Dịch cúm gà đã lan đến Bình Định?
17:26', 30/1/ 2004 (GMT+7)

Một chủ trại gà ở Nhơn Tân (An Nhơn) đang phun thuốc khử trùng chuồng trại (ảnh: N.T)

Trước tình hình dịch cúm gà đang xảy ra ở nhiều địa phương trong nước, từ ngày 12-1-2004, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã ra Chỉ thị về việc tập trung tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch cúm gà (PCDCG) trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo PCDCG của tỉnh và các huyện; đồng thời tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Đến chiều 29-1, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện gà chết hàng loạt ở 3 trang trại chăn nuôi gà: Một trại gà ở xã Phước Mỹ (Tuy Phước) chết 385 con; trại gà ở Nhơn Thọ (An Nhơn) chết 3.600 con và một trại gà ở thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) chết 1.000 con. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã triển khai khẩn cấp các biện pháp PCDCG.

* Thực trạng và các biện pháp phòng chống

Tại Phù Cát, đàn gà mái đẻ (1.000 con) của gia đình anh Trần Văn Thạch, ở khu phố An Phú, thị trấn Ngô Mây- Phù Cát đã chết toàn bộ. Anh Thạch buồn rầu cho biết: "Xế chiều ngày 20-1-2004, tôi phát hiện thấy có một số con trong đàn gà có triệu chứng bầm mồng, ngỡ đó là bệnh thông thường. Đến sáng hôm sau, thấy gà chết la liệt trong chuồng và qua ngày 22 thì cả trại gà chết sạch. Tôi không nghĩ gà chết là do dịch cúm, vì ở tỉnh mình đã xuất hiện loại dịch bệnh này đâu, nên mới gom gà chết đưa lên núi chôn, và báo cáo với chính quyền địa phương".

Nhận được tin báo, UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo cho Trạm Thú y, Trung tâm Y tế huyện đến nhà anh Thạch để xác minh, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý số gà chết mà anh Thạch đã chôn (đốt và khử trùng). Hiện nay, trên địa bàn huyện Phù Cát có trên 367 hộ gia đình nuôi gà, tổng đàn gồm 70.500 con. Trong đó có 69 hộ chăn nuôi gà với số lượng lớn, từ 500 con trở lên. Tin gà của nhà ông Thạch bị chết hàng loạt đã gây xôn xao dư luận trên địa bàn huyện, nhiều hộ gia đình nuôi gà đang rất lo sợ dịch cúm gà lây lan. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo PCDCG của huyện đã chỉ đạo cho ngành liên quan của huyện kiểm tra đàn gà ở các địa phương, đồng thời hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch bệnh cúm gà, nhất là đối với những hộ nuôi gà với quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo PCDCG huyện Phù Cát, cho biết thêm: "Huyện sẽ tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo PCDCG ở các địa phương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc mua bán, giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật đang lưu thông trên địa bàn huyện; chuẩn bị nhân lực, địa điểm tiêu hủy để sẵn sàng xử lý trong tình huống có dịch, nhằm cô lập, dập tắt dịch tại chỗ, không cho lây lan".

An Nhơn là địa phương có đàn gà lớn nhất tỉnh với 650 ngàn con, chiếm hơn 1/3 tổng đàn gà của tỉnh, tập trung nhiều nhất ở 5 xã: Nhơn An, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, Nhơn Thọ và Nhơn Tân. Tại trang trại nuôi gà của ông Ngô Văn Nam ở Nhơn Thọ, từ ngày 23-1, toàn bộ 3.600 con gà đã bị chết. Mặc dù chưa có kết luận đàn gà của ông Nam bị chết do dịch cúm, nhưng sau khi nghe tin đàn gà bị chết, Trạm Thú y huyện đã cử cán bộ túc trực theo dõi để hướng dẫn chủ trang trại tiêu hủy, chôn theo đúng quy định. Ngoài trang trại ông Nam, hiện nay ở An Nhơn chưa phát hiện ra trang trại nuôi gà nào nữa bị nhiễm bệnh. Thế nhưng phần lớn các chủ trang trại nuôi gà ở An Nhơn đều đã nắm bắt được các thông tin về dịch cúm gà và đã tiến hành các biện pháp phòng bệnh như phun thuốc khử trùng, rải vôi xung quanh trang trại từ hơn 10 ngày nay. Ông Lê Văn Thìn, một chủ trang trại nuôi gà ở Nhơn Tân, khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiến hành tiêu hủy ngay đàn gà của mình theo đúng quy định khi phát hiện ra bị nhiễm bệnh". Nhiều chủ trang trại nuôi gà ở An Nhơn cũng đã khẳng định như vậy.

Trại gà 1.000 con của anh Trần Văn Thạnh (Phù Cát giờ đã trống trơn (ảnh: TS)

Để chủ động đối phó với nạn dịch cúm gà, sáng ngày 29-1, huyện An Nhơn đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương trong huyện triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch. Ban chỉ đạo PCDCG của huyện đã chỉ đạo cho các xã thành lập ngay Đội xung kích PCDCG, mỗi xã từ 3-5 người và huy động 30 sinh viên Trường trung cấp Lâm nghiệp An Nhơn, nhằm chuẩn bị công tác tiêu hủy khi phát hiện gà bị dịch. Huyện cũng đã tiến hành quy hoạch các khu tiêu hủy tập trung và điều động một số xe để chuyên chở gà bị bệnh đi tiêu hủy, nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan. Ông Trần Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo PCDCG của huyện, cho biết: "Ban chỉ đạo của huyện sẽ túc trực 24/24 giờ để theo dõi, nắm bắt và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện gà bị dịch. Chủ trương của huyện là xử lý kiên quyết, triệt để nhằm tránh lây lan. Trước mắt, giao cho phòng Nông nghiệp phối hợp với các ban ngành tiến hành kiểm tra đàn gà của huyện và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, nhất là các trang trại chăn nuôi tập trung. Bắt đầu ngày nay (30-1-2004), sẽ nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn huyện".

Tại Tuy Phước, trại gà ông Đặng Văn Ánh ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, nuôi 385 con gà đã bị chết toàn bộ trong thời gian vài ngày trước Tết. Ban PCDCG đã chỉ đạo tiêu hủy số gà chết này theo đúng quy định và đã triển khai các biện pháp phòng chống.

* Người tiêu dùng sợ... thịt gà

Qua khảo sát 3 chợ ở Quy Nhơn: chợ Lớn, chợ Đầm, chợ Khu 6, chúng tôi nhận thấy số lượng người buôn bán gà đã giảm hơn trước Tết Giáp Thân một nửa. Các nơi bán gà, vịt trong các chợ đều vắng bóng khách hàng; giá gà đang từng ngày giảm xuống một cách nhanh chóng. Trước Tết giá gà dao động ở mức 35.000-40.000đ/kg, đến nay chỉ còn dưới 20.000đ/kg nhưng rất ít người mua. Tại chợ Lớn, Ban quản lý chợ đã miễn giảm thuế tháng 1 cho những người buôn bán gia cầm tại chợ. Bà Nguyễn Thị Dậy, người đã buôn bán gà hơn 50 năm nay nói trong nước mắt: "Cả ngày trời mà bán chưa được con nào. Bao năm buôn bán gà, tôi biết cách chọn gà tốt không bị bệnh để bán, nhưng đến cả người quen cũng không dám mua gà". Một phụ nữ đang lựa mua gà ở chợ Lớn có ý kiến rằng: "Tôi mua gà về cúng đầu năm với lại tôi mua gà ta chứ có phải gà công nghiệp đâu mà sợ dịch bệnh".

Ông Nguyễn Văn Kiệt - Trưởng ban quản lý chợ Đầm - cho biết: "Hàng ngày, Ban quản lý chợ phối hợp với nhân viên thú y kiểm tra tất cả các sạp buôn bán gia cầm, nhưng cho đến nay chưa phát hiện gà bệnh đem bán ở chợ". Bà Lưu Thị Kim Mai - Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Ban chỉ đạo PCDCG thành phố Quy Nhơn - cho biết:" Chiều ngày 29-1-2004, UBND thành phố đã triệu tập khẩn trương các lãnh đạo các phường trong thành phố để yêu cầu các phường chậm nhất là chiều ngày 30-1-2004 phải mời các hộ gia đình nuôi từ 100 con gà trở lên, các hộ giết mổ, thu mua gà... đến tại Trạm Thú y thành phố để nghe thông báo tình hình và tăng cường các biện pháp phòng chống cũng như cách thức tiêu hủy, xử lý kịp thời khi phát hiện có dịch cúm gà. Hiện nay, Ban chỉ đạo PCDCG thành phố đã thành lập các tổ đi kiểm tra tại các cơ sở nuôi gà ở các phường để phát thuốc sát trùng đợt một cho các hộ nuôi gia cầm.

Sau khi có nguồn tin một hộ nuôi gà ở phường Nhơn Phú nhập về 600 con gà con vào ngày 14-1-2004, đến ngày 20-1-2004 thì 25 con gà con bị chết, Ban chỉ đạo PCDCG thành phố kiểm tra chưa thấy dấu hiệu khả nghi là 25 con gà này chết vì dịch cúm.

Theo Ban phòng chống dịch của một số địa phương có gà bị chết: Tỉnh cần hỗ trợ thuốc sát trùng, thuốc thú y, máy phun thuốc và các dụng cụ bảo hộ lao động khác, để công tác PCDCG đạt hiệu quả. Theo khảo sát của chúng tôi, tính đến cuối buổi chiều ngày 29-1-2004, chưa phát hiện thêm trường hợp dịch bệnh gà ở các địa phương trong tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc tình hình dịch bệnh gà ở Bình Định trong các số báo tới.

NHÓM PV KINH TẾ

 

Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCDCG tỉnh Bình Định:

Đến ngày 29-1, theo thông báo của Cục Thú y, toàn quốc đã có thêm 3 tỉnh có nạn dịch cúm trong đó có Bình Định. Và theo thông báo mới nhất của ngành Nông nghiệp tỉnh, ở Bình Định hiện có 3 địa phương đã xuất hiện tình trạng gà chết hàng loạt là Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước. Đã phát hiện 3 trang trại chăn nuôi gà nghi là gà bị chết do nhiễm vi rút dịch cúm gà ở Phước Mỹ (Tuy Phước), Nhơn Thọ (An Nhơn), thị trấn Ngô Mây (Phù Cát). Hiện nay chúng tôi đã tiến hành tiêu hủy gần 5.000 con gà từ 1-3 tháng tuổi để khống chế lây lan ra các khu vực xung quanh. Đồng thời lấy 4 mẫu gà bị dịch bệnh để gởi đi TP Hồ Chí Minh xét nghiệm.

Hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nhân dân trong tỉnh triển khai ngay các biện pháp đối phó chống dịch. Thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của UBND tỉnh về PCDCG. Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo PCDCG ở các địa phương và các ngành liên quan của tỉnh để đối phó với nạn dịch cúm gà. Đồng thời chỉ đạo cho các chủ trang trại chăn nuôi gà tăng cường các biện pháp phòng, chống. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho ngành Công an, Quản lý thị trường, Thú y tổ chức thành lập các trạm kiểm tra tại khu vực đèo Cù Mông, đường Quy Nhơn - Sông Cầu và ở phía bắc tỉnh, kiên quyết ngăn cấm việc vận chuyển gia cầm ra vào tỉnh Bình Định.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Triển vọng mới cho cây mì  (30/01/2004)
Những triệu phú vùng cao  (28/01/2004)
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)
"Vua gà" Tuy Phước   (18/01/2004)
Cổ phần hóa - Động lực cho các doanh nghiệp phát triển   (16/01/2004)
Những ngày cuối năm ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/01/2004)
Bia Quy Nhơn - Thương hiệu đã được khẳng định  (14/01/2004)
Thị trường phong bao lì xì ngày Tết: Phong phú và đa dạng   (13/01/2004)