Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú
10:42', 22/10/ 2004 (GMT+7)

Với TP Quy Nhơn và một số địa phương lân cận, đầm Thị Nại là "lá phổi xanh" điều hòa "nhịp thở môi trường". Với hàng nghìn cư dân ven đầm, Thị Nại là chiếc nôi của sự sống, mang lại cho họ nguồn lợi thủy sản phong phú, dồi dào… Thế nhưng hiện nay, hệ sinh thái đầm Thị Nại đã dần suy kiệt!

* Giữ cho hôm nay và mai sau

Nghề chồ rớ trên đầm Thị Nại (Quy Nhơn)

Đầm Thị Nại là đầm nước lợ - mặn nhiệt đới, có diện tích 5.060 ha, trải dài từ đông bắc TP Quy Nhơn đến phía đông huyện Phù Cát; từng được mệnh danh là vườn ươm các giống loài thủy sản quý. Mấy chục năm nay, Thị Nại đã oằn mình gánh chịu sự đối xử bất công của con người, khi những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn bị tàn phá để nuôi tôm; khi các giống loài thủy sản ở đây luôn bị khai thác bằng những phương tiện mang tính tận diệt…. Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, so với 10 - 15 năm trước, năng suất khai thác tự nhiên trong đầm ngày càng giảm sút. Cụ thể, năng suất tôm giảm trên 65%; cá giảm 47%; nhuyễn thể giảm 67%; ghẹ - cua giảm 25%… Trước tình hình này, nhằm góp phần "tái sinh" đầm Thị Nại, nhiều biện pháp khả thi đã và đang được thực hiện.

Từ năm 1997 đến nay, vào ngày 1-4 hàng năm, Sở Thủy sản và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) đã thả xuống đầm khoảng 70-80 vạn tôm giống các loại. Việc làm này không chỉ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, mà còn mang ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn, để cộng đồng cư dân ven đầm, cụ thể là bà con ngư dân, ý thức được rằng không phải chỉ có khai thác mà còn cần phải tái tạo nguồn lợi. Trước đây, rừng ngập mặn ở khu vực đầm Thị Nại có đến 1.000 ha; thế mà bây giờ chỉ còn vài chục ha phân tán, nhỏ lẻ. Ở Cồn Chim (thuộc xã Phước Sơn - Tuy Phước) - nơi tập trung diện tích lớn rừng ngập mặn - giờ chỉ còn sót lại những hàng đước lưa thưa không đủ che bóng mát, thay vào đó là những bờ tôm chạy dài ngút mắt. Theo thống kê, ở đầm Thị Nại hiện có trên 1.700 ha diện tích mặt nước nuôi tôm, trong khi hệ số bền vững là 1/5 so với tổng diện tích của đầm. Chỉ riêng việc nuôi tôm đã gây quá tải sinh học cho đầm, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước, nên con tôm nuôi bị dịch bệnh thường xuyên là hậu quả đương nhiên.

Vài năm nay, để có thể triển khai thực hiện dự án "Phục hồi hệ sinh thái và sử dụng, khai thác hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại", Sở Thủy sản đã tiến hành nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học; khảo nghiệm trồng rừng ngập mặn (đã trồng được 12 ha), xây dựng ao nuôi đa dạng sinh học (9 ha) kết hợp giữa trồng rừng ngập mặn, nuôi tôm, hàu, vẹm xanh, cá chua… Ngoài ra, Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia cũng đang thử nghiệm nuôi cá điêu hồng nước lợ; Cục Tài nguyên - Môi trường đang thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái (tôm - rừng) trên diện tích 8 ha ở khu vực Cồn Chim. Nếu các mô hình này thành công, sẽ được nhân rộng trên đầm Thị Nại và các đầm Châu Trúc, Đề Gi….

Điều đáng nói là tệ nạn dùng xung điện, xiếc máy (XĐXM) để khai thác thủy sản trái phép trên đầm luôn là vấn đề đáng quan ngại. Tháng 3-2003, Chi cục BVNLTS đã phối hợp cùng UBND huyện Tuy Phước thành lập đội phòng chống XĐXM trên đầm Thị Nại, kết hợp công tác tuyên truyền, vận động với việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tuy việc phòng chống chỉ là giải pháp tình thế, song hiệu quả mang lại rất tích cực. Nếu như trước đây, các nghề khai thác thủy sản truyền thống trong đầm hầu như lụi tàn, thì nay đã phục hồi và phát triển. Mỗi ngày hành nghề, bà con làm nghề chồ rớ, lưới gõ… có thể kiếm được từ 50.000 - 70.000 đồng đến 100.000 đồng; từ đó tạo được niềm tin, góp phần xây dựng ý thức BVNLTS trong cộng đồng cư dân ven đầm.

* Những "chiến sĩ" thầm lặng

Qua 7 tháng hoạt động, tính đến nay, đội phòng chống XĐXM đã bắt giữ và xử lý 122 trường hợp sử dụng XĐXM để khai thác thủy sản. Tịch thu tang vật: 1 ghe máy, 96 lưới xiếc, 58 sõng nhỏ, 42 bình ắc quy, 55 bộ kích điện; phạt tiền 12 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt 22 triệu đồng.

Ở giữa đầm Thị Nại mênh mông, nổi lên một gò đất nhỏ với khu nhà đã xuống cấp trầm trọng, vốn là "đại bản doanh" của Xí nghiệp Nuôi tôm quốc doanh trước đây, nay đã giải thể. Ở đó, có 19 cán bộ, công nhân thuộc Ban Quản lý khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại và 8 thành viên của đội phòng chống XĐXM đang thực thi "sứ mệnh" phục hồi hệ sinh thái đầm Thị Nại. Nếu đội phòng chống XĐXM thầm lặng làm công việc BVNLTS trong đầm thì những cán bộ, công nhân của khu sinh thái lại âm thầm tái tạo, khôi phục tiềm năng về nhiều mặt của đầm Thị Nại. Họ trồng rừng ngập mặn, chăm sóc, bảo vệ các công trình thực nghiệm và làm công tác truyền thông về dự án đối với cư dân trong vùng… Với lực lượng phòng chống XĐXM thì có sự vất vả khác, khi phải thường xuyên va chạm với các đối tượng hành nghề XĐXM trên đầm. Nguyễn Quốc Hưng - một thanh niên xung kích, thành viên của đội - tâm sự: "Tôi là bộ đội phục viên, được địa phương giới thiệu tham gia đội phòng chống XĐXM. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng rất mệt về tâm lý khi thi hành nhiệm vụ. Một số đối tượng XĐXM đã bắn tin hăm dọa, nhưng tôi không lo, vì mình làm việc đúng, được nhà nước bảo vệ…". Với các thành viên là công an, cán bộ BVNLTS, họ vừa phải lo nhiệm vụ chính ở cơ quan, vừa lo công tác kiểm tra, kiểm soát trên đầm, nên công việc đôi khi cũng quá tải. Các thành viên của đội đều cho rằng, hoạt động của đội rất hiệu quả, nhưng chỉ có "chống" thì chưa đủ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, cần phải đưa ra các cuộc họp dân ở thôn xóm để kiểm điểm, nhắc nhở các đối tượng vi phạm thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

Tình cờ, ở Cồn Chim, chúng tôi gặp kỹ sư Trần Văn Lang - Chủ tịch Hiệp hội nghề cá tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông rất tâm huyết với ngành, với sự sống còn của đầm Thị Nại. Ông tâm sự: "Khôi phục, phát triển hệ sinh thái đầm Thị Nại là việc làm cần thiết, vì lợi ích chung của cộng đồng. Điều quan trọng là phải làm cho người dân ven đầm hiểu rõ và ý thức được mục đích tốt đẹp của dự án, để họ đồng tình ủng hộ…".

Vâng, vì lợi ích bền vững của cộng đồng, phải "thân thiện" với môi trường là điều hết sức đúng đắn. Song, bên cạnh công tác "xây" và "chống" của ngành Thủy sản, còn cần phải có sự nhất trí cao của chính quyền các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, với những biện pháp vừa khoa học, vừa hợp tình, hợp lý, thì việc phục hồi hệ sinh thái đầm Thị Nại mới có thể đạt kết quả như mong muốn.

. Bùi Lợi

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)
Nước mắm Bình Định: Để phát triển ổn định và vươn xa   (13/10/2004)
Người dân Phước An dở khóc dở mếu vì bò sữa   (13/10/2004)
An Lão mùa cau  (12/10/2004)
Dịch vụ ATM ở Bình Định: Đã có bước phát triển đáng ghi nhận   (12/10/2004)