Giống mới nảy mầm xuân
19:46', 24/1/ 2004 (GMT+7)

Để có một vụ mùa bội thu, bà con nông dân phải vất vả một nắng hai sương, biết bao mồ hôi công sức của bà con đã đổ ra trên đồng ruộng. Mùa xuân đến, bà con nông dân bắt đầu một vụ sản xuất mới. Trên những cánh đồng làng, niềm tin hy vọng về một mùa vụ bội thu đã hiện diện trên khuôn mặt của bà con khi những hạt giống mới đã bắt đầu nảy mầm…

* Giống mới

Ông Nguyễn Văn Thiện, khi còn là Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh) cho biết: "Để có được thành quả như hôm nay, tỉnh phải mất hàng chục năm nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc các loại cây con mới cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đất đai ở các địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Rồi hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, giống cây, con, vốn vay... do UBND tỉnh ban hành để khuyến khích nông dân đưa các giống cây con mới vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp và các đơn vị có liên quan tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo phương pháp cầm tay chỉ việc; các loại cây trồng và các biện pháp canh tác mới lần lượt đến tay nông dân. Đến nay, 12 loại cây trồng, 3 loại vật nuôi mới đã được xác định là có hiệu quả cao, được đưa vào sản xuất rộng rãi".

Mục đích cuối của việc đưa các loại giống cây con mới đến tay nông dân cũng là giúp bà con giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Không vui sao được khi công sức bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Ông Phan Đình Nam, một lão nông tri điền ở thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn), mãn nguyện nói với tôi rằng: "Mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng nhưng chưa bao giờ tôi phấn khởi như hôm nay. Cũng từ 8 sào ruộng khoán, nhưng nhờ sử dụng giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa đạt 70 tạ/ha, cao gần gấp 2 lần so với trước đây. Vụ sản xuất đông xuân 2003-2004 tôi tiếp tục đưa giống mới vào sản xuất, hy vọng năng suất sẽ đạt cao hơn". Cùng với toàn tỉnh, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã và đang thu hút đông đảo nông dân ở huyện An Nhơn tham gia. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới, ngày càng được nông dân đưa vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (An Nhơn) có ông Bùi Xuân Dương khởi nghiệp từ 35 con gà công nghiệp, sau đó ông đầu tư chăn nuôi bò sữa, heo giống cấp II, vịt siêu trứng…, bình quân mỗi năm gia đình ông có thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Còn Ông Mai Đức Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã xã nông nghiệp Nhơn Hậu (An Nhơn) đã bỏ công sức đi tham quan mô hình trồng cây măng điền trúc ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam, và mua giống về trồng. Ông Anh cho biết: "Nhiều nông dân ở tỉnh Lai Châu có thu nhập trên trên 50 triệu đồng/ha từ cây măng này; nó rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp lại cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thì tương đối thuận lợi. Thấy vậy, nên năm 2001, tôi mua 2000 gốc về trồng, và vụ đông xuân này tôi tiếp tục mua thêm 6.000 gốc nữa. Tôi tin rằng, cây măng điền trúc sẽ là cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con xã viên trong hợp tác xã".

* Nảy mầm xuân

Hiện nay, diện tích sản xuất các loại lúa giống cấp I đạt 75% diện tích sản xuất lúa trong toàn tỉnh, riêng vụ đông xuân đạt 80% diện tích. Năm 2004, các địa phương trong tỉnh phấn đấu nâng diện tích sản xuất bằng các loại giống lúa cấp I lên trên 90%.

miền núi, vùng cao, trước đây, bà con dân tộc thiểu số thường phát rừng làm nương rẫy, thu nhập chủ yếu từ lúa rẫy, củ khoai nên cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh về đến từng thôn bản, bà con đã biết định canh định cư, đưa các giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay đời sống của bà con đã đỡ khổ. Đến các xã vùng cao An Lão vào vụ sản xuất đông xuân năm 2003-2004, tôi bắt gặp cảnh bà con dân tộc thiểu số ở xã An Trung đến tận trung tâm cụm xã An Dũng để mua lúa giống về để sản xuất. Ông Đinh Văn Bá ở thôn 4 xã An Trung chỉ tay về phía bao lúa giống KD18, phấn khởi nói: "Nhờ nó mà mấy năm nay bà con trong thôn bản no cái bụng, có cái áo đẹp để mặc. Giờ đây ai cũng ưng cái bụng rồi, nên mới lặn lội đường xa để mua giống về sản xuất". Ông Đinh Văn Rê, ở cùng thôn 4, nói xen vào: "Nhờ đưa giống mới vào sản xuất nên gia đình mình không còn lo cái đói nữa. Mình sản xuất 8 sào bằng giống lúa cấp I, bình quân mỗi sào cho thu nhập trên 3 tạ". Mỗi người có một cách nói khác nhau, nhưng ở họ có chung niềm tin khi sử dụng các loại giống cây con mới. Ông Nguyễn Hữu Đấu, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: "Bà con vùng cao đã thay đổi cách nghĩ cánh làm, các loại giống cây - con mới có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thuận lợi, nên bà con tin tưởng đưa vào sản xuất. Diện tích đất được gieo sạ bằng giống cấp I ngày càng chiếm tỷ lệ cao, các loại giống mới khác như bắp lai, mì cao sản… đã được bà con đưa vào sản xuất đại trà. Nhờ đó mà đời sống của đồng bào dân tộc đã đỡ khổ hơn trước. Vụ đông xuân 2003-2004, huyện An Lão sản xuất 1.170 ha lúa, phấn đấu đưa tỷ lệ sử dụng giống cấp I lên 80% diện tích, năng suất 40 tạ ha; 700 ha mì, trong đó có 650 ha mì cao sản.; 100 ha đậu phộng; 115 ha bắp lai…"

PHẠM TIẾN SĨ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)
"Vua gà" Tuy Phước   (18/01/2004)
Cổ phần hóa - Động lực cho các doanh nghiệp phát triển   (16/01/2004)
Những ngày cuối năm ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/01/2004)
Bia Quy Nhơn - Thương hiệu đã được khẳng định  (14/01/2004)
Thị trường phong bao lì xì ngày Tết: Phong phú và đa dạng   (13/01/2004)
Thị trường bánh mứt Tết: Hàng nội lên ngôi!  (12/01/2004)
Đào tạo lập trình viên quốc tế - Một năm nhìn lại  (11/01/2004)
Những cung đường mùa xuân  (09/01/2004)
Du lịch Bình Định - Nhìn từ An Nhơn   (08/01/2004)
Kinh tế tư nhân phát triển năng động và đa dạng hơn  (07/01/2004)