Chỉ còn một năm nữa là chương trình phát triển đàn bò sữa giai đoạn 2001-2005 kết thúc, nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có trên 3.000 con bò sữa. Mục tiêu phát triển đàn bò sữa đến năm 2005 (có 5.000 con) của ngành nông nghiệp Bình Định liệu có hoàn thành khi các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa không muốn tăng đàn vì khó khăn về nguồn vốn đầu tư, giá thức ăn gia súc leo thang?
* Từ chủ trương
|
Trang trại bò sữa của ông Nguyễn Ngọc Xương ở phường Ghềnh Ráng - Quy Nhơn |
Phát triển chăn nuôi bò sữa là một trong những chương trình trọng điểm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi trong giai đoạn từ năm 2001-2005 đến 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Để chương trình phát triển đàn bò sữa đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã quy hoạch và xây dựng khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung tại xã Nhơn Tân (An Nhơn) với diện tích 200 ha; quy hoạch các vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm ở Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước; các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh kết hợp chăn nuôi và sản xuất giống bò sữa; huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh lai tạo giống bò sữa.
Cùng với việc quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chăn nuôi bò sữa. Vì vậy, nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vào con bò sữa.
* Đến thực tế
Năm đầu tiên (2001), phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển khá mạnh, có nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi bò sữa, hiện nay một số hộ đã có thu nhập khá. Tuy vậy, 2 năm gần đây, bên cạnh một số địa phương đã có được những thành công bước đầu thì cũng có nhiều nơi còn khó khăn, phong trào chăn nuôi bò sữa đã chững lại. Ông Nguyễn Ngọc Xương, một chủ trang trại chăn nuôi bò sữa ở KV2, phường Ghềnh Ráng - Quy Nhơn đã đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng 1 dãy chuồng, mua 6 con bò sữa về thả nuôi, nhưng hơn 1 năm qua thu nhập từ con bò sữa chỉ đủ mua thức ăn cho bò, chưa có lãi nên không dám tăng đàn. Không riêng gì ông Xương, mà nhiều chủ trang trại khác cũng không dám tăng đàn vì trong suốt thời gian qua, họ đã bỏ ra không ít tiền của vào đàn bò nhưng chưa thu hồi vốn được để tái đầu tư.
Bên cạnh đó, theo quy định của UBND tỉnh, đến năm 2005, mỗi chủ trang trại ở khu chăn nuôi Nhơn Tân phải có ít nhất 100 con bò sữa, nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có 12 chủ đầu tư thực hiện 62% diện tích xây dựng chuồng trại và trồng cỏ, nuôi 670 con bò. Đàn bò ở đây chủ yếu là của Công ty Nông Việt nuôi để kinh doanh, còn hầu hết các chủ dự án chưa đảm bảo đủ số lượng đàn bò như đã đăng ký. Dự án của bà Bùi Thị Minh Vân, ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) có diện tích 5 ha, đến năm 2005 là 100 con bò sữa, nhưng đến nay mới chỉ có 21 con. Tương tự diện tích đất và quy mô đàn bò như của bà Vân, dự án của bà Đào Thị Ngọc (Quy Nhơn) đến nay cũng mới có trên 14 con bò sữa…
Ngoài ra, hiện nay phong trào chăn nuôi bò lai ở các địa phương trong tỉnh phát triển mạnh, nhiều hộ trước đây có ý định phối giống bò sữa thì nay đã bỏ ý định vì chăn nuôi bò lai dễ hơn, lại nhanh cho lãi, nên dẫn đến việc phối giống bò sữa đạt thấp. 9 tháng đầu năm 2004, toàn tỉnh mới chỉ phối giống được 670 con, đạt 22,3% so với kế hoạch.
* Và những giải pháp
Nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa trong tỉnh, ngày 13-9-2004, UBDN tỉnh đã ban hành Quyết định 86/2004/QĐ-UB về điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa. Theo đó, ngoài các chính sách ưu đãi đã được hưởng từ các quyết định trước đây, tỉnh sẽ quy hoạch, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu chăn nuôi tập trung... Hỗ trợ toàn bộ kinh phí công phối giống, vật tư phối giống để lai tạo đàn bò sữa ở các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn. Nếu lai tạo ra bê đực thì người chăn nuôi được hỗ trợ 200.000 đồng/con; các bê sữa lai tạo ra ở trong tỉnh được tự do tiêu thụ.
Hiện nay, Công ty sữa Bình Định cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sữa bò cho các chủ trang trại chăn nuôi bò sữa, tăng giá thu mua sữa bò từ 3.600 đồng/lít lên 3.850 đồng/lít. Theo ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT, bên cạnh các chính sách ưu đãi của tỉnh, ngành NN-PTNT cũng sẽ tăng cường công tác thú y, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung Nhơn Tân, phối hợp với các địa phương xây dựng khu chăn nuôi bò sữa ở các huyện, thực hiện có hiệu quả các chính sách của UBND tỉnh đã ban hành, phấn đấu cuối năm 2004, nâng số lượng đàn bò lên 3.500 con.
Hy vọng với những giải pháp đã nêu, Chương trình phát triển đàn bò sữa đến năm 2005 của tỉnh sẽ kịp về đích.
. Phạm Tiến Sỹ |