Để BISUCO và người trồng mía cùng có lợi
10:12', 4/10/ 2004 (GMT+7)

Thời gian qua, diện tích mía trong vùng nguyên liệu giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của nông dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO). Trước tình hình đó, vừa qua, Sở NN-PTNT đã tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo công ty và nông dân, nhằm mục đích thắt chặt mối quan hệ làm ăn giữa đôi bên.

* Bức xúc của nông dân

    Chăm sóc mía

Xây dựng vùng nguyên liệu mía nhằm đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động có hiệu quả, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho nông dân là chủ trương đúng đắn của tỉnh. BISUCO - đơn vị chủ đầu tư - đã lập dự án rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh giai đoạn 2001-2010 với diện tích 10.126 ha, phân bố ở 6 huyện trong tỉnh; ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân trồng mía, ký hợp đồng thu mua nguyên liệu mía cho nông dân. Thế nhưng, qua hơn 2 năm thực hiện, diện tích và năng suất mía trong vùng nguyên liệu chẳng những đã không tăng mà còn giảm mạnh bởi nhiều nông dân đã nói lời chia tay với cây mía. Nếu như năm 1999-2000, diện tích mía ở 4 huyện nằm trong vùng nguyên liệu là 10.023 ha, năng suất đạt 45,3 tấn/ha, thì năm 2002-2003 giảm xuống còn 7.028 ha, năng suất 40,1 tấn/ha, và đến năm 2003-2004 diện tích mía chỉ còn trên 3.000 ha, năng suất đạt 45tấn/ ha.

Nguyên nhân dẫn đến việc diện tích mía trong thời gian qua giảm mạnh đã được bàn luận khá sôi nổi tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo BISUCO và một số nông dân ở các địa phương trong vùng nguyên liệu mía.

Xin điểm qua một số ý kiến chính của người trồng mía. Ông Nguyễn Tấn Hào, ở xã Nhơn Thọ- An Nhơn: "Khi mía chín, chúng tôi rất cần công ty thu mua nguyên liệu để lấy tiền tái đầu tư sản xuất cho kịp thời vụ thì công ty không thu mua. Còn những vùng mía chưa đến độ chín, nông dân chưa muốn bán vì chữ đường còn thấp nhưng vì tiện việc cho công ty nên công ty lại thu mua, ảnh hưởng thu nhập của bà con. Hiện nay, nhiều hộ nông dân đã chuyển diện tích mía sang trồng mì, bắp lai… cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích mía trong xã giảm mạnh, từ 220 ha năm 2003 đến nay còn khoảng 120 ha. Nếu công ty không có chính sách hỗ trợ đầu tư hợp lý thì sẽ có thêm nhiều hộ phá bỏ cây mía để trồng các loại cây trồng khác". Ông Huỳnh Văn Trung, nông dân ở xã Tây Thuận (Tây Sơn) ý kiến: "Công ty cần phải chủ động xây dựng kế hoạch, thời gian thu mua nguyên liệu cụ thể cho từng vùng, thông báo rộng rãi trong nhân dân, giúp bà con chủ động trong việc thu hoạch mía. Đồng thời công ty nên xem xét lại việc cấp phát phiếu đốn mía, thủ tục thanh toán; có biện pháp xử lý những cán bộ có thái độ cửa quyền, hách dịch với bà con trong việc thu mua, thanh toán tiền…. Công ty cần phải tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía trong tỉnh, hướng dẫn cho bà con về quy trình sản xuất mía để tăng năng suất, hiệu quả". Ông Lê Đình Cường, ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang - Vĩnh Thạnh cho rằng: "Công ty cần phải nâng giá thu mua mía, hỗ trợ tiền trung chuyển cho nông dân. Hiện nay, bình quân mỗi xe mía từ ruộng đến nhà máy, nông dân phải trả công cho tài xế là 20.000 đồng, rồi còn lo tiền cơm, nước cho tài xế, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân. Công ty cũng cần giảm giá phân bón cung cấp cho nông dân, vì hiện tại bà con phải trả giá phân bón cho công ty cao hơn giá thị trường…".

* Nông dân nói - Doanh nghiệp nghe

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Liễn - Tổng Giám đốc BISUCO - thừa nhận: "Qua buổi đối thoại này, chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin cần thiết từ nông dân, nắm bắt được những tâm tư nguyện vọng của bà con để điều chỉnh bổ sung chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu cho phù hợp với tình hình hiện nay. Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh; xây dựng trạm giống; phối hợp với các địa phương xây dựng đường giao thông, thủy lợi; tiến hành trồng thử nghiệm một số mô hình mía rải vụ để chuyển giao quy trình kỹ thuật cho bà con áp dụng vào sản xuất, giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả của cây mía. Công ty sẽ xây dựng kế hoạch thu mua, thời gian thu mua cụ thể và thông báo cho nông dân biết để chủ động thu hoạch; bố trí lực lượng xe vận chuyển kịp thời, hợp lý, không để bà con phải chờ đợi. Ngay tại cuộc gặp gỡ, sau khi hội ý nhanh, lãnh đạo BISUCO đã có nhiều quyết định có lợi cho nông dân, cụ thể: Công ty sẽ tăng mức đầu tư từ 5 triệu đồng/ha lên 8 triệu đồng/ha đối với hộ trồng mía thâm canh, tiếp tục ký hợp đồng nâng giá thu mua mía, với giá 230.000 đồng/tấn mía chữ đường 10, mua tại ruộng. Đối với các vùng nguyên liệu gần nhà máy và có thời gian thu hoạch sau ngày 1-4 hàng năm, công ty hỗ trợ thêm từ 5 - 10 ngàn đồng/tấn mía sau khi trừ tạp chất. Nếu giá mía trên thị trường tăng, hoặc giảm, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu kịp thời, nhưng không thấp hơn giá sàn đã nêu trên, đảm bảo không để nông dân bị thiệt. Đối với những nhân viên trong công ty có thái độ không tốt với bà con nông dân trong khi thu mua, thanh toán tiền, công ty sẽ hướng dẫn thêm chuyên môn, rèn luyện về đạo đức, nếu không tiến bộ thì công ty sẽ sa thải.

* Ý kiến của ngành chức năng

Nghe những ý kiến khá gay gắt của nông dân và cả của lãnh đạo các địa phương thuộc vùng nguyên liệu, trái với suy nghĩ với chúng tôi, ông Võ Thành Tiên - Giám đốc Sở NN-PTNT lại có vẻ rất vui: "Với góc độ là cơ quan được UBND tỉnh giao việc quản lý cổ phần đang có ở BISUCO, chúng tôi rất cần được nghe những ý kiến thẳng thắn, trực tiếp  như vậy. Từ thực tế của vùng nguyên liệu và buổi đối thoại giữa BISUCO với nông dân, Sở sẽ tiếp tục bổ sung chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo được lợi ích của người nông dân; chỉ đạo cho công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng vùng nguyên liệu mía thâm canh, tăng năng suất; chú trọng đến khâu giống, cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi. Vì muốn thâm canh tăng năng suất thì phải có nước tưới, nông dân không thể đủ vốn để làm được điều này mà cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Như nông dân phản ánh, hiện nay giao thông trong vùng nguyên liệu còn khó khăn, buộc nông dân phải mất một khoản tiền trung chuyển, phát sinh chi phí đầu tư, giảm thu nhập. Nếu giải quyết được giao thông thì sẽ tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường công tác khuyến nông; vận động nông dân mua cổ phần, lấy lợi nhuận của nhà máy điều tiết lại cho nông dân; chỉ đạo cho nhà máy giảm giá thành trong khâu chế biến đường để có lợi nhuận".

Dưới góc độ nhà khoa học, ông Nguyễn Đức Dương, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho biết: "Trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với công ty và các địa phương trong vùng nguyên liệu xây dựng nhiều mô hình trình diễn về các loại giống mía mới nhằm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và đã có hiệu quả nhất định. Tuy vậy, một số nông dân vẫn chưa thực hiện đúng quy trình được hướng dẫn, nên chi phí đầu vào cao mà hiệu quả kinh tế thấp. Trung tâm đã phối hợp với công ty xây dựng trạm mía giống Đồng Hào, thực hiện phương pháp ươm hom mía trong túi bầu để lấy giống cung ứng cho nông dân và xây dựng các mô hình sản xuất mía thâm canh, trồng mía rải vụ… nhằm tạo điều kiện cho nông dân được "mắt thấy tai nghe", áp dụng vào sản xuất có hiệu quả hơn".

Có thể nói, buổi đối thoại giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) là điều kiện tốt để các bên liên quan thấy và khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua. Vấn đề đặt ra là "4 nhà" sẽ thực hiện những cam kết như thế nào, để ngành mía đường của tỉnh phát huy được hiệu quả, doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi?

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư   (03/10/2004)
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)
Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa   (30/09/2004)
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)
Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội   (29/09/2004)
Phù Cát: Cát Tiến chuyển mình  (29/09/2004)
Xe khách chất lượng cao được tín nhiệm   (28/09/2004)
Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại   (28/09/2004)
Nạp tiền vào tài khoản - Một tiện ích mới cho khách hàng VinaPhone và MobiFone   (27/09/2004)
Tuy Phước: Khi nông dân thi đua sản xuất giỏi   (27/09/2004)
Thi công các khu tái định cư tránh lũ ở Ân Hảo: Ách tắc từ nhiều phía  (26/09/2004)
Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu   (24/09/2004)
Vân Canh: Khi cơn hạn đi qua   (23/09/2004)
Nhơn Châu và nỗi lo mùa mưa bão   (23/09/2004)