Xã Cát Tường (Phù Cát) có trên 200 hộ làm nhang, chủ yếu ở 2 thôn Xuân Quang và Kiều Đông. Trong đó có 4 cơ sở sản xuất tập trung, mỗi cơ sở thu hút từ 10 đến 12 lao động. Nghề làm nhang ở Cát Tường đã góp phần đáng kể trong việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
|
Phơi nhang |
Trước đây tăm thường được chẻ tại chỗ, còn nay tăm được chẻ bằng máy nên người làm nhang chỉ việc mua từ các cơ sở làm tăm nhang. Bột nhang cũng được mua từ các cơ sở chế biến sẵn. Ở cơ sở sản xuất nhang của anh Nguyễn Minh Đăng tại thôn Kiều Đông, không khí lao động khá nhộn nhịp. Trên 10 cô gái bên những chiếc bàn se, một tay cầm nắm tăm, tay kia cầm bàn lăn đưa thoăn thoắt, những cây nhang lần lượt hình thành nối nhau rơi xuống xếp ngay ngắn trong chiếc thúng chờ đem phơi. Anh Đăng cho biết: "Tôi làm nhang 6-7 năm nay, lao động có trên dưới 10 người tùy theo thời điểm. Người làm công ăn theo sản phẩm, cứ se 1.000 cây nhang được trả 1.400 đồng. Mỗi ngày một người thu nhập ít nhất cũng được 10.000 đồng, người làm giỏi được 15.000 đồng. Bình quân thu nhập của lao động khoảng 400.000 - 540.000 đồng/người/tháng. Nhang làm ra được đưa bán tận Khánh Hòa, Ninh Thuận… Cứ mỗi chuyến đi khoảng 10 đàm (mỗi đàm 100.000 cây, giá bán khoảng 450.000 - 500.000 đồng). Hiện nay đầu ra sản phẩm tương đối tốt, chỉ có điều là mình có sản xuất đủ để đưa đi liên tục hay không".
Nghề làm nhang đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong lúc nông nhàn và tranh thủ được số lao động phụ. Đối với hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thì nguồn vốn đầu tư không nhiều, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại địa phương, một số bán lại cho thương lái thu gom đi bán nơi khác. Ở Cát Tường, có nhiều hộ làm nhang đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt; nhiều hộ từ khó khăn nghèo đói vươn lên ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như chị Trần Thị Hồng ở thôn Chánh Liêm, chị đi se nhang thuê và học hỏi nghề, dần dà tích lũy được một ít vốn, cộng với nguồn vốn vay từ dự án phát triển ngành nghề của Hội Phụ nữ, chị mở cơ sở sản xuất nhang tại nhà, từ đó thu nhập của gia đình chị ngày một khá hơn.
Được biết, để tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, Hội Phụ nữ huyện và xã đã lập dự án vay 65 triệu đồng cho 26 hội viên phụ nữ trong xã vay đầu tư phát triển nghề làm nhang. Ông Đinh Văn Tiết - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: "Việc phát triển nghề truyền thống như nghề làm nhang đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động. Nhiều hộ sản xuất đã giải quyết 10-15 lao động có việc làm, ngoài ra còn tận dụng được lao động phụ tạo thêm thu nhập. Để tiếp tục phát triển nghề truyền thống, thời gian tới địa phương sẽ tranh thủ các nguồn vốn, chỉ đạo các đoàn thể tiến hành lập các dự án giúp hội viên mình vay vốn, tạo điều kiện để các hộ có thêm vốn phát triển nghề. Bởi Cát Tường còn có nghề làm nón, làm bánh cốm, bánh tráng nữa…".
. Hoài Trung
|