HTXNN Phú Thọ (Tây Phú-Tây Sơn) là một trong số 30 HTX điển hình tiên tiến thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh, và là một trong 2 HTXNN của huyện Tây Sơn được chuyển đổi hoạt động theo HTX kiểu mới. Hiện nay, bên cạnh những thành tựu đáng phấn khởi thì việc mở rộng sản xuất kinh doanh của HTX cũng còn đầy gian nan, trắc trở.
* Giúp xã viên cải thiện cuộc sống
|
Cơ sở sản xuất thực phẩm sấy chân không "Đồng Hươu" của HTX NN Phú Thọ đóng cửa đã mấy tháng nay |
Là một HTXNN thuộc khu vực miền núi, điều kiện đất đai canh tác còn lắm khó khăn, qua các năm thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật, HTX NN Phú Thọ đã kiện toàn bộ máy quản lý, tổ chức tốt các hoạt động, phân công thành viên phụ trách từng dịch vụ, phát huy tinh thần dân chủ… nên đã mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh công tác hướng dẫn, điều hành sản xuất, HTX đang thực hiện 7 dịch vụ phục vụ sản xuất cho xã viên gồm: thủy lợi, thủy nông; làm đất; cung ứng giống cây trồng; hỗ trợ vốn; cung ứng điện; tiêu thụ mía nguyên liệu. Các hoạt động dịch vụ của HTX trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ xã viên; mở rộng và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.
Nhờ HTX thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn sản xuất, chăn nuôi; nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trong các loại cây trồng chính, có gần 90% diện tích lúa sản xuất bằng giống cấp 1; cây mì cao sản đã đưa vào sản xuất đạt 70% diện tích. Ngoài ra, bà con còn trồng mía, trồng rau, phát triển chăn nuôi với số bò lai chiếm 70% tổng đàn, heo hướng nạc chiếm 80%, đàn gia cầm ngày càng tăng, đem lại thu nhập khá. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo từ 17% giảm còn 6%. Ông Nông Đức Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: "HTXNN Phú Thọ hoạt động khá tốt về nhiều mặt, song có nỗi lo lớn nhất là thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nên hướng phát triển cũng còn nhiều khó khăn, thử thách…".
* Đường lên còn trắc trở
Năm 2003, nhằm đa dạng hóa ngành nghề, góp phần tiêu thụ nông sản cho xã viên, giải quyết việc làm, sau khi khảo sát thị trường, được sự tư vấn của các ngành chức năng, HTX đã đầu tư kinh phí 600 triệu đồng (trong đó vốn của HTX 300 triệu đồng, vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển 126,5 triệu đồng, vốn huy động trong xã viên 73,5 triệu đồng) để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị dây chuyền chiên sấy chân không, chế biến nông sản, gồm các loại mít, chuối, củ quả sấy khô đóng bì. Cơ sở này có thể hoạt động 7 tháng/năm, tùy theo mùa vụ nguyên liệu, giải quyết việc làm cho 20 lao động. Hoạt động này được xã viên đồng tình ủng hộ vì ở địa phương nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, mà bà con rất khó tiêu thụ. Cuối tháng 10-2003 sản phẩm mít, chuối, khoai lang sấy khô đóng bì mang thương hiệu "Đồng Hươu" ra đời với chất lượng và mẫu mã bao bì không hề thua kém các sản phẩm cùng loại của một số địa phương trong nước. Tổng doanh thu của 1 tháng sản xuất đầu tiên đạt trên 124 triệu đồng, cho lãi khoảng 30 triệu đồng. Tuy số lợi nhuận chưa tính thuế, quản lý phí… nhưng thành công bước đầu này cũng là một sự động viên rất lớn, các thành viên của HTX đều phấn khởi.
Thế nhưng, theo lời của ông Nguyễn Xuân Thơm, Chủ nhiệm HTXNN Phú Thọ: "Quả thật, 'thương trường là chiến trường', một số cơ sở sản xuất cùng loại ở ngoài tỉnh đã ngay lập tức đa dạng hóa sản phẩm nên người tiêu dùng liền 'bỏ rơi' sản phẩm Đồng Hươu. HTX đã gởi sản phẩm chào hàng ở nhiều tỉnh như: Đăk Lăk, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi… nhưng chưa thấy hồi âm. 5 tấn sản phẩm trị giá 200 triệu đồng chưa được các đại lý thanh toán. Bị chôn vốn, cơ sở không thể tiếp tục sản xuất. Vả lại, có sản xuất nữa thì cũng khó tiêu thụ. Từ tháng 7-2004 đến nay, cơ sở đành đóng cửa!". Cũng lời ông Thơm: "Có nhiều người nói rằng, loại sản phẩm này gần đến Tết mới bán chạy, nên chúng tôi cũng còn chờ. Hơn nữa, để bảo đảm quay vòng sản xuất, HTX cần một nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng cho nguyên liệu đầu vào, bao bì…, nhưng HTX chỉ có khoảng 200 triệu mà lại bị đọng ở các đại lý nên rất khó khăn".
Không thể xây dựng nên cơ sở sản xuất rồi đóng cửa, hiện nay HTX đang nghiên cứu, học hỏi công nghệ sản xuất các loại thực phẩm như: sả chiên giòn, lá giang và các loại rau mùi sấy lạnh… cũng là những loại nguyên liệu dồi dào ở địa phương để duy trì sản xuất. Song, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để có đầu ra thông thoáng đang còn nằm trong sự… tính toán!
Nếu HTXNN Phú Thọ không tự mình tìm tòi nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại thì sẽ không ai đủ sức giúp HTX cả. Sản xuất ra một sản phẩm tốt nhưng không có định hướng kinh doanh phù hợp, chắc chắn hiệu quả sản xuất sẽ ở mức rất thấp. Trở ngại của HTXNN Phú Thọ cũng là chuyện mà hàng loạt HTX khác trong Bình Định đang đối diện. Chỉ khi ta tự cứu mình thì sau đó "trời" mới cứu ta.
. Thúy Vi
|