Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm
16:26', 14/10/ 2004 (GMT+7)

Chuyện nuôi tôm thất bại không còn chuyện lạ trong mấy năm gần đây. Nhưng hiếm có nơi nào như ở thôn Huỳnh Giảng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước: Hơn 300 hộ gia đình nuôi tôm đang phải gánh trên mình số nợ trên 20 tỉ đồng. Nợ nần, túng quẫn đã đẩy người dân ở đây lâm vào tình trạng khốn đốn chưa từng có.

* Từ "trúng đậm"

Bờ tôm sạt lở cũng bỏ mặc

Nghề nuôi tôm ở Huỳnh Giảng chính thức được đánh thức từ năm 1999, khi xã, huyện có chủ trương thử nghiệm cải tạo chuyển 60 ha mặt nước bỏ hoang sang nuôi tôm. Mặc dù là nuôi quảng canh nhưng so với làm lúa thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Những năm sau đó, 50 ha, rồi 63 ha lúa bấp bênh nhiễm mặn nhanh chóng được người dân hưởng ứng chuyển đổi.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2000 nghề nuôi tôm sú ở địa phương mới thật sự để lại dấu ấn. Được sự "tiếp sức" của cơ quan có chức năng, các hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật mới: Từ nuôi quảng canh tiến lên nuôi quảng canh cải tiến và nuôi bán thâm canh. Cùng với một năm thời tiết diễn biến hết sức thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào… tất cả đã hội đủ điều kiện để đẩy năng suất tôm lần đầu tiên lên tới "ngưỡng" bình quân từ 2-3 tấn/ha, cao hơn gấp 3 lần so với trước, mỗi ha lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Lập tức đời sống của người dân ở "ốc đảo" này quay ngoắt: Trên 90% nhà tranh vách đất được ngói hóa; các phương tiện nghe nhìn ùn ùn đổ về; quán xá dịch vụ ăn uống mọc lên…

Việc vay vốn của bà con Huỳnh Giảng lúc bấy giờ để tái đầu tư cho vụ sản xuất "dễ như trở bàn tay", các tổ chức tín dụng tranh nhau chào mời, ngay cả Ngân hàng Công thương - một đối tác trái ngành trái nghề cũng nhập cuộc (do đó mà hiện nay trong số danh sách nợ đọng của thôn có tên Ngân hàng này)…

* Đến "bể đậm"

Đơn xin khoanh - dãn nợ chất đống ở nhà thôn trưởng

Thế nhưng đến vụ tôm đầu của năm 2001, thời tiết trở nên nắng nóng khắc nghiệt - do ảnh hưởng hiện tượng Enino, khiến cho môi trường nuôi biến đổi mạnh theo hướng bất lợi. Lần đầu tiên ở đây dịch bệnh tôm đã xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại trên 90% hồ nuôi. Kết hợp giá tôm trên thị trường rớt mạnh từ 120.000 đồng/kg (loại 40 con) xuống còn 60.000-70.000 đồng/kg cùng loại, càng khiến cho các hộ gia đình nuôi tôm rơi vào tình cảnh khó khăn.

Sau thất bại, được sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, bà con đã vào vụ 2 với quyết tâm cao hơn: Tăng cường vay vốn của ngân hàng để đầu tư mua sắm trang thiết bị (máy sục khí, máy bơm nước), cải tạo lại ao hồ, cho tôm ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, xử lý môi trường nước bằng hóa chất và các chế phẩm sinh học. Sai lầm bắt đầu từ đây (và đó cũng là sai lầm chung cho nhiều vùng nuôi tôm hiện nay), bởi khuyến cáo nuôi theo quy trình công nghiệp là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng đã không tính đến hiện trạng điều kiện cơ sở hạ tầng của vùng nuôi. Đó là diện tích nuôi tôm xé lẻ, manh mún; bờ nuôi giữa các hồ không được đắp kiên cố gây rò rỉ lẫn nhau… Đặc biệt là địa hình của thôn lại nằm ở cuối nguồn của 2 nhánh sông đổ về hợp lưu trước khi chảy ra đầm Thị Nại, nên bao nhiêu chất thải từ trên thượng nguồn đều dồn về đây như một cái túi đựng khổng lồ (nhưng lại là nguồn nước chính để nuôi tôm mà không hề được xử lý)…

Thế là, cái gì đến sẽ đến: Lần này, trên 95% hồ tôm bị dịch, mặc dù chi phí tăng lên so với các vụ trước gấp 3 lần. Tôm nuôi chỉ được 30-40 ngày chưa kịp lớn là bị bệnh đâm đầu vào bờ chết như ngả rạ. Càng thất bại càng muốn gỡ gạc. Chỉ cần một vụ thành công là đủ để trang trải nợ nần…, nên niềm hy vọng của người nuôi tôm cứ thế lóe lên. Đầu tiên là sổ đỏ mặt nước, sau đó là thế chấp nhà cửa, tiện nghi trong gia đình của mình. Tiếp theo là sổ đỏ đất ở, ruộng giao quyền của người thân ở địa phương khác. Cuối cùng là vay nóng bên ngoài, chấp nhận với lãi suất 3-6% tháng. Tài sản, vốn liếng, nợ vay theo đó cứ thế "đội nón" ra đi cùng với 8 vụ tôm liên tiếp đại bại, kể từ năm 2001 đến nay.

* Nợ chồng lên nợ

Cho đến thời điểm chúng tôi về Huỳnh Giảng, tổng số nợ quá hạn mà người nuôi tôm ở đây phải gồng mình chịu đựng đã lên tới gần 23 tỉ đồng. Trong đó nợ từ các nguồn vốn vay của các ngân hàng, Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ tín dụng nhân dân và của UBND xã gần 20 tỉ đồng (chưa tính lãi). Trưởng thôn Võ Hữu Quế lôi ra trước mặt chúng tôi một đống đơn xin khoanh, giãn nợ của bà con rồi bảo: "Bấy nhiêu lá đơn là bấy nhiêu con nợ. Xin đơn cử vài hộ: Ông Đồng Minh Tịnh nuôi 27.000 m2 nợ 250 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Thải 21.000 m2/245 triệu đồng; ông Phan Trần Phú 33.000 m2/222 triệu đồng…". Nhưng đó là nợ công khai chính thức, còn nợ của các đại lý bán thức ăn công nghiệp, vay mượn của người thân, bạn bè, vay nóng bên ngoài thì chưa tính đến.

Khó khăn quá hóa liều. Cứu cánh của họ bây giờ là cánh rừng dương phòng hộ ven biển (trong "đội quân" phá rừng hiện có tại địa phương, những người nuôi tôm chiếm tới một nửa), rồi tham gia xung điện, xiết máy trên đầm Thị Nại. Hộ gia đình còn chút lòng tự trọng thì bươn chải kiếm việc làm ở nơi khác. Hộ thì "liều mạng" nuôi theo kiểu… không có vốn: Cải tạo hồ qua loa, thậm chí khỏi cần; nghe ngóng nơi nào có bán tôm chịu là tìm đến (mà mua chịu thì không có quyền chọn lựa); còn thức ăn thì đã có cá tạp - loại cá lâu nay bán rẻ như bèo để cho heo ăn…, nên càng nuôi, tôm càng bị dịch chết.

Chủ tịch UNBD xã Phước Hòa Nguyễn Ngọc Xuân cho biết: "2 năm trở lại đây đã thành thông lệ, cứ đến cuối năm là xã đề xuất lên trên cứu đói cho gần một nửa số dân của thôn Huỳnh Giảng. Còn năm nay do ảnh hưởng cơn bão số 2, đời sống của người dân càng khó khăn hơn nên chỉ mới cuối tháng 9, địa phương đã phải làm tờ trình đề nghị xin cứu trợ khẩn cấp cho 334 hộ gia đình (1.669 nhân khẩu). Chuyện thiếu đói, nợ nần và chuyện nuôi tôm thất bại nhiều năm liền ở đây xã biết, huyện biết và cả tỉnh, Trung ương cũng đã biết. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có hướng tháo gỡ."

. Hưng Thịnh

                       

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)
Nước mắm Bình Định: Để phát triển ổn định và vươn xa   (13/10/2004)
Người dân Phước An dở khóc dở mếu vì bò sữa   (13/10/2004)
An Lão mùa cau  (12/10/2004)
Dịch vụ ATM ở Bình Định: Đã có bước phát triển đáng ghi nhận   (12/10/2004)
Cây dừa ở Tam Quan Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ   (11/10/2004)
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: Khó khăn và thách thức   (11/10/2004)
Chương trình phát triển đàn bò sữa đến năm 2005: Có kịp về đích?  (11/10/2004)
Mở rộng thị trường đồ gỗ của Bình Định ngay tại TPHCM  (08/10/2004)
Tam Quan Bắc bám biển đi lên   (07/10/2004)
Có chí thì nên  (07/10/2004)
Thoát nghèo nhờ sản xuất hợp lý   (06/10/2004)
Còn lắm điều đáng lo ngại   (06/10/2004)
Bảo hiểm tàu đánh cá xa bờ - tại sao không?   (05/10/2004)
Vì sao lúa lai Nhị ưu 838 trỗ không đều?   (05/10/2004)