Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Quang Trung - Quy Nhơn:
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn
15:54', 20/1/ 2004 (GMT+7)

Khu CN-TTCN Quang Trung

Phía tây thành phố Quy Nhơn, trên địa bàn phường Quang Trung có một vùng đất rộng, nguyên trước đây chỉ có gò đồi, đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Trong năm 2003, vùng đất này đã hoàn toàn thay da đổi thịt và đang chuyển mình trở thành một khu công nghiệp - cánh cửa mở vào tương lai cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố.

* Yêu cầu bức xúc của các doanh nghiệp

Trên địa bàn thành phố Quy Nhơn hiện có 76 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp (21 doanh nghiệp Nhà nước và 49 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 5 HTX sản xuất công nghiệp và 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và hơn 1.500 cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp (TTCN) với hơn 13.000 lao động, đang là xương sống của nền kinh tế thành phố. Trước năm 2000, sản xuất CN-TTCN của Quy Nhơn phát triển khá năng động, nhịp độ tăng trưởng bình quân luôn ở mức trên 40%/năm. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nhịp độ tăng trưởng này giảm dần, năm 2003 chỉ còn 19%. Nguyên nhân quan trọng nhất làm hạn chế quá trình phát triển của ngành CN-TTCN của thành phố là các cơ sở sản xuất thiếu mặt bằng.

Do cả một quá trình phát triển không có quy hoạch nên hầu hết các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở TP Quy Nhơn gắn liền với nơi ở và đan xen trong khu dân cư. Hiện trạng này vừa tác động xấu đến môi trường (không khí, tiếng ồn, chất thải - trong đó có cả hóa chất độc hại… tác động xấu đến đời sống của nhân dân), vừa không bảo đảm an toàn vệ sinh công nghiệp cho người lao động. Đặc biệt là các doanh nghiệp không có đất để mở rộng mặt bằng, không thể đầu tư mở rộng để phát triển sản xuất, hiện đại hóa quy trình sản xuất và quản lý. Vì vậy, việc hình thành các khu CN-TTCN tập trung là một yêu cầu tất yếu của thành phố.

Khu công nghiệp Phú Tài tuy đã hình thành từ vài năm trước nhưng chỉ thích hợp với các doanh nghiệp có số vốn tương đối lớn. Trong khi đó đa số các doanh nghiệp sản xuất của thành phố có quy mô và số vốn nhỏ, không đủ năng lực và điều kiện để vào khu công nghiệp Phú Tài. Trong tình hình đó, sự ra đời của khu CN-TTCN Quang Trung là một lối thoát, là cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ để phát triển sản xuất một cách toàn diện và bền vững.

* Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo quy hoạch, tổng diện tích của khu CN-TTCN Quang Trung không lớn, chỉ có 6,886ha. Trừ diện tích xây dựng các cơ sở kỹ thuật, dịch vụ, chỉ còn trên 5 ha, để bố trí cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất. Tổng kinh phí đầu tư là 6,547 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ, số còn lại do các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp (1m2 là 148.599 đồng) và sẽ được trừ dần vào tiền thuê đất, tiền sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hàng năm (40 năm) theo hợp đồng. Dự định, sẽ bố trí cho khoảng 30 doanh nghiệp vào sản xuất ở đây.

Được UBND tỉnh phê duyệt dự án và phê duyệt phương án huy động vốn từ đầu năm 2002, nhưng do thời gian giải phóng mặt bằng, tái định cư cho số hộ dân bị thu hồi đất kéo dài, đến năm 2003 khu CN-TTCN mới thật sự được khởi công xây dựng.

Ngay trong đợt đầu tiên đã có đủ 30 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tập đoàn South Ocean (Đài Loan). Trừ tập đoàn South Ocean do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, 29 doanh nghiệp còn lại đã nộp ngay tiền xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương án huy động vốn, với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất, mỗi doanh nghiệp trung bình trên 2.000 m2. Vừa nhận đất, 16 doanh nghiệp đã đầu tư ngay 20 tỷ đồng để xây dựng cơ sở sản xuất, mua sắm thêm trang thiết bị mới. Đến cuối tháng 11-2003 có 8 doanh nghiệp đã căn bản xây dựng xong nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc, trong đó có 3 doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất từ khu vực dân cư vào sản xuất ở đây.

HTX 22-12 (cơ sở sản xuất giấy và bao bì của Hội Cựu chiến binh Quy Nhơn) và DNTN Vân Quang (sản xuất bao bì thủy tinh y tế) là 2 đơn vị đã tiến hành sản xuất ổn định ở khu CN-TTCN Quang Trung từ mấy tháng nay. Các chủ cơ sở này cho biết: sau khi nhận đất xong, mỗi cơ sở đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và mua thêm dây chuyền sản xuất mới. Có nhà xưởng độc lập, rộng rãi, khang trang, có thêm thiết bị hiện đại nên năng lực sản xuất và doanh thu của cả 2 cơ sở đều tăng chỉ riêng năm 2003 đã tăng khoảng 20%. Đặc biệt, điều kiện sản xuất của công nhân được cải thiện đáng kể, anh chị em rất phấn khởi, đã hình thành được tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên. HTX 22-12 đã xây dựng được chi bộ Đảng - chi bộ đầu tiên của khu CN-TTCN Quang Trung. Ông Lê Văn Mức, người trực tiếp điều hành sản xuất của HTX 22-12 và ông Mai Ngọc Thiện, Giám đốc DNTN Vân Quang đều có chung ý kiến rằng từ khi vào sản xuất ở đây các ông rất yên tâm, rất tin vào tương lai phát triển của doanh nghiệp mình.

* Nhu cầu còn rất lớn

Ông Nguyễn Kim Sang, Phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho rằng đến nay có thể nói dự án xây dựng khu CN-TTCN Quang Trung đã thành công, bởi trong năm 2004 chắc chắn sẽ được xây dựng hoàn chỉnh. Sự thành công này theo ông Sang, trước hết bởi nó đã đáp ứng được nhu cầu bức xúc của doanh nghiệp, và chính các doanh nghiệp đã góp đến 2/3 trên tổng số vốn đầu tư. Nếu không có sự đóng góp này chắc chắn với ngân sách eo hẹp của mình, thành phố Quy Nhơn không thể triển khai được dự án.

Ông Sang cùng cho biết, việc xây dựng khu CN-TTCN Quang Trung chỉ có tính chất thí điểm, bởi ở đây chỉ mới bố trí cho 30 doanh nghiệp trong khi thành phố có tới hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ khác có nhu cầu mặt bằng sản xuất để di dời cơ sở cũ hoặc thành lập cơ sở sản xuất mới. Các cơ sở này chỉ có yêu cầu mặt bằng vài nghìn mét vuông nên với mô hình như khu CN-TTCN Quang Trung là rất thích hợp. Minh chứng cho nhận định này, ông Sang cho biết: Đầu năm 2003, khi vừa mới được thông tin thành phố sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm một khu CN-TTCN nữa ở xã Nhơn Bình, ngay lập tức đã có 56 đơn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký thuê đất để đầu tư sản xuất (bao gồm đầu tư di dời chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và đầu tư mới) với tổng diện tích đăng ký là 216.000 m2. Các doanh nghiệp này cũng rất sẵn sàng ứng trước tiền thuê đất và phí hạ tầng để xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của tỉnh.

CAO NĂM

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)
"Vua gà" Tuy Phước   (18/01/2004)
Cổ phần hóa - Động lực cho các doanh nghiệp phát triển   (16/01/2004)
Những ngày cuối năm ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/01/2004)
Bia Quy Nhơn - Thương hiệu đã được khẳng định  (14/01/2004)
Thị trường phong bao lì xì ngày Tết: Phong phú và đa dạng   (13/01/2004)
Thị trường bánh mứt Tết: Hàng nội lên ngôi!  (12/01/2004)
Đào tạo lập trình viên quốc tế - Một năm nhìn lại  (11/01/2004)
Những cung đường mùa xuân  (09/01/2004)
Du lịch Bình Định - Nhìn từ An Nhơn   (08/01/2004)
Kinh tế tư nhân phát triển năng động và đa dạng hơn  (07/01/2004)
Vì những con tàu, những chuyến hàng   (06/01/2004)
Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Bình Định với việc áp dụng tiêu chuẩn COC  (05/01/2004)
Mỹ Trinh - Nhộn nhịp mùa kiệu   (04/01/2004)