Các ngành nghề CN-TTCN huyện Phù Mỹ hiện nay tuy chưa phát triển như mong muốn nhưng có những chuyển biến khá tích cực. Một số cơ sở sản xuất đã đầu tư thêm vốn, đổi mới trang thiết bị, cải tiến công nghệ, bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
|
Công nhân Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Biffa đang đóng bao thành phẩm phân bón NPK |
Nhất là trong các hoạt động xay xát gạo, sản xuất đường thủ công, chế biến nước mắm, dầu thực vật, cá cơm, ruốc khô… Trong đó, có một số mặt hàng được xuất khẩu như hải sản khô, nhân hạt điều… Mặt khác, nhiều sản phẩm dân dụng như: mộc gia dụng, đan lát, nhựa tái sinh, lưới trủ, cửa sắt… tiếp tục phát triển ổn định. Một số làng nghề truyền thống sản xuất sợi tại Mỹ Phong và Bình Dương có nhiều đổi mới và phát triển. Ngoài sản phẩm dây tổng hợp nhựa tái sinh trước đây, hiện nay một số cơ sở đã chuyển sang sản xuất dây neo tàu cá chất lượng cao. Đây là một trong những làng nghề quan trọng trong cơ cấu CN-TTCN của địa phương. Một thế mạnh khác, hầu hết các doanh nghiệp, công ty cổ phần của tỉnh đóng trên địa bàn huyện như Xí nghiệp dầu thực vật, Xí nghiệp muối Iốt, Công ty vật liệu gạch ngói Mỹ Quang, Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp BiFFa… đã từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị, tạo ra sản phẩm ngày càng có chất lượng, tiếp tục mở rộng thị trường, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện trong 3 năm qua (2001-2003) đạt trên 121 tỉ đồng. Trong đó năm 2001 đạt 36,26 tỉ đồng; năm 2002 đạt 39,885 tỉ đồng, năm 2003 đạt 45,256 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13,14%. Các ngành nghề có mức tăng trưởng khá là chế biến lương thực, thực phẩm; cơ khí; đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và một số ngành nghề truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn Phù Mỹ có 1.230 cơ sở sản xuất CN-TTCN, tăng 130 cơ sở so năm 2000, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 2.300 lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của huyện Phù Mỹ còn chậm, quy mô đầu tư hạn chế, phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ bé, máy móc, thiết bị lạc hậu, thu hút lao động chưa nhiều… Việc quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm TTCN tập trung còn nhiều bất cập; nhiều loại sản phẩm hàng hóa còn kém sức cạnh tranh.
Từ nay đến năm 2005, huyện Phù Mỹ phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng CN-TTCN lên 14% trong năm 2004; lên 19,5% trong năm 2005. Ngoài nhà máy may và nhà máy chế biến tinh bột mì xuất khẩu được đặt trên địa bàn huyện, kinh phí đầu tư lớn từ nhiều phía, đã và đang thi công sẽ thu hút hàng trăm lao động, còn có các cụm CN-TTCN đa ngành nghề đang được quy hoạch xây dựng. Ở thị trấn Bình Dương, đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, cụm CN-TTCN có diện tích gần 34ha, nhằm tập trung duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, tìm hướng đi cho các làng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Mỹ An đang được triển khai. Huyện cũng đã quy hoạch cụm CN-TTCN đa ngành nghề tại Diêm Tiêu - thị trấn Phù Mỹ, có diện tích 15ha, nhằm di dời, sắp xếp lại cơ sở sản xuất trong thị trấn, nhất là các cơ sở sản xuất phân bón, chế biến dầu thực vật, thức ăn gia súc. Trong kế hoạch phát triển của huyện, còn có cụm CN-TTCN Gò Mang, xã Mỹ Thọ, diện tích khoảng 10ha, góp phần phát triển sản xuất TTCN của khu vực phía đông huyện, chủ yếu là chế biến hải sản tập trung. Cụm CN-TTCN đa nghề xã Mỹ Chánh, có diện tích khoảng 10ha, chế biến nông sản, chủ yếu như ớt, nghệ, cơm dừa, đậu phụng. Cụm CN-TTCN đa nghề thôn Đại Bình - xã Mỹ Hiệp, diện tích khoảng 12ha, tập trung sản xuất gạch, cơ khí, dệt chiếu… Đồng thời, huyện còn tiến hành khôi phục một số làng nghề truyền thống phân bổ rải rác ở các địa phương như sản xuất gốm sứ ở Vĩnh Lý - xã Mỹ Tài; đan đát thủ công ở Chánh Khoan - xã Mỹ Lợi; sản xuất chiếu cói, đan lát ở thôn 10, thôn 11 - xã Mỹ Thắng…
Nếu việc xây dựng các cụm CN-TTCN nói trên được nhanh chóng triển khai có hiệu quả, có thể tin rằng sản xuất CN-TTCN và ngành nghề truyền thống ở Phù Mỹ đã hé mở một lối ra.
. Xuân Lộc
|