Vay hơn 600 triệu đồng mua được 46 con bò sữa. Sau 3 năm, 12 con chết, 16 con thành bò thịt vì… vô sinh. 5 hộ vay vốn, chỉ 2 hộ có thu nhập từ sữa nhưng thu chỉ đủ bù chi, 3 hộ kia thì dù bán nhà cũng không đủ tiền trả nợ. Đó là chuyện buồn về một dự án nuôi bò sữa ở xã Phước An (Tuy Phước).
* Càng nuôi càng lỗ
|
Ông Cửu buồn rầu bên con bò sữa |
Đến trước cửa nhà ông Hà Văn Phước (thôn An Sơn), ông Lê Chí Đốc, chủ dự án đồng thời cũng là cán bộ phụ trách thú y của xã Phước An, dặn chúng tôi đứng đợi. "Tôi phải vào nói trước đã, không thì ổng lại tưởng các cậu là người đến đòi nợ thì…" - ông Đốc giải thích.
Ông Phước đang ở nhà. Loay hoay bên chiếc chuồng bò, thấy chúng tôi, như có dịp giải tỏa nỗi lòng, ông than thở: "Thiệt, tui đâu ngờ cơ sự như vầy. Cứ nhìn đàn bò ngày càng teo tóp đi mà tui như xát muối trong bụng. Hồi trước, trong chuồng nhà tui có bầy bò lai đẹp lắm, trong đó có 4 con giống, 4 con con. Đang làm ăn tương đối được, thì rộ lên cái vụ bò sữa này. Nghe mấy ổng tính thì coi bộ ngon ăn lắm. Một ngày một con bò cho chừng này lít sữa, giá chừng này, trừ chi phí còn chừng này. Nếu đẻ ra một con bê con thì bán được chừng này, lời chừng này. Nghe vậy ai hổng mê. Vậy là tui bán hết đàn bò lai, bỏ ra cây vàng mua mảnh đất hơn 1 sào này xây dựng chuồng trại. Rồi lại cùng lập dự án vay được hơn 200 triệu. Vậy là tay xách nách mang vô tận miền Nam mua bò giống. Đợt đầu, mua được 7 con bò đang chửa, giá cao nhưng về bò đẻ được 7 bê con, mỗi bê cái bán được 9 triệu đồng/con, trả được 46 triệu tiền vốn. Tưởng ngon ăn, lại vô ẵm tiếp 7 con nữa. Lần này thì hỏng hẳn, cả 7 con đều không sinh sản. "Họa vô đơn chí", sau đó lại có thêm 3 con bị bại liệt, 2 con mổ đẻ không qua khỏi, rồi thêm mấy con bị thải loại… Cuối cùng đàn bò của tui giờ còn đúng 3 con bò sữa và 2 con bê đực".
Chỉ cho chúng tôi 2 con bê đực con, ông Phước nói: "Đấy, hai con bê này giờ hô triệu bạc cũng hổng ai thèm mua. Bò sữa muốn làm bò thịt cũng hổng xong rồi cậu ơi!". Nhẩm đi tính lại, hiện giờ ông Phước đã lỗ khoảng 150 triệu đồng.
Không dám nuôi số lượng lớn như ông Phước, gia đình chị Trần Thị Thanh (thôn Đại Hội) chỉ dám vay 86 triệu và mua được 6 con bò. Mua 6 con, nhưng phải thải loại ra 2 con vô sinh. Nhưng may mắn hơn các hộ khác là đàn bò nhà chị Thanh sinh ra được 2 bê cái, vừa đủ bù lại. Hiện giờ, đàn bò này có 3 con đang cho sữa, một con sắp thải loại và 2 con bê. Tuy vậy, trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Cửu, cha của chị Thanh, không mấy lạc quan: "Đàn bò nhà tui so với các hộ khác thì được hơn, nhưng cũng chẳng ăn thua. Chú tính, hiện nay mỗi con bò cho ngày khoảng 10 lít sữa, bán được 30.000 đồng, nhưng chi phí mua thức ăn đã mất 26.000 đồng. Bởi vậy, đến nay tui mới trả được 3 triệu đồng chớ mấy. Và cứ cái đà này, hổng biết bao giờ gia đình tui mới có đủ tiền hoàn trả lại cho Nhà nước". "Thì những con bò kia, nay mai sinh ra bê, bác bán rồi lấy tiền trả nợ!" - tôi nói. "Chú nói nghe dễ ăn! May lắm thì mới sinh được bê cái, mà bê cái bây giờ thì biết bán cho ai. Cả cái vùng này, bò lai thì được chứ giờ mà nghe nói đến bò sữa là người ta ngán, người ta chạy rồi".
* Vì đâu nên nỗi
|
Ông Phước đang chăm sóc con bê đực |
Ông Phước, chị Thanh chỉ là 2 trong 5 hộ nằm trong dự án vay vốn nuôi bò sữa ở Phước An. Ông Đốc, chủ dự án cho biết: "Năm 2001, ngay khi có chương trình bò sữa của tỉnh, xã đã thành lập ngay Ban chỉ đạo do đích thân Chủ tịch xã làm trưởng ban, cán bộ thú y làm phó ban và thành viên gồm đủ cả 5 đoàn thể. Đồng thời, dự án vay vốn nuôi bò sữa nhanh chóng được hình thành, với 5 hộ tham gia, tổng vốn vay hơn 662 triệu đồng. Kết quả là mua được 46 con bò. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, đã có 12 con bò chết, 16 con phải loại thải vì không sinh sản được. Trừ một số bê con đã bán được, một số hộ trả được chút ít cho ngân hàng, còn hiện nay, đàn bò này chỉ còn lại 23 con, trong đó 12 con vắt sữa được, 11 con đang xin loại thải vì vô sinh. Ngoài ra, còn có 7 con bê cái nhưng không bán được vì không tìm ra người mua".
Giải thích lý do bò mua về lại không sinh sản được, ông Đốc cho rằng, số bò của dự án được mua làm 2 đợt. Đợt đầu thì còn có cán bộ kỹ thuật đi theo chọn bò, nhưng đợt 2 do người dân tự đi mua. Kinh nghiệm chọn giống bò không có, do đó, gặp phải những con bò xả. Tuy nhiên, ngay cả khi có cán bộ kỹ thuật đi cùng thì không phải chọn được bò đẹp. 6 con bò của gia đình chị Thanh cũng được mua trong đợt 1 nhưng cũng có 2 con bị thải loại.
Dồn tiền dự án vào mua bò. Mua xong, người dân cụt vốn, không có tiền đầu tư tiếp. Hệ quả là họ phải nuôi cầm chừng. Bởi vậy, càng nuôi đàn bò càng xuống. Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc nên một số bò bị bệnh, một số khác bị sẩy thai. Trong khi đó, nuôi bò sữa ngoài việc phải đảm bảo về chuồng trại, chế độ dinh dưỡng… người nuôi còn phải nắm được những kỹ thuật chăm sóc, vắt sữa, phòng dịch bệnh…
Ông Hồ Trung Sơn, Chủ tịch UBND xã Phước An: Hiện nay, xã đang đề nghị huyện tìm đầu ra để thải những con bò không thể tiếp tục phát triển được. Đồng thời, những con bò đang cho sữa thì có thể để người dân tiếp tục nuôi hoặc cho họ bán để hoàn vốn lại cho Nhà nước. Xã cũng đã đề nghị lên huyện kiến nghị lên các cơ quan chức năng cho các hộ vay vốn dự án này được giãn nợ. |
Bò bị thải loại, bò sữa thành bò thịt nhưng vẫn bán không được. Ngay cả khi bán được thì chỉ non… triệu bạc/con. "Con béo kéo con gầy", càng nuôi người dân ở đây lại càng lỗ. Vay hơn 600 triệu từ năm 2001, nhưng đến nay, sau 3 năm, các hộ này mới chỉ trả được 107 triệu đồng tiền vốn (chưa tính lãi suất 0,35%/năm). Trong 5 hộ, hiện chỉ có 2 hộ tạm gọi là có thu nhập từ sữa, nhưng thu may lắm cũng chỉ đủ bù chi, không có tiền tích lũy để trả nợ vay. 3 hộ còn lại, nói như ông Hồ Trung Sơn, Chủ tịch UBND xã Phước An, thì dù có bán nhà cũng không đủ tiền trả nợ. Trong đó, hộ ông Lê Văn Diện vay 144 triệu đồng nhưng hiện chưa trả được đồng nào.
* Thay lời kết
Phát triển chăn nuôi bò sữa là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ biết phát triển đàn bò ồ ạt, chạy theo số lượng mà không quan tâm đầy đủ từ việc chọn mua con giống, đến việc trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết khi chăn nuôi… thì không thể thành công. Chuyện buồn nêu trên là một bài học đắt giá về một dự án nuôi bò sữa nhưng chưa được chuẩn bị kỹ về chọn giống, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cho nông dân... Và điều này cũng có thể giải thích, vì sao Tuy Phước dù là một trong 4 huyện nằm trong vùng trọng điểm chương trình bò sữa của tỉnh nhưng đến nay số lượng bò sữa lại quá thấp.
Trước khi chia tay, ông Phước tâm sự: "Hồi nhỏ tới giờ, tui được dạy là phải biết hy vọng, lạc quan trước cuộc đời, cậu à! Nhưng bây giờ thì hổng biết còn đủ sức mà lạc quan nữa không. Tụi tui cũng hổng mong gì nhiều, chỉ mong được ngân hàng khoanh nợ và giãn nợ".
. Viết Thọ - Quốc Việt
|