|
Nông dân Thuận Nghĩa đang chăm sóc rau |
Trong cái lành lạnh của gió xuân, tôi đứng giữa làng rau Thuận Nghĩa (xã Bình Thành - Tây Sơn) để được tận hưởng cái màu xanh đến dịu dàng của làng rau... Chị Võ Thị Nga - chủ một vườn rau, hồ hởi khoe rằng nhờ trồng lagim mà cuộc sống gia đình chị giờ đây đã khá lên rất nhiều. Năm 1999, chị đã chuyển 2 sào ruộng làm lúa để chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày, từ xà lách, rau thơm, tía tô cho đến rau muống... cho thu nhập quanh năm. Chẳng riêng gì gia đình chị, mà đa số cuộc sống bà con nơi đây đã đổi thay nhờ trồng rau.
Ông Nguyễn Công Đình - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn cho biết: "Ở thôn Thuận Nghĩa bây giờ có đến 60ha trồng rau thời vụ. Trong 264 hộ chuyên nông nghiệp ở Thuận Nghĩa thì đã có đến trên 200 hộ gia đình sản xuất nghề vườn. Nghề vườn ở đây chính là sản xuất rau xanh 4 mùa. Đa số đất vườn ở Thuận Nghĩa không rộng nhưng người dân đã biết lợi dụng độ màu mỡ của đất soi và nước tưới từ kênh mương Văn Phong và sông Kôn cho phù sa bồi đắp hàng năm để trồng các loại rau xanh: khổ qua, dưa leo, hành, xà lách, cải... Rau xanh nơi đây không những được trồng chuyên canh trong vườn mà nó còn được trồng ngay cả trên đất màu và những chân ruộng 1 vụ hiệu quả kém cũng được bà con cải tạo để chuyển sang trồng rau, đem lại cho người nông dân nguồn thu nhập khá cao...".
Không phải đến mùa xuân mới nhìn thấy những vườn rau Thuận Nghĩa có những choái dưa leo trĩu quả, những hàng xà lách xanh mượt mà, mà mùa nào cũng vậy, ai đến Thuận Nghĩa cũng đều nhìn thấy những luống rau xanh thật quyến rũ. Mô hình chuyên canh rau xanh ở Thuận Nghĩa được bố trí trồng theo mùa. Có người thì vụ đông xuân (ĐX) trồng dưa leo, cải, xà lách; 2 vụ tiếp theo trồng hành, vụ thứ 4 là khổ qua. Có người lại theo công thức: đậu phụng ĐX, 2 vụ hành, vụ cuối khổ qua... Dù trồng theo công thức nào đi nữa thì Thuận Nghĩa vẫn đảm bảo có rau xanh 4 mùa. Hiện thời ở Thuận Nghĩa đang được đưa vào trồng khảo nghiệm dưa leo giống HAPPY 16 - giống lai do Công ty Giống - cây trồng miền Nam cung cấp với diện tích 1ha, cây đang phát triển rất tốt. Năm nay khổ qua có giá 3.500 đồng/kg, cây hành có thời điểm 2.500 - 4.500 đồng/kg. Đặc biệt là giống hành Trung Quốc: lá cứng, phiến lá dày, dễ vận chuyển đi đường xa và bán được dài ngày hơn. Các loại rau ngắn ngày: diếp cá, tía tô, quế, rau răm, rau thơm, xà lách... được trồng quanh nhà, trồng quanh năm cho thu nhập cao. Hộ ông Nguyễn Phố, mặc dù diện tích đất trồng màu chỉ trên 3 sào, nhưng nhờ biết luân canh, xen canh nên đã trồng được nhiều loại rau xanh quanh năm. Trong quá trình sản xuất, ông luôn chú ý đến yếu tố thời tiết và cách phòng trừ sâu bệnh, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ KHKT nên các loại cây trồng luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng năm 2002, các loại rau ngắn ngày đã đem lại cho gia đình ông khoản thu nhập trên 20 triệu đồng. Hiện thời những hộ trồng rau ở Thuận Nghĩa bình quân mỗi năm có thu trên 15 triệu đồng/năm. Cá biệt những hộ như ông Nguyễn Phố, Quách Thanh Cầu lãi 40 triệu đồng/năm. Hai hộ này nhờ kết hợp việc trồng rau với chăn nuôi heo, bò lai cho tổng thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Ông Quách Thanh Cầu cho biết: "Nhờ trồng rau mà dân Thuận Nghĩa đã khá lên rất nhiều. Người dân nơi đây đã dần dần chuyển trồng lúa sang trồng rau vì họ đã so sánh thực tế trồng rau cho hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa...".
Quả thật, cây rau xanh đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Thuận Nghĩa, trở thành một trong những thôn giàu có nhất của xã Bình Thành. Số hộ đói nghèo ở đây đã giảm mạnh, chỉ còn 16 hộ. Hầu như gần 100% gia đình trong thôn đã có phương tiện nghe nhìn, hơn 80% hộ có xe gắn máy, 70% số hộ có nhà xây kiên cố. Ông Nguyễn Công Đình cho biết: "Hiện ở Thuận Nghĩa đã có mô hình trồng rau sạch rồi. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho mô hình này khá cao, tốn nhiều công chăm sóc. Một số bà con có vốn đã đầu tư trồng rau theo 2 công nghệ cao: phủ bạt nilon và hệ thống tưới phun. Chúng tôi cũng thường tổ chức tập huấn trồng rau sạch cho bà con nông dân. Và đa số dân Thuận Nghĩa cũng đã có ý thức được việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Họ dùng các loại thuốc trừ sâu, trị bệnh thuộc dạng vi sinh bởi những loại thuốc này ít độc hại cho người và gia súc, và trước khi thu hoạch 7 ngày không phun thuốc trừ sâu. Và rau Thuận Nghĩa đã có đầu ra ổn định nên bà con rất yên tâm sản xuất, mỗi ngày cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 3 tấn rau xanh".
THU HIỀN |