Thời gian qua, các cơ sở sản xuất, chế biến song mây xuất khẩu (SMXK) ở Bình Định đã có bước phát triển tương đối khá, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Song vì nhiều lý do, ngành hàng này chưa ổn định và còn nhiều hạn chế.
* Thực trạng
|
Một số sản phẩm song mây của HTX Song mây xuất khẩu Bình Minh |
Chế biến SMXK là một bộ phận của ngành chế biến lâm sản ở Bình Định. Hiện nay, trên địa bàn Bình Định có 4 doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm SMXK gồm: HTX Bình Minh, HTX Mỹ Nghệ, Công ty TNHH Minh Phát, DNTN Thành Đồng và một số cơ sở có quy mô nhỏ nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 0,5 triệu USD; góp phần giải quyết việc làm một lực lượng lao động khá lớn. Về nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho chế biến, hàng năm các cơ sở chế biến SMXK của tỉnh đã thu mua khoảng 400 tấn nguyên liệu, trong đó thu mua trong tỉnh 260 tấn, ngoài tỉnh 140 tấn. Về thị trường tiêu thụ, các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước EU. Sản phẩm SMXK của Bình Định có chất lượng tốt, được khách hàng nước ngoài ưa chuộng và đánh giá cao.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành và áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN trong đó có các cơ sở chế biến SMXK, như cho thuê mặt bằng xây dựng cơ sở chế biến, hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển hàng xuất khẩu, thưởng xuất khẩu, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm, cung cấp các thông tin liên quan về chủ trương, phương hướng phát triển ngành hàng. Nhưng nhìn chung, các cơ sở chế biến SMXK phát triển thiếu ổn định; công nghệ thiết bị chậm đổi mới; quy mô nhà xưởng, cơ sở sản xuất còn đơn sơ; thiếu nguyên liệu, thiếu vốn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao.
Theo phản ảnh của các cơ sở sản xuất, hiện nay các cơ sở đang gặp nhiều khó khăn trong khai thác và thu mua nguyên liệu song mây. Tuy nhu cầu không lớn, khoảng 400 tấn/năm nhưng do tỉnh chưa có quy hoạch khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng mới; việc khai thác còn nhiều lãng phí, nên nguồn song mây trong tỉnh ngày càng bị cạn kiệt, việc khai thác ngày càng khó khăn. Các khoản chi phí: vận chuyển, đóng góp các khoản lệ phí cho địa phương, thuế tài nguyên và các khoản phụ phí khác… ngày càng tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng cao. Để đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến, hàng năm các cơ sở phải thu mua ngoài tỉnh với số lượng khoảng 140 tấn. Nhưng trong thời gian gần đây, do Nhà nước có chủ trương xuất khẩu mây đã qua 6 công đoạn sơ chế (róc vỏ, trẩy mắt, uốn thẳng, luộc, bó…) nên các thương lái đã tập trung mua và xuất khẩu mây với số lượng lớn. Vì yêu cầu tiêu chuẩn không cao, việc thanh toán nhanh chóng, nên các chủ khai thác và thu gom mây đều tập trung bán mây cho khách hàng Trung Quốc. Trong khi đó, các cơ sở chế biến SMXK trong nước tổ chức thu mua song mây với yêu cầu chất lượng khá nghiêm ngặt, nên khó tranh mua. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ, đầu tư thiết bị chế biến tiên tiến, sản xuất các sản phẩm song mây chất lượng cao theo yêu cầu của khách hàng (sản phẩm song mây kết hợp với kim loại, da và các loại chất liệu khác…) còn nhiều hạn chế.
Do thiếu vốn, lại tổ chức sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, mang tính đơn lẻ, thiếu sự kết hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất ở Bình Định đều không đáp ứng yêu cầu của nhiều khách hàng nước ngoài đến Bình Định khảo sát, đặt vấn đề đầu tư chế biến song mây quy mô lớn nên họ đã chuyển sang đầu tư ở các tỉnh khác.
* Một số giải pháp
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh sản xuất SMXK ở Bình Định trong thời gian tới, trước mắt, Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc xuất khẩu mây qua 6 công đoạn chế biến như cách làm hiện nay; vì thực chất đây là xuất khẩu nguyên liệu thô, sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt tài nguyên. Về lâu dài, tỉnh cần có quy hoạch và lồng ghép với các chương trình phát triển lâm nghiệp ngắn và dài hạn để có kế hoạch xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và trồng bổ sung song mây dưới tán rừng, bố trí kinh phí khuyến lâm xây dựng các mô hình trồng mây. Đưa cây mây trồng xen trong kinh tế vườn, làm hàng rào trong các trang trại trồng trọt, trại rừng để tận dụng được quỹ đất, tăng nguồn thu nhập cho hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, các chủ trang trại và người làm kinh tế vườn. Nhà nước cần bổ sung chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến SMXK xây dựng dự án đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đồng thời hỗ trợ đào tạo công nhân, vay tín dụng ưu đãi, để các cơ sở có điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh tốt hơn.
. Lê Văn Thi |