Cây dừa ở Tam Quan Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
15:12', 11/10/ 2004 (GMT+7)

Huyện Hoài Nhơn có diện tích dừa lớn nhất tỉnh, tập trung ở vùng Tam Quan. Từ lâu, cây dừa đã trở nên thân thuộc đối với cuộc sống của người dân Tam Quan nói chung và Tam Quan Nam (TQN) nói riêng. Nhưng ở góc độ kinh tế, cây dừa TQN chưa được khai thác đúng với tiềm năng của nó.

Dừa trên đường làng Tam Quan Nam

Ở xã TQN, nhà nào cũng có ít nhất vài chục gốc dừa trong vườn nhà, toàn xã hiện có 200 ha dừa, với khoảng 80.000 cây, trong đó 60.000 cây đang cho quả. Bên cạnh cây lúa, cây dừa chiếm một vị trí quan trọng trong nguồn thu nhập của cư dân trong vùng. Với người dân nơi đây, ngoài việc sử dụng bẹ và lá dừa làm chất đốt, cây dừa còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác cho họ; sau nhiều năm bị mất giá, hiện nay quả dừa khô đang được tiêu thụ mạnh với giá từ 1.800-2.000đ/quả ngay tại vườn. Quả dừa khô được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Cơm dừa dùng để chế biến dầu dừa (15 quả dừa khô chế biến được 2 lít dầu) đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong vùng. Xơ dừa được đập lấy cước làm thảm và dây thừng… Ông Nguyễn Trọng Hướng - Trưởng ban kiểm soát HTX nông nghiệp TQN cho biết: "Khoảng vài ba năm trở lại đây, người dân đã khai thác cây dừa khá hiệu quả. Vỏ dừa được thu mua với số lượng lớn để đánh cước, sau đó đóng thành kiện hay làm ra thảm xơ dừa để bán cho các khách hàng trong nước và xuất khẩu''. Hiện nay, xã TQN có 4 cơ sở đánh cước và dệt thảm xơ dừa, góp phần tiêu thụ vỏ dừa khô và giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương. Việc đưa máy móc vào sản xuất đã rút ngắn nhiều công đoạn, bước đầu nâng cao được năng suất chế biến cước xơ dừa.

Song song với việc tìm đầu ra cho cây dừa, nông dân TQN đã đưa cây cỏ voi trồng dưới tán dừa kết hợp với nuôi bò lai, bước đầu mang lại hiệu quả. Cỏ được trồng dưới tán dừa để tận dụng diện tích, làm thức ăn nuôi bò. Các chất thải từ bò dùng làm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho đất. Ông Nguyễn Thanh Ca - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Trung Hóa - cho biết: "Trước đây, nông dân không đầu tư chăm sóc cho dừa nên năng suất đạt thấp. Từ khi kết hợp trồng cỏ nuôi bò, diện tích đất được tận dụng triệt để và cây dừa cũng được chăm sóc kỹ hơn, cho năng suất cao hơn".

Sản phẩm thảm xơ dừa của Tam Quan Nam

Song, có thể nói rằng việc khai thác cây dừa ở TQN chỉ mới dừng lại ở một số vấn đề nói trên. Tiềm năng về nhiều mặt của cây dừa hiện đang còn bỏ ngỏ, cho dù người dân nơi đây có nhiều ý tưởng, dự án và mong muốn có điều kiện đưa vào áp dụng để có thể phát huy tiềm năng của nó. Theo ông Nguyễn Trọng Hướng: "Ngoài xơ dừa, còn có thể tận dụng những phần khác của quả và cây dừa như sọ dừa để làm các sản phẩm mỹ nghệ trang trí; thân dừa làm đũa, muỗng; cám dừa làm phân sinh hóa hay đất sạch để trồng rau, cây cảnh… Trên thế giới có khoảng 60 sản phẩm làm từ cây dừa, ở Việt Nam có khoảng 12 sản phẩm. Đa số là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: đũa, muỗng, hàng lưu niệm, đồ trang trí… được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng chủ yếu được sản xuất ở Bến Tre và các tỉnh phía Nam; còn ở mình thì… khó quá!"

Mấy năm nay, cây dừa TQN cũng đang đứng trước một khó khăn là nạn bọ cánh cứng đang phá hoại những vườn dừa. Được biết cơ quan Bảo vệ thực vật đã đưa ong kí sinh tiêu diệt bọ cánh cứng vào thí điểm ở xã Hoài Xuân nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Đó cũng là sự băn khoăn của người dân TQN khi nhìn thấy những ngọn dừa đang bị bọ cánh cứng ăn dần mà chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn và trang thiết bị khiến các cơ sở sản xuất thảm xơ dừa không thể mạnh dạn khai thác và cải tiến mẫu mã nên sản phẩm khó cạnh tranh. Chị Phạm Thị Hường - chủ một cơ sở sản xuất thảm xơ dừa ở TQN - cho biết: "Khó khăn nhất của chúng tôi là thiếu máy móc, công nghệ và những thông tin về nhu cầu, giá cả sản phẩm trên thị trường, nên đầu ra còn khó khăn".

Cây dừa là thế mạnh của huyện Hoài Nhơn nói chung, TQN nói riêng, nhưng từ lâu nay vẫn cứ dừng lại ở mức "tiềm năng chưa được khai thác" thì quả là đáng tiếc!

. Mai Hồng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: Khó khăn và thách thức   (11/10/2004)
Chương trình phát triển đàn bò sữa đến năm 2005: Có kịp về đích?  (11/10/2004)
Mở rộng thị trường đồ gỗ của Bình Định ngay tại TPHCM  (08/10/2004)
Tam Quan Bắc bám biển đi lên   (07/10/2004)
Có chí thì nên  (07/10/2004)
Thoát nghèo nhờ sản xuất hợp lý   (06/10/2004)
Còn lắm điều đáng lo ngại   (06/10/2004)
Bảo hiểm tàu đánh cá xa bờ - tại sao không?   (05/10/2004)
Vì sao lúa lai Nhị ưu 838 trỗ không đều?   (05/10/2004)
Để BISUCO và người trồng mía cùng có lợi   (04/10/2004)
Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư   (03/10/2004)
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)
Thị trấn Diêu Trì: Trên đường đô thị hóa   (30/09/2004)
Làng nghề sản xuất gạch ngói Hóc Bợm: Vẫn còn khó khăn về nhiều mặt   (30/09/2004)