Hàng năm, Bình Định thường bị ảnh hưởng trực tiếp của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như: bão, lốc xoáy, triều cường,… gây không ít khó khăn, bất lợi cho nghề khai thác biển. Năm nào cũng vậy, trước mùa mưa bão, ngành Thủy sản luôn quan tâm đến công tác phòng chống bão lụt- tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) người và phương tiện nghề cá trên biển, song công tác này cũng còn nhiều bất cập.
|
Đến mùa mưa bão, tàu thuyền neo đậu chen chúc tại Cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn) |
Ngay từ đầu tháng 6-2004, ngành Thủy sản đã xây dựng phương án PCLB-TKCN của ngành và thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-TKCN từ tỉnh đến địa phương. Ngành đã triển khai thực hiện một số công tác trọng tâm như: phối hợp với các địa phương ven biển, các đồn biên phòng để tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân những văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho người và phương tiện nghề cá trên biển; hướng dẫn chủ phương tiện tàu cá trang bị thiết bị an toàn như: thiết bị an toàn hàng hải, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn; hệ thống thông tin liên lạc… trước khi ra khơi đánh bắt.
Ngành Thủy sản cũng đã phối hợp với các ngành để PCLB-TKCN như: Quân sự, Biên phòng, Công an, Bưu điện, Y tế, Hội Chữ thập đỏ… và UBND các huyện, thành phố ven biển. Ông Nguyễn Văn Mong - Phó Giám đốc Sở Thủy sản, kiêm Trưởng ban Chỉ huy PCLB ngành Thủy sản - cho biết: "Nhìn chung, công tác chuẩn bị PCLB-TKCN ngành đã triển khai xong. Hiện nay, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN đã trực chiến 24/24 giờ để nắm bắt thông tin và triển khai kịp thời công tác PCLB-TKCN".
Chuẩn bị và kế hoạch như vậy song thực tế vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại. Hiện đoàn tàu cá của Bình Định có trên dưới 6.000 phương tiện, trong đó có gần 3.000 tàu thuyền chuyên khai thác gần bờ. Phần lớn chủ tàu thuyền khai thác gần bờ rất ít quan tâm đến việc trang bị các phương tiện đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trong số này có đến hơn 1.000 phương tiện chưa thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm, hoạt động ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Nguyễn Hữu Hào - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phụ trách công tác phối hợp TKCN của ngành Thủy sản - cho biết: "Với những phương tiện này, khi xảy ra sự cố thì chúng tôi rất khó có thể liên lạc được và xác định được vị trí, địa điểm bị nạn, điều kiện kỹ thuật của tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời".
Địa điểm trú đậu tàu thuyền tránh bão: Tại Quy Nhơn có 4 điểm trú đậu: khu vực phường Hải Cảng, từ cầu Hàm Tử đến đường Phan Chu Trinh; khu vực hồ sinh thái Đống Đa, từ đường Đống Đa đến đường Bạch Đằng; khu vực xã Nhơn Hội; khu vực sông Hà Thanh. Tại Phù Mỹ và Phù Cát là khu vực đầm Đề Gi. Tại Hoài Nhơn là Cảng cá Tam Quan. |
Không chỉ vậy, ngay cả phương án PCLB-TKCN mà ngành Thủy sản xây dựng và chuẩn bị khi triển khai thực hiện cũng gặp không ít bất cập. Thứ nhất, hệ thống thông tin liên lạc giữa Ban Chỉ huy PCLB-TKCN với hệ thống thông tin của ngư dân rất khó liên lạc được với nhau. Mặc dù khi có bão, áp thấp nhiệt đới, tổng đài liên tục phát thông tin nhưng chẳng mấy tàu nhận được. Khi tàu gặp nạn, phát thông tin cứu nạn thì tổng đài cũng "điếc". Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hào cho biết: "Sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi tần số của tổng đài với hệ thống thông tin liên lạc của ngư dân không tương thích. Phần lớn máy thông tin của ngư dân có công suất nhỏ, bắt sóng yếu, trong khi tần số của tổng đài quá lẻ, rất khó dò sóng. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thay đổi tần số của tổng đài, nhưng chưa được giải quyết".
Nơi trú đậu cho tàu thuyền tránh bão cũng không đủ và không đảm bảo an toàn. Với số điểm trú đậu như hiện nay chỉ mới đảm bảo trú đậu an toàn cho hơn 1.000 phương tiện, trong khi ở Bình Định có ít nhất 3.000 phương tiện cần trú bão. Các địa điểm trú đậu này cũng chưa có nơi nào có trụ neo, phích neo; luồng lạch rất cạn, việc ra vào trong điều kiện gió bão gặp rất nhiều nguy hiểm. Do vậy, các năm qua tình trạng tàu thuyền ở Bình Định bị vỡ, chìm do trú đậu không đảm bảo an toàn nhiều hơn bị chìm ngoài khơi. Chỉ tính trong 2 năm 2003-2004 đã có đến gần 200 phương tiện bị chìm, vỡ tại nơi trú đậu.
Còn một bất cập nữa đó là phương tiện TKCN hiện nay của ngành hầu như không có gì. Ông Nguyễn Văn Mong thừa nhận: "Hiện nay ngành Thủy sản gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện TKCN. Mấy năm trước ngành còn có 1 tàu kiểm ngư được trưng dụng để TKCN, nhưng hiện nay chiếc tàu này không còn đảm bảo an toàn, kinh phí để sửa chữa thì không có, nên không thể đưa vào hoạt động được. Tàu thuyền huy động trong ngư dân thì hầu hết đã di chuyển ngư trường đi đánh bắt ở các nơi".
Ngư dân Bình Định khó có thể nào quên những mất mát, thiệt hại nặng nề về người, tài sản do gió bão, áp thấp nhiệt đới gây ra đối với họ trong các năm qua. Gần đây nhất là cơn bão số 2 năm 2004, khiến 7 ngư dân trong tỉnh thiệt mạng, nhận chìm 27 chiếc tàu, tổng trị giá thiệt hại về tài sản gần 4 tỉ đồng. Nêu lại những "sự kiện đau buồn" này, chúng tôi muốn nhắc nhở ngư dân trong tỉnh nên cảnh giác cao hơn với những tai nạn trên biển, nâng cao ý thức phòng tránh những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Và hơn ai hết, ngành Thủy sản phải có trách nhiệm đối với ngư dân cần khẩn trương có kế hoạch khắc phục những tồn tại, bất cập như đã nêu trên để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con ngư dân.
. Ngọc Thái
|