Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: Khó khăn và thách thức
11:40', 11/10/ 2004 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp Bình Định chưa theo kịp với kế hoạch đề ra. Đã vậy, một số ngành công nghiệp chủ lực hiện có tốc độ phát triển cao thì cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức và đặc biệt là không mang tính ổn định, lâu dài. Trước thực trạng này, nếu không nhanh chóng có các giải pháp hữu hiệu, thì chẳng bao lâu nữa ngay cả những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh cũng sẽ sụt giảm theo đà chung của toàn ngành.

* Tăng trưởng nhưng thiếu ổn định

Một góc phân xưởng chế biến hải sản của Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn

Trong nhiều năm qua giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu công nghiệp chế biến lâm sản liên tục tăng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ đã đạt 82,7 triệu USD, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm 2003 và chiếm một nửa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sau gỗ, ngành công nghiệp chế biến thủy sản cũng được xem là thế mạnh thứ hai. Sau nhiều năm giá trị kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm, từ đầu năm đến nay giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành này cũng đã đạt hơn 12 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2003. Ngành khai thác và xuất khẩu khoáng sản hiện cũng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 8 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2003.

Tuy nhiên, những ngành công nghiệp chủ lực của Bình Định chỉ mới dựa vào những lợi thế sẵn có để phát triển, chưa xây dựng được những kế hoạch, chương trình đầu tư dài hơi và hiệu quả. Do vậy, mặc dù giá trị sản xuất có lớn, kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp và thiếu tính ổn định, lâu dài. Phần lớn sản phẩm của các ngành công nghiệp chủ lực còn ở dạng chế biến thô, giá trị gia tăng còn thấp và sức cạnh tranh còn yếu ở cả thị trường trong cũng như ngoài nước. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu của các nhà phân phối nước ngoài. Ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn, cho biết: "Quy mô vốn đầu tư của đơn vị còn nhỏ. Trình độ sản xuất và mức độ hiện đại của thiết bị, công nghệ vẫn còn ở mức thấp. Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản vẫn còn phập phù nên các DN hoạt động trong lĩnh vực này nhìn chung rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ".

* Ai sẽ giải bài toán và bằng cách nào?

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất đối với các DN thuộc các ngành công nghiệp chủ lực hiện nay vẫn gặp phải đó là thiếu nguyên liệu để chế biến. Chẳng hạn, đối với ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, hiện nay năng lực chế biến và cấp đông của các DN đã đạt 9.000 tấn sản phẩm/năm, nhưng nguyên liệu hiện có để phục vụ cho các nhà máy chế biến chỉ mới đáp ứng từ 20-30% công suất. Đã vậy, hiện nay việc quy hoạch vùng nguyên liệu và phương án chuyển đổi nuôi trồng chưa đạt yêu cầu; việc quản lý sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm, công tác phòng dịch kém; phương thức tổ chức thu mua nguyên liệu của các DN chưa hợp lý… Điều này sẽ làm cho các DN gặp khó khăn nhiều hơn về nguyên liệu trong thời gian đến.

Đối với ngành chế biến gỗ, tuy đến nay hầu hết các DN đã dùng nguyên liệu nhập khẩu, nhưng sản phẩm phần lớn còn ở dạng sơ chế, phần lớn vẫn là sản phẩm đồ gỗ ngoại thất, giá rẻ. Bởi thế, nên tuy kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhưng hiệu quả kinh tế thì thấp, hao hụt nguyên liệu nhiều. Do vậy, các DN cũng không tránh khỏi sự lo lắng khi các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu cũng đã và sắp đóng cửa rừng. Ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản cũng chỉ mới dừng lại ở việc tuyển thô để xuất khẩu chứ chưa có đơn vị nào đầu tư chế biến các sản phẩm tiếp theo. Trong khi đó, nguồn tài nguyên khoáng sản ở Bình Định hiện nay đang dần dần cạn kiệt.

Thêm một hạn chế nữa là phần lớn các DN sản xuất công nghiệp ở Bình Định có quy mô nhỏ, trình độ thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, việc đầu tư thiếu đồng bộ. Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công nghiệp, cho biết: "Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến công nghiệp của Bình Định là những DN dân doanh, có quy mô nhỏ; hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ chưa được tiên tiến nên sản phẩm làm ra hao hụt rất lớn, giá thành cao, khó nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh". Thế nhưng, trong vấn đề đổi mới công nghệ, trang thiết bị, hiện nay các DN này lại mắc phải căn bệnh hệt như một số DNNN đó là trông đợi Nhà nước giúp đỡ, chia sẻ vốn đầu tư mà không thấy rằng đó là việc của mình.

Trước những thách thức, trở ngại như vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là ngành công nghiệp cần phải hướng dẫn các DN đi sâu vào việc phát triển những mặt hàng tinh chế, chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà còn tiết kiệm nguồn nguyên liệu. Cụ thể, đối với ngành chế biến thủy sản, phải nhanh chóng đẩy mạnh việc phát triển nuôi trồng theo quy hoạch và gắn nhà máy với vùng nguyên liệu ổn định. Doanh nghiệp chế biến lâm sản cần nhận ra và ý thức được trách nhiệm của mình trong vấn đề đầu tư phát triển diện tích rừng trồng và chú trọng sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít tốn nguyên liệu. Còn đối với ngành khai thác và chế biến khoáng sản, phải nhanh chóng đầu tư vào việc chế biến các sản phẩm sau khai thác chứ không thể "bán dần tài nguyên để ăn" như lâu nay được.

Giải pháp đưa ra là như vậy, song để thực hiện được thì còn tùy thuộc rất nhiều vào các ngành chức năng và bản thân từng DN. Để các ngành công nghiệp chủ lực của Bình Định đi đến chỗ phát triển ổn định, bền vững có vẻ vẫn còn là… bài toán khó!

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chương trình phát triển đàn bò sữa đến năm 2005: Có kịp về đích?  (11/10/2004)
Mở rộng thị trường đồ gỗ của Bình Định ngay tại TPHCM  (08/10/2004)
Tam Quan Bắc bám biển đi lên   (07/10/2004)
Có chí thì nên  (07/10/2004)
Thoát nghèo nhờ sản xuất hợp lý   (06/10/2004)
Còn lắm điều đáng lo ngại   (06/10/2004)
Bảo hiểm tàu đánh cá xa bờ - tại sao không?   (05/10/2004)
Vì sao lúa lai Nhị ưu 838 trỗ không đều?   (05/10/2004)
Để BISUCO và người trồng mía cùng có lợi   (04/10/2004)
Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư   (03/10/2004)
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)
Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa   (30/09/2004)
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)
Nghề nuôi cá chua ở Nhơn Hội   (29/09/2004)