|
Học viên lớp lập trình viên quốc tế |
Suốt gần một năm qua, chỉ có 98 học viên trong và ngoài tỉnh đăng ký theo học chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Theo lãnh đạo Trung tâm, lượng học viên trên rất thấp so với các trung tâm khác trong hệ thống Aptech Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực CNTT của tỉnh, đầu năm 2003 Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ đào tạo lập trình viên quốc tế (LTVQT) với tập đoàn Aptech Ấn Độ. Ông Trần Kim Kha - cán bộ Phòng Đào tạo - Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT tỉnh, cho biết: "Sau thời gian tìm hiểu và triển khai thực tế tại Trung tâm, chúng tôi có thể khẳng định công nghệ đào tạo của Aptech Ấn Độ có những ưu điểm nổi bật. Cụ thể, các chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế từ 600 công ty phần mềm nổi tiếng và được cập nhật thường xuyên hàng năm; công nghệ giảng dạy hiện đại, đa phương thức với các phương tiện trang thiết bị tiên tiến mang tính thực tiễn cao giúp học viên dễ dàng lĩnh hội các kiến thức truyền đạt trong thời gian ngắn nhất... Ngoài ra, phương pháp giảng dạy, công tác quản lý học tập của công nghệ đào tạo này cũng được chú trọng từ việc tuyển dụng giáo viên đến công tác thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ để thích ứng với những chương trình thường giảng dạy xuyên cập nhật". Bạn Tín - học viên lớp Lập trình viên quốc tế khóa 1, cho biết: "Ở đây, điều kiện học tập và thực hành khá tốt. Phương tiện học tập cũng như thực hành đều khá hiện đại. Hơn nữa, nhờ sự quan tâm nhiệt tình của các thầy cô ở Trung tâm mà chỉ một năm qua chúng tôi đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích bắt đầu từ những chương trình đơn giản nhất đến những kiến thức sâu rộng. Tôi nghĩ, những điều này rất bổ ích cho chúng tôi sau khi về với thực tế trong công việc".
Với những điều kiện học tập thuận lợi như vậy nhưng năm qua, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT tỉnh tiếp nhận rất ít số học viên theo học các khóa đào tạo LTVQT và Kỹ thuật viên quốc tế (KTVQT). Đây là kết quả quá "khiêm tốn" khi sử dụng công nghệ đào tạo mới. Ông Võ Xuân Thanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT tỉnh, phân tích: "Trong quá trình tìm hiểu và xây dựng mức thu học phí cho chương trình đào tạo LTVQT và KTVQT, căn cứ vào thời gian đào tạo và mức thu học phí tại các trung tâm thuộc hệ thống Aptech Việt Nam, chúng tôi đã đề xuất mức thu học phí cho cả 2 chương trình đào tạo là 600 USD/năm. Tuy nhiên qua thời gian đầu, chúng tôi cảm nhận mức thu học phí cho chương trình đào tạo KTVQT là cao và sau đó đề nghị UBND tỉnh giảm xuống còn 400USD/khóa học 15 tháng. Chính điều này là nguyên nhân trong 8 tháng đầu tiên chúng tôi thu nhận ít học viên KTVQT. Mặc dù vậy nhưng thực tế mà nói mức học phí hiện nay thực sự là một rào cản lớn đối với các học viên muốn theo học tại Trung tâm".
Theo nội dung dự án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp phần mềm tại tỉnh Bình Định" đã được phê duyệt thì đến năm 2005, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT tỉnh sẽ đào tạo chương trình LTVQT cho 90 học viên là cán bộ công chức và cán bộ trong các doanh nghiệp. Tuy vậy, trong năm qua chỉ có 5 học viên thuộc đối tượng trên đến đăng ký học tại Trung tâm, đạt tỷ lệ 5,6% so với kế hoạch đề ra.
Với mục tiêu đã đề ra thì việc đào tạo LTVQT và KTVQT theo công nghệ của tập đoàn Aptech Ấn Độ ở Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT là cái "nôi" để đào tạo đội ngũ cán bộ CNTT trong mục tiêu xây dựng nền công nghiệp phần mềm tin học ở Bình Định trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời gian qua đã cho thấy một điều, cái "nôi" ấy rất khó có thể bền vững nếu như tình trạng số lượng học viên đăng ký học, đặc biệt lượng cán bộ trong tỉnh lại vẫn thấp như năm qua.
ANH TÚ |