Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ
16:33', 20/10/ 2004 (GMT+7)

Người dân ở xã Phước Mỹ (Tuy Phước) đang hết sức lo lắng vì nạn ô nhiễm môi trường do Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Duyên Hải 2 gây ra.

Khói từ Nhà máy chế biến gỗ Duyên Hải 2 gây ô nhiễm môi trường

Bà Huỳnh Thị Hường (ở xóm 5, thôn Thanh Long) cho biết: "Cuối năm 2003 nhà máy chế biến gỗ đi vào hoạt động, bà con chúng tôi phải hứng chịu ngay hậu quả của sự ô nhiễm môi trường, nhất là khi nhà máy bắc ống nước thải cho chảy ra con mương thoát nước mưa. Hàng ngày, nước thải đen thui, thối không thể chịu được cứ vậy mà chảy. Giếng nước ở đây đều đã bị ô nhiễm hết. Cả hệ thống thủy lợi cũng bị ô nhiễm nữa". Cơn bão số 2 vào ngày 12-6-2004 làm sập tường bao của Công ty TNHH Duyên Hải 2, "nhờ vậy" nước thải càng tuôn mạnh ra ngoài làm sập nhà bà Phạm Thị Thuận, làm ngập nhà của các hộ Nguyễn Tấn An, Huỳnh Thị Hường, Phạm Văn Minh, Nguyễn Đăng Dung, trôi mất một số vật dụng gia đình; một số gia súc, gia cầm bị chết do uống phải nước thải của nhà máy. Ông Trần Hữu Y, cán bộ UBND xã Phước Mỹ, cho biết: "Xã đã đề nghị Ban quản lý Khu công nghiệp xem xét, cấp đất xây nhà cho bà Thuận có chỗ ở vì hiện nay bà Thuận sống tá túc ở nhà người bà con. Còn nạn ô nhiễm thì quả đúng như bà con phản ảnh".

Bà Huỳnh Thị Hường bên miệng cống nước thải đen ngòm do Nhà máy chế biến gỗ Duyên Hải 2 thải ra môi trường

Nếu chứng kiến trực tiếp mới thấy hết bầu không khí ở thôn Thanh Long ô nhiễm rất nặng nề. Các ống khói nhà máy tuôn bụi đen ngòm lên bầu trời, phát tán trong không gian rộng lớn bay vào nhà dân, công sở, trường học, cách nhà máy vài trăm mét vẫn có cảm giác khó thở. Ông Lê Xuân Văn, Phó chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết: "Tình trạng này cử tri của xã đã có kiến nghị, chúng tôi đã phản ảnh cho Ban quản lý Khu công nghiệp nhưng chưa thấy trả lời. Cần có giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường, chứ để thế này dân khổ lắm. Ngồi làm việc tại trụ sở UBND xã, hít phải khói thải có mùi khét lẹt của nhà máy, ngay cả tôi cũng bị nghẹt mũi liên tục, mà đó là nhà máy chưa hoạt động hết công suất đấy!".

Thiết nghĩ, nếu nay mai cả Khu công nghiệp Long Mỹ lấp đầy, nhiều nhà máy mọc lên thì khói bụi lại càng nhiều. Trong khi đó, chung quanh Phước Mỹ là núi, vì thế khói bay lên rồi bay xuống mù mịt, nhân dân ở đây bị bệnh về đường hô hấp nặng. Ngoài khói, nhiều bà con ở đây phản ảnh còn có cả bụi mùn cưa từ nhà máy lâu lâu bay ra, "ghé thăm" từng nhà, bám cả lên tường, quần áo, thức ăn. Đó là chưa kể tiếng động cơ từ nhà máy ầm ầm suốt đêm ngày...

Có nhà máy công nghiệp ở Phước Mỹ không phải người dân không vui mừng, vì con em họ vào làm việc ở nhà máy, thu nhập khá, đảm bảo cho cuộc sống hơn. Nhưng họ đề nghị phải có sự đảm bảo về môi trường, chứ để môi trường bị phá vỡ thì thật tệ hại. Vì thế rất mong ngành chức năng sớm kiểm tra chấn chỉnh kịp thời. Tốt nhất là di dời 5 hộ dân sát nhà máy của Công ty TNHH Duyên Hải 2 định cư nơi khác, đồng thời quy định thời gian hoạt động vào ban đêm của công ty để nhân dân được nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả, có vậy người dân Phước Mỹ mới yên tâm hơn.

. Triều Châu

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)
Nước mắm Bình Định: Để phát triển ổn định và vươn xa   (13/10/2004)
Người dân Phước An dở khóc dở mếu vì bò sữa   (13/10/2004)
An Lão mùa cau  (12/10/2004)
Dịch vụ ATM ở Bình Định: Đã có bước phát triển đáng ghi nhận   (12/10/2004)
Cây dừa ở Tam Quan Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ   (11/10/2004)
Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực: Khó khăn và thách thức   (11/10/2004)
Chương trình phát triển đàn bò sữa đến năm 2005: Có kịp về đích?  (18/10/2004)