An Lão mùa cau
15:8', 12/10/ 2004 (GMT+7)

An Lão là địa phương có diện tích cau lớn nhất tỉnh. Cau trồng trong vườn nhà, dọc các lối ngõ, cau trồng trên nương rẫy; tập trung nhiều nhất ở 2 xã vùng cao An Vinh và An Dũng. Trong 3 năm trở lại đây, giá cau ngày một tăng cao nhờ xuất khẩu được thì mùa cau ở An Lão cũng trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn.

* Buôn cau thì phải có nghề

Lao động tham gia sấy cau tại Cơ sở sấy cau của ông Lê Ngọc Châu ở Long Hòa (An Hòa)

Mùa cau ở An Lão bắt đầu khoảng tháng 8 năm trước và kéo dài cho đến tháng 2-3 năm sau. Đúng vào lúc mùa cau đang rộ, tôi ghé thăm các vườn cau và gặp nhiều người hái cau, buôn cau ở An Lão. Anh Trần Tuấn Định, một người buôn cau, cho biết: "Leo cau cũng phải có nghề. Thân cây cau nhỏ, lại cao, nếu leo không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn". Vừa nói, anh vừa sửa lại dây nài buộc vào chân và phóc lên cây cau cao ước chừng hơn chục mét. Chỉ thoáng chốc, tay anh đã bám tít trên ngọn cây cau nhỏ bé và nhẹ nhàng tách buồng cau trĩu quả rồi dùng dây thả xuống. Cứ thế, hết cây này anh lại sang cây khác. Khi đã bẻ được hơn 10 buồng cau thì chiếc áo bạc màu của anh cũng đã ướt đẫm mồ hôi, bám chặt vào đôi vai gầy. Lúc này cũng đã hơn 12 giờ trưa, anh Định tính tiền với chủ vườn và cho những buồng cau vào bao, xếp lên yên xe máy đưa đi bán.

Vào mùa cau rộ, ở An Lão có đến gần 50 người buôn cau. Theo những người buôn cau ở đây cho biết, một người buôn cau không trực tiếp trèo hái mỗi ngày mua được 70-80 kg cau, lãi được từ 25.000-30.000 đồng/ngày (đối với những người buôn cau trực tiếp trèo hái, thì tiền công cao hơn từ 15.000-20.000 đồng/ngày). Anh Trần Văn Đôn, ở xã An Tân, tâm sự: "Tôi mua cau ở ngay trên cây, tự trèo hái, một ngày mua được hơn 100 kg. Từ đầu mùa đến nay chỉ hơn một tháng, tôi đã có được 1,5 triệu đồng tiền lãi, bằng cả năm tôi làm rẫy chứ ít đâu". Anh Đinh Văn Đích, một thanh niên H'rê ở xã An Quang, khoe với chúng tôi: "Mấy năm nay nhờ đi buôn cau nên gia đình tôi có thêm thu nhập, đỡ phải túng thiếu hơn".

Thế nhưng không phải ai đi buôn cau cũng thuận buồm xuôi mái như vậy. Anh Nguyễn Tín thôn Long Hòa (An Hòa) kể với chúng tôi như mếu: "Thấy mọi người đi buôn cau có tiền, tôi xin theo. Nhưng do mới vào nghề, nhìn cau không thạo nên mấy ngày liền mua trúng cau già, bán không được, lỗ hơn 300.000 đồng. Bây giờ sợ lắm rồi, mua phải thử, nếu chẻ ra thấy cau có gân là thôi từ biệt".

Những người buôn cau, hàng ngày phải vượt qua mấy chục cây số đường rừng và len lỏi vào tận những bản làng xa xôi. Đường xa là vậy, thế nhưng không phải ai cũng có được chiếc xe máy để đi buôn, nhiều người còn phải thồ cau bằng xe đạp. Anh Thái Đăng Tuấn, thôn Xuân Phong (An Hòa), tham gia đội quân buôn cau ở đây, cho biết: Để có được một ngày công lao động 25.000-30.000 đồng không phải dễ, phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Anh giải thích: Đi đường xa vất vả, nhưng đến được vườn, mua và bẻ được 1 buồng cau không dễ chút nào. Những cây cau có trái ở An Lão phần lớn là những cây lâu năm, cao hàng chục mét. Người dám bẻ phải là người biết leo cây giỏi và có "gan". Do vậy, những người buôn cau mà tự trèo lên hái bao giờ cũng lãi gấp rưỡi so với những người khác…

* Nhộn nhịp ở lò sấy

Tại An Lão hiện nay có 5 cơ sở sấy cau, trong đó ở xã An Hòa có 4 cơ sở. Mùa cau về, tại đây không khí khá nhộn nhịp với các hoạt động thu mua, chế biến cau.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở sấy cau của chị Trần Thị Huệ ở thôn Long Hòa, trong lúc hoạt động sấy cau ở đây đang giai đoạn cao điểm, có hơn 20 người đang làm việc. Với 2 nồi luộc, hơn 20 lò sấy, một ngày cơ sở sấy cau của chị Huệ mua vào hơn 1,5 tấn cau tươi. Cánh đàn ông lo công việc sấy cau, còn phụ nữ đảm nhận việc lựa và phân loại cau sau khi sấy xong. Chị Huệ cho biết: "Quy trình sấy cau đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những quả cau khô vừa ý khách hàng. Người sấy cau đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm trong việc canh lửa. Nếu lửa lớn quá cau sẽ bị phồng, còn lửa nhỏ thì cau dễ bị mốc. Để sấy một mẻ cau phải mất ít nhất 6 ngày. Trong quá trình sấy phải đảo liên tục để cho cau khô đều và đạt chất lượng cao. Cứ 4,5kg cau tươi sau khi sấy thu được 1kg cau khô".

Sau khi chế biến, cau được chở ra đến cửa khẩu Lạng Sơn bán cho các thương lái ở đây với giá hơn 13.000 đồng/kg để xuất đi Trung Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, mặt hàng này giá cả cũng lên xuống thất thường, nên các chủ cơ sở sấy cau sau khi chế biến được khoảng 4-5 tấn cau khô là phải cùng nhau thuê xe vận chuyển đi bán ngay.

Hiện nay, với 5 cơ sở thu mua, chế biến cau trên địa bàn huyện, tính trung bình một ngày các cơ sở này thu mua hơn 7 tấn cau tươi để chế biến, giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động. Trung bình một lao động nam đảm nhận công việc sấy cau thì được trả công hơn 700.000 đồng/tháng, công lao động nữ lựa cau thì thấp hơn.

Cau được giá cộng với sự xuất hiện của các cơ sở sấy cau khô đã làm cho cây cau trở nên thân thuộc hơn với người dân An Lão...

. Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dịch vụ ATM ở Bình Định: Đã có bước phát triển đáng ghi nhận   (12/10/2004)
Cây dừa ở Tam Quan Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ   (11/10/2004)
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: Khó khăn và thách thức   (11/10/2004)
Chương trình phát triển đàn bò sữa đến năm 2005: Có kịp về đích?  (11/10/2004)
Mở rộng thị trường đồ gỗ của Bình Định ngay tại TPHCM  (08/10/2004)
Tam Quan Bắc bám biển đi lên   (07/10/2004)
Có chí thì nên  (07/10/2004)
Thoát nghèo nhờ sản xuất hợp lý   (06/10/2004)
Còn lắm điều đáng lo ngại   (06/10/2004)
Bảo hiểm tàu đánh cá xa bờ - tại sao không?   (05/10/2004)
Vì sao lúa lai Nhị ưu 838 trỗ không đều?   (05/10/2004)
Để BISUCO và người trồng mía cùng có lợi   (04/10/2004)
Vĩnh Thạnh: Chung nỗi lo an cư   (03/10/2004)
HTXNN Phú Thọ: Niềm vui và nỗi lo trên đường phát triển   (01/10/2004)
Nghề làm nhang ở Cát Tường   (01/10/2004)