Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư
15:48', 3/10/ 2004 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ Định Bình đã đến tái định cư (TĐC) ở nơi ở mới, làm sao để nhanh chóng ổn định đời sống? Ngoài ra, còn có hộ dân tại chỗ ở vùng TĐC nhường một phần đất cho những hộ mới đến cũng cần có chính sách để ổn định sản xuất. Cả Vĩnh Thạnh đang tất bật lo cho người dân sớm được an cư.

* Dân tái định cư: cơ bản đã an cư

Một góc khu tái định cư Suối Sem - Định Nhì

Đường từ Định Bình vào khu TĐC Suối Sem - Định Nhì (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) tuy chưa được bê tông hóa nhưng đã khá thuận lợi. Theo Ban Quản lý (BQL) Dự án Di dân và TĐC hồ Định Bình, sẽ có 220 hộ đến TĐC ở đây, hiện nay mới có 190 hộ đã đăng ký; trong đó, 183 hộ đã nhận đất ở, 173 hộ đã nhận đất sản xuất, 160 hộ đã cất nhà. Khu TĐC này hiện đã được đầu tư khá hoàn chỉnh: giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, mặt bằng đất ở và đất trung tâm làng, hệ thống nước tự chảy cho làng K11. Ngoài Suối Sem - Định Nhì, các khu TĐC khác ở Đồng Binh, Hà Nhe, Thạnh Quang và làng Ba Na tuy chưa hoàn chỉnh như ở Suối Sem - Định Nhì nhưng cũng đã được đầu tư bước đầu về hạ tầng, sẵn sàng đón người dân vùng lòng hồ về TĐC. Theo dự kiến, các khu TĐC này sẽ tiếp nhận 591 hộ, đến nay, 451 hộ đã đăng ký.

Việc vận động người dân vùng lòng hồ di dời đã được tiến hành khẩn trương. BQL đã trình duyệt và chi trả cho 16 phương án với tổng kinh phí 34 tỷ đồng. Đến nay, trong 720 hộ cần di dân thì đã di dời được 694 hộ, trong đó, ngoài 436 hộ đến các khu TĐC là 258 hộ di dân tự do.

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh và BQL Dự án đã nhanh chóng triển khai các chính sách nhằm ổn định đời sống người dân đã TĐC. Ngoài việc đầu tư các hạng mục hạ tầng, việc giao đất ở, đất sản xuất đã tiến hành khẩn trương để người dân có thể nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất. Tại các khu Suối Sem - Định Nhì, cơ bản đã giao đất ở, đất sản xuất cho người dân. Riêng khu Hà Nhe hiện mới chỉ đền bù cây cối hoa màu trên đất, một phần diện tích đất và khu Thanh Quang chỉ mới đền bù cây cối hoa màu trên đất.

Như vậy, có thể khẳng định rằng đến cuối tháng 9, mục tiêu bàn giao mặt bằng lòng hồ cơ bản đã hoàn thành. Đây là một sự cố gắng rất lớn của huyện Vĩnh Thạnh và BQL Dự án. Tuy nhiên, vẫn còn những công việc được tiến hành chậm như đền bù cho người dân tại chỗ ở các khu TĐC Đồng Binh, Hà Nhe; đầu tư xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng các khu TĐC và khu đường tránh tây Vĩnh Thạnh… Vào đầu tháng 10 này, BQL sẽ hoàn thành đền bù các khu Đồng Binh, Hà Nhe và sẽ tiếp tục giao đất cho người dân TĐC cũng như triển khai xây dựng những hạng mục cơ sở hạ tầng khác. Ngoài ra, để tiếp tục ổn định đời sống người dân TĐC, thời gian tới, huyện sẽ có quy hoạch, định hướng sản xuất cho dân TĐC, cũng như có chính sách hỗ trợ giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật cho người dân để họ triển khai ngay việc sản xuất.

* Và ước mong của người dân tại chỗ

Để có đất ở, đất sản xuất giao lại cho những hộ dân TĐC, hàng trăm người dân tại chỗ đã phải nhường lại một phần diện tích đất sản xuất. Ngay xã Vĩnh Quang đã có tới gần 800 hộ thuộc 4 thôn thuộc diện này. "Bà con cơ bản là ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Và trên thực tế, đến nay cơ bản hoàn thành việc bàn giao đất" - ông Ngô Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, nói. Tất nhiên, một khi diện tích đất sản xuất giảm xuống, những người nông dân này phải tính toán lại sản xuất để nhanh chóng ổn định đời sống. Đây là một khó khăn, vì nhiều thôn trong xã Vĩnh Quang đang trong tình trạng thiếu nước sản xuất. Nếu không được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để tăng vụ thì đời sống người dân sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy, hiện nay, nhu cầu bức thiết của người dân nơi đây là Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương từ Định Quang đến Định Xuân. "Nếu có nước thì từ sản xuất một vụ, người dân ở đây có thể tăng thêm vụ"- ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, trước đây, người dân chăn thả gia súc ở các khu Định Nhì, Đồng Binh, Hà Nhe. Nay các khu này đã nằm trong vùng quy hoạch các khu TĐC. Bởi vậy, nhu cầu cấp bách hiện nay là tiến hành quy hoạch khu chăn nuôi Sân Trâu để bà con có thể chăn thả gia súc. Hiện nay, trên khu vực này chủ yếu là lau lách, cỏ tranh và đã có đường đất đi lên, nay chỉ cần phát dọn thêm lau lách và làm một số hồ ao chứa nước, trồng cỏ là có thể dùng để chăn thả gia súc rất tốt. Hơn nữa, một khi hệ thống kênh mương cấp 2 hồ Hà Nhe được xây dựng, sẽ không chỉ giải quyết nhu cầu nước sản xuất cho người dân TĐC, mà cho cả những người dân tại chỗ.

Ngày 22-9, trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh và BQL Dự án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương đã khẳng định: "Phải đảm bảo công bằng cho người dân TĐC và người dân tại chỗ. Thực hiện các chính sách giao đất sản xuất, điện, nước, nước sạch cho dân TĐC thế nào thì giải quyết cho dân tại chỗ như thế. Nếu người dân tại chỗ thiếu đất sản xuất thì giao thêm đất, thiếu nước thì có phải có phương án giải quyết…".

Như vậy, an cư cho người dân TĐC lẫn người dân tại chỗ không chỉ là mối quan tâm của huyện Vĩnh Thạnh mà là của cả tỉnh. Lên Vĩnh Thạnh những ngày cuối tháng 9-2004, trong nhịp tất bật của một huyện miền núi đang thi công những công trình lớn, chúng tôi bắt gặp một sự chung lo như vậy.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)
Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa   (30/09/2004)
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)
Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội   (29/09/2004)
Phù Cát: Cát Tiến chuyển mình  (29/09/2004)
Xe khách chất lượng cao được tín nhiệm   (28/09/2004)
Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại   (28/09/2004)
Nạp tiền vào tài khoản - Một tiện ích mới cho khách hàng VinaPhone và MobiFone   (27/09/2004)
Tuy Phước: Khi nông dân thi đua sản xuất giỏi   (27/09/2004)
Thi công các khu tái định cư tránh lũ ở Ân Hảo: Ách tắc từ nhiều phía  (26/09/2004)
Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu   (24/09/2004)
Vân Canh: Khi cơn hạn đi qua   (23/09/2004)
Nhơn Châu và nỗi lo mùa mưa bão   (23/09/2004)
Liên kết, liên doanh ở các HTXNN: Vẫn còn nhiều vướng mắc   (22/09/2004)