. Ghi chép của Lê Viết Thọ
|
Một đoạn đường ven biển đang thi công |
Vào những ngày này, dự án đường ven biển Nhơn Hội - Đề Gi đang trong quá trình thi công. Khi hoàn thành, sẽ có một cung đường ven biển 110 km, kéo dài từ Bắc đến Nam tỉnh. Không chỉ là trục giao thông quan trọng, đây sẽ là tuyến du lịch nhiều tiềm năng trong chiến lược phát triển du lịch, mở ra nhiều hy vọng cho người dân ven biển…
1. Ông Nguyễn Tổng, một người dân thôn Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Trải thời trai trẻ trong những những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, ký ức của ông vẫn chưa quên với những tháng ngày gian khổ, ác liệt của đất khu Đông. Ông nói: "Xưa, tôi cũng tham gia phá ấp, phá kìm, hoạt động cơ sở bí mật, làm du kích… Tất cả cũng chỉ mong có được những ngày thanh bình, yên tâm để làm nghề. Được vậy là đã mừng lắm. Vậy mà vài năm gần đây, đời sống ngư dân tụi tui đã khá lên nhiều. Giờ lại thêm tuyến đường ven biển, vậy là làng chài tụi tui sắp đổi đời rồi".
Không chỉ mình ông Tổng mà cả thôn Trung Lương, và rộng hơn, tất cả những người dân được hưởng lợi từ dự án, đều vui mừng với con đường mới đang hiện hình từng ngày. Mà cũng chẳng đợi đến khi con đường hoàn thành, ngay thời điểm này, khi những mét đầu tiên của đoạn Cát Tiến - Đề Gi trải nhựa, một không khí mới đã khởi trên những cung đường.
Mới tan sương, ngay trên đoạn đường từ Cát Tiến sang Cát Hải, gần chạm đèo Vĩnh Hội, một chợ tôm hùm giống sôi động diễn ra ngay bên vệ đường. Vừa đặt chân lên bờ, những người câu tôm được các thương lái nhao nhao hỏi mua. Một thợ bắt tôm cho biết, những thương lái này, kẻ từ Quy Nhơn ra, người là dân Cát Tiến hay Cát Hải… không ai bảo ai, cứ năm, sáu giờ sáng là có mặt ở chân đèo Vĩnh Hội để đón mua tôm. Anh ta nói: "Chợ tôm này mới nhộn nhịp khi có con đường mới. Hồi xưa, chỉ biết tự sản tự tiêu, mình phải đem xuống Quy Nhơn bán, chứ thương lái chưa tìm đến tận bến mua như bây giờ". Những chú tôm hùm giống, bé hơn cây tăm, giá năm, sáu chục ngàn một con, vậy mà được chào mua khá sôi nổi.
2. Về Cát Hải, người dân nơi đây kể cho tôi nghe câu chuyện: rằng hồi xưa, có hai người Vĩnh Hội đi làm thuê xa, bị bọn địa chủ cường hào đánh đập đuổi về. Hai ông leo đến đèo Vĩnh Hội thì kiệt sức mà chết. Mộ hai ông, giờ chính là hai gò đống lớn còn nằm trên đỉnh đèo. Thương người đi lại khó khăn, thần Sơn Tinh sai một ông tướng từ sông Đà núi Tản về đây. Ông tướng đi đến đâu thì cát bay đá chạy, làm kinh thiên động địa. Ông tướng ngày đêm quảy đá trên núi đem ra biển, có đường đi, có đèo cao từ đó. Vậy mà ông tướng rồi cũng chẳng cất được gánh nặng trên đôi vai người dân vùng cát này. Đèo Vĩnh Hội vẫn là một miền núi dốc thẳng đâm ra biển. Đèo Tân Thanh đá sỏi dựng như một bức tường. Đèo Chánh Oai vẫn toàn là đá ngầm.
Ước vọng "bắt núi cúi đầu, giải phóng đôi vai", tôi hiểu, đã âm ỉ trong lòng mỗi người dân ven biển, từ khi còn là một cậu bé nhắc đôi bàn chân trên bờ cát nóng, đến lúc trưởng thành, nghe người con gái thủ thỉ, rằng: Anh về em cũng muốn theo/Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm. Ước vọng ấy đã đi vào lòng người mỗi khi hiện bóng về trong đôi mắt là cái vệt trắng lạ lùng của bờ cát trắng.
Kể cho tôi nghe câu chuyện, ông Nguyễn Văn Nhâm, một người dân thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, chỉ tay về phía con đường mới đang thi công ngay trước nhà ông, và kết luận: "Ai ngờ nay ước vọng đó đã thành sự thật. Dù chưa hoàn chỉnh, nhưng nhờ có nó, cây hành Cát Hải đến với thị trường thuận lợi hơn, giá cả cũng đỡ hơn một phần". Còn tự thâm tâm, tôi hiểu rằng, người con trai hôm nay trong câu ca dao sẽ an ủi, vỗ về cô gái, rằng Đá dăm anh đã lượm rồi/Còn truông cát nóng anh bồi bùn non.
3. Hai dự án đường Nhơn Hội - Cát Tiến và Cát Tiến - Tam Quan có tổng chiều dài 110 km, với tổng vốn đầu tư 56 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trục giao thông Bắc - Nam huyết mạch thứ hai (sau quốc lộ 1A) của tỉnh. Với con đường này, những vùng đất xa xôi, cách trở, sẽ thành những bãi cát rộng ven biển, nhiều tiềm năng du lịch, nuôi tôm và các loại hải sản và sẽ được nối thông với thành phố Quy Nhơn đang trên đường phát triển. 15 xã, với 200 ngàn dân được hưởng lợi từ dự án. Theo tiến độ, khi dự án tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn thành, cũng là khi tuyến đường này thông suốt. Ngoài ra, tuyến đường từ Nhơn Hội đi Nhơn Hải dài 6,1 km cũng đã được lập dự án kỹ thuật với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng và cũng sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
|
Đường Cát Tiến - Đề Gi đã được trải nhựa |
Vào những ngày này, dọc trên đường đi Cát Hải, những người thợ vẫn tất bật làm việc. Xuyên qua một mùa hè nóng cháy da và rát mặt gió cát, những ngày mưa dầm gió đông bắc rét đến xót xa, nay đã đến những ngày mùa xuân, trên con đường này, đã có những đoạn đầu tiên được hoàn thành.
Cũng chẳng chờ đến khi tuyến đường hoàn thành, đã có những nhà đầu tư ngấp nghé ý muốn đầu tư vào những bãi cát ven biển dọc theo tuyến đường. Dự án xây dựng khu du lịch tại Trung Lương (Cát Tiến) có tổng vốn đầu tư 5 triệu USD sẽ khởi công trong năm nay của Công ty TNHH Mỹ Tài là một trong số đó.
4. Cùng với tuyến đường ven biển của Bình Định, trước đó, Đà Nẵng cũng đã xây dựng đường ven biển Sơn Trà - Thuận Phước và sẽ tiếp tục xây dựng đường ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước, đường Bạch Đằng Đông trong thời gian tới. Tuyến đường ven biển Sơn Trà - Non Nước nối Hội An sẽ được thi công và hoàn thành năm 2005. Đà Nẵng - Quảng Nam và rồi đây Bình Định và cả miền Trung sẽ hình thành những tuyến đường ôm lấy ven biển. Ven biển miền Trung, thay vào những bãi dọc, bãi ngang nghèo khó như một định mệnh, sẽ là những khu du lịch tiềm năng. Bởi không chỉ là trục giao thông, đây sẽ là tuyến du lịch quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của của các tỉnh này trong thập niên đầu thế kỷ này. Giao thông đến đâu, văn minh đến đó - Lê Nin đã nói vậy. Và cùng với những tuyến đường này, những làng chài nghèo sẽ thay hình.
Tôi hình dung, rồi đây, trên cửa Thị Nại, chiếc cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội hiện lên sừng sững, vững chắc và tin cậy, nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Nơi đầu cầu ấy, cung đường ven biển sẽ như đôi cánh tay dài, ôm lấy các miệt biển Bình Định. Và trên những bãi cát, làng chài sẽ là những khu du lịch, những vùng nuôi tôm được quy hoạch, những thị tứ, thị trấn… mở ra. Nàng Vọng phu khi đó, sẽ không đơn độc trông ngóng về khơi xa trên một ngọn núi cao ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, mà sẽ thành một địa chỉ tìm đến của du khách gần xa. Về đây, bạn sẽ được nghe câu chuyện nổi tiếng, để thấy cảm phục trước đức thủy chung, một phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ Việt. Tắm mình trong tuyến du lịch sinh thái biển, bạn sẽ được chao mình theo ngọn sóng bốn tầng nổi tiếng ở bãi Cát Tiến…
Tôi thử ướm giấc mơ của mình như vậy khi một lần đi dọc đường ven biển đang nên hình. Và tôi gọi đó là cung đường của mùa xuân.
LVT |