôi, những vùng nông thôn hẻo lánh trong tỉnh vào mùa xuân này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của nó. Sự đổi thay đó có một phần được bắt nhịp từ những con đường mới mở, những con đường được nâng cấp, bê tông hóa, nhựa hóa. Những tuyến đường này đã và đang lan xa, tỏa rộng, mang sức sống mới của mùa xuân, mang niềm vui đến với mọi người, mọi nhà.

NGỌC THÁI

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch Bình Định - Nhìn từ An Nhơn   (08/01/2004)
Kinh tế tư nhân phát triển năng động và đa dạng hơn  (07/01/2004)
Vì những con tàu, những chuyến hàng   (06/01/2004)
Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Bình Định với việc áp dụng tiêu chuẩn COC  (05/01/2004)
Mỹ Trinh - Nhộn nhịp mùa kiệu   (04/01/2004)
Nụ hoa mùa xuân đầu tiên đang hé nở   (02/01/2004)
Một năm khơi nguồn nước sạch   (01/01/2004)
Ghềnh Ráng qua thời "Góc bể chân mây"...  (31/12/2003)
Làm giàu bằng tinh thần cầu thị và sự kiên trì  (30/12/2003)
Nước mắm An Nhơn: Khẳng định uy tín bằng chất lượng   (29/12/2003)
Vùng đông bắc Tuy Phước: Nước sạch đã về nhưng dân còn... chịu khát  (28/12/2003)
Có một làng nghề đang mai một   (26/12/2003)
Thị trường vào Tết: Giá cả các mặt hàng đều tăng   (25/12/2003)
Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng  (24/12/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)