Bảo hiểm tàu đánh cá xa bờ - tại sao không?
15:15', 5/10/ 2004 (GMT+7)

Nằm ở nơi "đầu sóng, ngọn gió", hàng năm Bình Định phải đối mặt với thiên tai xảy ra bất thường, đặc biệt là bão lụt. Đối tượng thường xuyên bị đe dọa đến tính mạng cũng như tài sản do bão lụt gây ra chủ yếu là thuyền viên và tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB). Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều tàu, thuyền viên không hề tham gia bảo hiểm...

* Những hiểm nguy từ nghề ĐBXB

           Chuẩn bị ra khơi

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ vào ngày 12-6-2004, cơn bão số 2 đã bất ngờ đổ bộ vào Bình Định gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó ngư dân các xã biển của huyện Hoài Nhơn là bị thiệt hại nặng nhất. Điển hình là con tàu đánh bắt BĐ - 0053 bị chìm và 5 người thiệt mạng. Anh Nguyễn Văn Cử - một trong 3 ngư dân may mắn thoát chết trên chiếc tàu xấu số ấy - kể: "Tám anh em cùng ra khơi trên chiếc tàu đã 20 ngày. Nghe đài báo có áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Philippines, anh Huỳnh Phương - thuyền trưởng - quyết định trở về đất liền. Tàu chạy hơn ngày đêm thì gặp bão. Chiếc tàu trở nên đuối sức với cơn bão quá nhanh này. Đến 10 giờ sáng ngày 12-6, tàu về đến cửa biển Tam Quan. Lúc ấy, gió đã bắt đầu thổi mạnh, tàu quay mũi hướng về phía nam. Chạy qua khỏi địa phận huyện Hoài Nhơn thì gió bắt đầu giật mạnh. Anh em động viên nhau gắng giữ sức, cố lái tàu. Nhưng tất cả những cố gắng ấy đã trở thành vô nghĩa. Khi vừa đến địa phận huyện Phù Mỹ, một con sóng đã hất tung chiếc tàu lên rồi quật mạnh xuống. Tàu bị lật úp, tất cả 8 anh em trên tàu đều bị nước cuốn vào hầm máy...". Đó là vụ tai nạn thiệt hại nặng nhất trong số 15 vụ tai nạn tàu thuyền do cơn bão số 2 gây ra.

Bên cạnh những tai nạn do bão lụt gây ra, những con tàu đánh bắt lênh đênh trên biển còn đối mặt với nhiều tai nạn bất thường khác như bị chìm, cháy tàu... Điển hình như chiếc tàu mang biển số BĐ - 1204 do ông Lâm Trúc ở Hoài Thanh (Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, ngày 27-5-2003, tàu đang hoạt động ngoài biển bỗng nhiên bị tắt máy rồi chìm hẳn. Hoặc như chiếc tàu mang biển số BĐ-7317 do ông Nguyễn Thái Phương, ở phường Hải Cảng (Quy Nhơn) làm thuyền trưởng, đang đánh cá ngoài biển khơi bỗng nhiên phát cháy...

* Bảo hiểm - chia sẻ nỗi đau

Tang thương sau bão cũng như những tai nạn bất thường khác rồi cũng qua đi, nhưng những thiệt hại về người và kinh tế sẽ còn đeo đuổi chủ tàu trong một thời gian dài. Với những tàu đánh bắt và thuyền viên tham gia bảo hiểm thì thiệt hại về kinh tế sẽ nhanh chóng được khắc phục. Sau các vụ tai nạn, Công ty Bảo Việt Bình Định đã chi trả khoảng 100 triệu đồng cho vụ tàu đánh cá của ông Huỳnh Phương bị chìm cùng với 5 người chết trong cơn bão số 2; chi trả gần 240 triệu đồng cho tàu đánh cá của ông Nguyễn Thái Phương bị cháy; 190 triệu đồng cho tàu đánh cá của ông Bình bị chìm ngoài biển khơi... Bên cạnh những tàu và thuyền viên được bảo hiểm chi trả, sau khi gặp nạn, còn không ít những tàu, thuyền viên phải "ngậm đắng" khi xảy ra tai nạn vì không tham gia bảo hiểm. Chị Phạm Thị Minh - một chủ tàu ĐBXB ở Hoài Hương (Hoài Nhơn) bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 2 - than thở: "Thường trước đây năm nào tôi cũng mua bảo hiểm cho tàu đánh cá nhưng chẳng hiểu sao nay không mua thì tàu bị gặp nạn, thiệt hại gần cả trăm triệu đồng và tôi đã trắng tay". Chị Minh là một trong số 10 tàu ĐBXB bị thiệt hại trong cơn bão số 2 vừa qua không được đền bù vì không tham gia mua bảo hiểm.

* Và thực tế đáng lo ngại

- Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 chiếc tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có 2.500 chiếc có công suất từ 45CV trở lên chuyên ĐBXB. Từ đầu năm đến nay Bảo Việt Bình Định đã chi trả gần 1,3 tỉ đồng cho tàu thuyền và thuyền viên bị tai nạn thiệt hại.

- Theo dự báo của các công ty được phép tham gia bảo hiểm tàu đánh bắt ở Bình Định, số lượng tàu ĐBXB và thuyền viên ở Bình Định tham gia bảo hiểm trong năm 2004 tiếp tục giảm khoảng 10% so với năm 2003.

Thực tế cho thấy, số tàu ĐBXB của Bình Định tham gia bảo hiểm ít dần trong 10 năm trở lại đây. Năm 1995 có khoảng 90% số tàu ĐBXB tham gia bảo hiểm, nhưng hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ước tính toàn tỉnh chỉ có 32% số tàu ĐBXB và thuyền viên tham gia bảo hiểm. Số tàu tham gia bảo hiểm chủ yếu ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ... trong đó, Công ty Bảo Việt Bình Định thực hiện bảo hiểm khoảng trên 500 tàu và thuyền viên, chiếm tỷ lệ 20%; Công ty Bảo Minh Bình Định thực hiện bảo hiểm khoảng trên 300 tàu và thuyền viên, chiếm tỷ lệ 12%.

Việc số lượng tàu đánh bắt cá tham gia bảo hiểm ngày một ít đi bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Theo các công ty bảo hiểm tàu thuyền trong tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của chủ tàu về việc mua bảo hiểm. Trước đây, khi có quy định buộc khấu trừ tiền bảo hiểm tàu trong 3 năm từ số tiền họ vay được ở ngân hàng thì dù muốn hay không họ cũng phải tham gia đóng tiền bảo hiểm nếu muốn vay số tiền trên từ ngân hàng để đóng tàu. Tuy nhiên, kể từ năm thứ 4 trở đi khi không còn sự ràng buộc từ ngân hàng về việc đóng bảo hiểm thì hầu như số lượng tàu tham gia bảo hiểm giảm đi rất nhiều... Bên cạnh đó, việc thanh - kiểm tra của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên...

Là một tỉnh thường hay gánh chịu những trận bão bất thường, nên việc số tàu ĐBXB tham gia bảo hiểm quá thấp như hiện nay là một thực tế đáng lo ngại. Nếu như rủi ro xảy ra đối với các tàu ĐBXB và thuyền viên thì những mất mát về người và tài sản không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chủ tàu, thuyền viên mà còn phần nào ảnh hưởng cả đến nền kinh tế của tỉnh nhà.            

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao lúa lai Nhị ưu 838 trỗ không đều?   (05/10/2004)
Để BISUCO và người trồng mía cùng có lợi   (04/10/2004)
Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư   (03/10/2004)
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)
Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa   (30/09/2004)
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)
Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội   (29/09/2004)
Phù Cát: Cát Tiến chuyển mình  (29/09/2004)
Xe khách chất lượng cao được tín nhiệm   (28/09/2004)
Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại   (28/09/2004)
Nạp tiền vào tài khoản - Một tiện ích mới cho khách hàng VinaPhone và MobiFone   (27/09/2004)
Tuy Phước: Khi nông dân thi đua sản xuất giỏi   (27/09/2004)
Thi công các khu tái định cư tránh lũ ở Ân Hảo: Ách tắc từ nhiều phía  (26/09/2004)
Lung linh "mắt biển" Nhơn Châu   (24/09/2004)