Cuối năm 2001, UBND thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) triển khai dự án chăn nuôi bò sữa hộ gia đình. Từ nguồn vốn gần 893 triệu đồng vay của Quỹ Đầu tư - phát triển, 62 con bò sữa giống được mua về từ TP Hồ Chí Minh, với 15 hộ tham gia dự án. Hiện nay, trong khi chương trình phát triển đàn bò sữa ở một số địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn thì việc chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây được đánh giá là có hiệu quả khá.
* Vạn sự khởi đầu nan
|
Chị Nguyễn Thị Hương đang tắm cho đàn bò |
Những bước đi chập chững ban đầu của các hộ chăn nuôi bò sữa ở thị trấn Ngô Mây không phải dễ dàng, suôn sẻ, mà đầy chông gai, bất trắc. Trong năm đầu tiên, vì chưa thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương, người chăn nuôi lại chưa rành quy trình chăm sóc nên đàn bò giống mới đưa về đã trở nên èo uột, kém ăn, thường xuyên bị bệnh và chậm phát triển… Nhiều hộ chăn nuôi chán nản, bi quan, có người muốn bỏ cuộc. Nhưng bỏ là mất tất cả vì nhà đất đều đã thế chấp để vay vốn. Người lo lắng nhất là anh Lê Quang Vinh, cán bộ khuyến nông, được UBND thị trấn giao nhiệm vụ chủ dự án, lại là người nuôi nhiều nhất (vay 115 triệu đồng, mua 8 con bò). Là kỹ sư chăn nuôi với gần 20 năm kinh nghiệm, nhưng con bò sữa với anh Vinh là hoàn toàn mới. Anh nghĩ, bà con tin tưởng mình nên mới tham gia dự án, thế mà…! Không thể đánh mất uy tín cùng với tài sản "đổ" cả vào đàn bò sữa, để cứu vãn tình hình, anh Vinh đã không quản ngại khó khăn, chạy đôn chạy đáo từ Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh (TTKHKTVN) đến Trung tâm Nghiên cứu, phát triển chăn nuôi miền Trung… nhờ hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ thuật. Anh tìm đến từng hộ chăn nuôi bò sữa ở Gò Vấp, Củ Chi, Hóc Môn (TP HCM) để học tập kinh nghiệm… về truyền lại cho bà con. Bên cạnh đó, từ khâu chăm sóc thú y đến khâu dẫn tinh, phối giống, đỡ đẻ cho bò ở tất cả các hộ đều do anh đảm trách. Trong khó khăn, các hộ tham gia dự án cũng đều liên kết lại để cùng tháo gỡ. Rồi cơn bĩ cực đi qua, niềm tin được củng cố, mọi người dường như gắn bó, tin tưởng nhau hơn. Tuy không chính thức, nhưng ở đây gần như đã hình thành được "cộng đồng" chăn nuôi bò sữa để giúp nhau cùng phát triển.
* Bò sữa là… đầu cơ nghiệp
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều chủ hộ chăn nuôi bò sữa ở thị trấn Ngô Mây đều khẳng định: Ngày xưa, người ta thường nói rằng "con trâu là đầu cơ nghiệp". Nhưng với chúng tôi bây giờ, con bò sữa mới thực sự là "đầu cơ nghiệp". Họ nói lên điều ấy bằng những căn cứ xác thực, với niềm tin mãnh liệt. Từ 62 con bò giống ban đầu, đến nay đàn bò đã tăng lên 207 con, kể cả 12 con bò giống được đưa về từ chương trình phát triển đàn bò sữa của tỉnh vào giữa năm 2002. Ngoài 76 con bò giống và bê đực đã bán, hiện nay tổng đàn bò là 131 con, trong đó có 63 con đang cho sữa, bình quân 14 kg/con/ngày, cá biệt có một số con đẻ lứa thứ 2 đã cho từ 20-25 kg sữa/ngày. Có 1 hộ nuôi 15 con, 10 hộ nuôi từ 8-10 con, 4 hộ nuôi dưới 8 con. Trung bình một ngày mỗi hộ thu được khoảng 60-70 kg sữa, trừ 50% chi phí, còn lãi 80.000 - 100.000 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây:
Có thể nói rằng đến nay dự án chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở địa phương chúng tôi đã mang lại hiệu quả tốt đẹp, vượt lên trên cả sự mong muốn ban đầu. Trong số 15 hộ tham gia dự án, chỉ có 1 hộ (nuôi 2 con bò sữa) là gặp khó khăn, nhưng đến nay đã ổn định và có xu hướng phát triển. Hiện nay, UBND huyện đang xem xét dự án quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa, bò lai tập trung trên diện tích 150 ha ở phía tây thị trấn. Nếu dự án được duyệt, chắc chắn các hộ sẽ di dời chuồng trại vào khu chăn nuôi và nâng đàn. |
Nhờ chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, tất cả 15 hộ tham gia dự án đều đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang, mở rộng tổng diện tích trồng cỏ voi lên trên 5ha, mua sắm trang thiết bị phục vụ chăn nuôi… Một số hộ nghèo đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Anh Lê Xuân Trưởng ở khu phố An Bình - tâm sự: "Gia đình tôi được vay 58 triệu đồng để mua 4 con bò sữa giống, đến nay đàn bò đã tăng lên 14 con. Tôi đã bán 5 con (3 bò giống, 2 bê đực) thu trên 40 triệu đồng, 9 con bò giống còn lại hiện có giá từ 100-120 triệu đồng, chưa kể thu nhập hàng ngày từ sữa bò". Chị Nguyễn Thị Hương sau khi nghỉ bán nước mía ven đường cũng vay dự án nuôi 4 con bò sữa, nay tổng đàn tăng lên 19 con. Ngoài 4 con bê đực đã bán, 15 con bò giống chị đang nuôi có giá gần 200 triệu đồng. Người thành công nhất là anh Lê Quang Vinh. Anh vay 115 triệu mua 8 con bò giống, sau gần 3 năm đã nâng lên thành 24 con; đã bán 12 con bò giống được 170 triệu đồng và 4 con bê đực, trả hết nợ vay, còn lại đang nuôi 8 con (trị giá từ 120-140 triệu đồng) trong đó có 5 con đang cho sữa. Hiện nay anh Vinh còn là cán bộ kỹ thuật của tổ chăn nuôi bò sữa thuộc TTKHKTVN tỉnh. Trong tổng số 10 nông dân Bình Định được đi tham quan học tập chăn nuôi bò sữa ở Thái Lan vừa qua, thị trấn Ngô Mây có 2 người, trong đó có anh Vinh.
* Dự kiến tương lai
Theo các chủ hộ chăn nuôi bò sữa ở thị trấn Ngô Mây, việc chăn nuôi bò sữa rất vất vả, nhưng nếu kiên trì khắc phục khó khăn để "đi đúng đường" thì sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài sự giúp đỡ tận tình của TTKHKTVN tỉnh, họ đã đi tham quan học tập ở nhiều nơi, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh…, rồi về thực nghiệm ngay ở chuồng bò nhà mình, nên rút ra được những kinh nghiệm quý báu, là tiền đề quan trọng của quá trình chăn nuôi bò sữa có hiệu quả. Nói về nguyên nhân thành công, anh Lê Quang Vinh cho rằng, trước hết là phải chọn con giống thật kỹ (trong số 62 con bò giống ban đầu ở đây, chỉ có 1 con vô sinh). Tất cả các khâu chăm sóc (thức ăn, thú y, vắt sữa, dẫn tinh, phối giống, vệ sinh cho bò, chuồng trại…) đều phải được thực hiện chu đáo, nghiêm ngặt theo đúng quy trình kỹ thuật. Điều quan trọng nhất thuộc về từng hộ chăn nuôi với sự lao động miệt mài, sẵn sàng chịu khó chịu khổ, kiên trì, bền bỉ…
Trong thời gian đến, nếu huyện Phù Cát quy hoạch khu chăn nuôi tập trung thì tất cả 15 hộ trong dự án đều xin vào để có điều kiện mở rộng chuồng trại, tăng diện tích trồng cỏ, nhằm nâng đàn, phát triển chăn nuôi và sẽ hình thành hợp tác xã chăn nuôi bò sữa. Bước đầu, HTX sẽ làm đại lý (cấp 1) thức ăn tinh, xây dựng cơ sở chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp cung cấp cho các hộ chăn nuôi, giúp các hộ tiêu thụ sản phẩm… tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tập trung được thời gian và công sức vào việc chăn nuôi có hiệu quả hơn.
. Bùi Lợi
|