Tam Quan Bắc bám biển đi lên
15:43', 7/10/ 2004 (GMT+7)

Trong nhiều năm gần đây, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đã có bước chuyển mình đi lên khá mạnh mẽ nhờ phát triển kinh tế biển, được xem là một trong những địa phương có sự phát triển năng động nhất huyện Hoài Nhơn.

1.

Phố mới ở Tam Quan Bắc

Ông Đào Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết: "Với địa thế là xã ven biển, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, Đảng bộ và chính quyền địa phương xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Đây là chủ trương đúng, trong 5 năm trở lại đây, kinh tế biển là động lực giúp Tam Quan Bắc thay da, đổi thịt".

Đến nay, toàn xã có 420 tàu thuyền đánh cá với tổng công suất 18.500 CV, trong đó 210 tàu đánh cá xa bờ (công suất từ 90 CV trở lên). Hàng năm sản lượng đánh bắt thủy sản của xã Tam Quan Bắc đạt hơn 5.000 tấn, chiếm 1/3 sản lượng đánh bắt của cả huyện Hoài Nhơn với giá trị đạt gần 90 tỉ đồng. Tam Quan Bắc là địa phương có đội tàu lực lượng đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất tỉnh. Ông Phạm Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết: "Từ đầu năm đến nay, ngư dân ở địa phương đánh bắt được 1.400 tấn cá ngừ đại dương, chiếm 82% sản lượng toàn huyện. Nghề này hiện đang là nghề cho thu nhập kinh tế khá cao".

2.

Sự khởi sắc đi lên ở Tam Quan Bắc được thể hiện rõ qua những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều dọc theo các tuyến đường liên thôn, liên xóm. Trên địa bàn xã ngày càng có nhiều ngư dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mức thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Ông Phan Ngọc Dũng ở xóm 2 thôn Tân Thành 2 - một trong những điển hình về đánh bắt thủy sản xa bờ đạt hiệu quả cho biết: "Trước đây gia đình tôi sinh sống bằng nghề câu khơi nhưng hiệu quả không cao, sẵn có thuyền tôi đầu tư thêm ít vốn chuyển sang đánh bắt cá ngừ đại dương và nghề này đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Trong hai năm gần đây, giá cá ngừ ổn định ở mức 50-70 ngàn đồng, cứ sau mỗi chuyến đi biển (20 ngày) tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng".

Một cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền ở Tam Quan Bắc

Ở thôn Tân Thành 2 còn có rất nhiều người khác đã khá lên nhờ theo nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Điển hình trong số đó có thể nhắc đến gia đình ông Phùng Ngọc Thanh. Trước đây, ông Thanh làm nghề câu cá mập, nhiều hiểm nguy mà thu nhập không cao. Ông quyết định chuyển nghề. Và nhiều năm nay ông đã có thu nhập ổn định hàng năm trên 100 triệu đồng. Ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình khác làm giàu từ nghề này như: Phan Ngọc Dũng, La Văn Nhược, Nguyễn Văn Ngọc, Trương Tá, Nguyễn Văn Phụng… Ông Trần Quốc Việt, Trưởng thôn Tân Thành 2 cho biết: "Nghề đánh bắt thủy sản xa bờ đã giúp cuộc sống của người dân ở đây ngày càng khấm khá. Hiện nay, riêng thôn Tân Thành 2 đã có đội tàu hơn 50 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, mỗi năm đem lại doanh thu hàng tỉ đồng".

Kinh tế biển phát triển kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá cùng phát triển. Trên địa bàn xã Tam Quan Bắc hiện có trên 100 cơ sở thu mua, chế biến hải sản, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, kinh doanh xăng dầu… giải quyết gần 10.000 lao động tại địa phương và các vùng xung quanh, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của toàn xã lên 4,2 triệu đồng/người/năm. Dự kiến con số đó sẽ vượt lên 5 triệu đồng trong năm 2004 này.

3.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế của xã Tam Quan Bắc trong thời gian tới, xã xác định kinh tế biển vẫn là hướng đi quan trọng để đưa đời sống của người dân ngày càng tăng cao. Điều đó càng được thể hiện rõ bằng việc UBND tỉnh đầu tư 18 tỉ đồng xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại địa phương. Đến nay giai đoạn 1 của công trình với số vốn đầu tư 11 tỉ đồng nạo vét luồng chạy tàu đã hoàn thành, đảm bảo việc neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão. Giai đoạn 2 của công trình gồm: xây dựng cảng cá, bến đậu tàu thuyền với số vốn đầu tư 7 tỉ đồng đang chuẩn bị thực hiện sẽ mở ra triển vọng phát triển nghề biển cho địa phương này. Ngoài ra, xã Tam Quan Bắc còn đang tiến hành xây dựng dự án về phát triển du lịch nhằm đưa bãi biển nơi đây thành một bãi tắm đẹp của tỉnh thu hút du khách. Đồng thời, nâng cấp mở rộng chợ Tam Quan Bắc thành chợ đầu mối về buôn bán các loại thủy hải sản…

Hy vọng rằng với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, trong tương lai gần Tam Quan Bắc sẽ vươn lên trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm ở phía cực bắc Bình Định.

. Nguyễn Hân

 

- Tam Quan Bắc có 8 thôn với 3.700 hộ gia đình, 17.000 nhân khẩu, hơn 80% số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

- Tam Quan Bắc đã đầu tư 4,2 tỉ đồng làm 12 km đường bê tông giao thông liên thôn liên xóm; 6,5 tỉ đồng cho dự án cung cấp nước sạch có công suất 2.000m3 nước/ngày-đêm; xóa được nạn đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,16%. Toàn xã đã có trên 80% số hộ gia đình xây dựng được nhà mái ngói, nhà kiên cố; 99% số hộ sử dụng điện; 100% hộ gia đình đã có phương tiện nghe nhìn. Năm 2003, xã được công nhận hoàn thành phổ cập THCS.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Có chí thì nên  (07/10/2004)
Thoát nghèo nhờ sản xuất hợp lý   (06/10/2004)
Còn lắm điều đáng lo ngại   (06/10/2004)
Bảo hiểm tàu đánh cá xa bờ - tại sao không?   (05/10/2004)
Vì sao lúa lai Nhị ưu 838 trỗ không đều?   (05/10/2004)
Để BISUCO và người trồng mía cùng có lợi   (04/10/2004)
Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư   (03/10/2004)
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)
Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa   (30/09/2004)
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)
Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội   (29/09/2004)
Phù Cát: Cát Tiến chuyển mình  (29/09/2004)
Xe khách chất lượng cao được tín nhiệm   (28/09/2004)
Ân Hảo: Nghề tằm tang đang trở lại   (28/09/2004)