Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính
15:13', 24/10/ 2004 (GMT+7)

Thủy lợi phí (TLP) là nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi. Quy định là vậy nhưng hiện nay, việc chiếm dụng TLP của các tổ chức và cá nhân ở Bình Định đã trở thành một căn bệnh mãn tính.

* Nợ mãn tính

Việc thu TLP bằng thóc khiến cho những hộ gia đình gương mẫu nộp trước thường phải chịu... thua thiệt do giá thóc trên thị trường thường xuyên biến động; còn chính quyền thì mất thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với thị trường (có khi 1 vụ, UBND tỉnh phải thay đổi đến 3 lần giá). Từ chỗ sốt sắng nộp TLP, các hộ gia đình nhìn ngó nhau chờ đợi, vụ này kéo sang vụ sau… và từ đó mà sinh ra tiêu cực: chiếm dụng TLP triền miên.

Một kênh mương cung cấp nước tưới ở An Nhơn

Để tháo gỡ, Chính phủ đã có chủ trương chuyển sang thu bằng tiền và cách thu này đã mang lại nhiều khả quan. Ở Bình Định, kể từ khi áp dụng mô hình thu bằng tiền, tình hình TLP nợ đọng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, người sử dụng nước vẫn còn có thói quen nghe ngóng, biết đâu giá thóc trên thị trường bán ra lại nhích lên (đặc biệt là năm nay, giá cả vật tư phân bón lại leo thang, nhiều hộ nông dân thu hoạch xong không đủ để bù chi), nên tình trạng nợ đọng TLP vẫn còn tồn tại. Đến thời điểm này, nợ đọng TLP của Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định là 7 tỉ đồng (chưa kể khoản nợ từ năm 2000 trở về trước). Mấu chốt là ở chỗ, ông Trần Châu, giám đốc công ty, phân tích: "Công ty không thể ký hợp đồng cung ứng nước trực tiếp đến hộ dân mà phải ký qua khâu trung gian là các HTXNN, sau đó HTX ký lại với hộ xã viên. Nếu có tranh chấp hợp đồng dân sự (hộ gia đình chiếm dụng TLP - vi phạm hợp đồng), thì chỉ có HTX mới có quyền khởi kiện hộ gia đình ra tòa. Trong khi đó, phần được hưởng của các HTX chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong trong khoản TLP phải thu, nên việc HTX kiện xã viên rất ít khả năng xảy ra. Tuy nhiên, dân chiếm dụng thì còn đó, nếu có mất thì mất ít, đáng lo hơn là tình trạng thu TLP rồi chiếm dụng để làm việc khác xảy ra khá phổ biến ở các HTX hiện nay."

* Các kiểu nợ

Nếu hộ xã viên nợ TLP một thì các HTX nợ đến mười. Ông Trần Châu cho biết: "Chiếm dụng TLP có nhiều dạng: Ở HTX Cát Lâm (Phù Cát) và HTX Nhơn Hạnh (An Nhơn), Ban quản lý đã đem "nướng" cả trăm triệu đồng tiền TLP thu được của năm 2003 vào các quán nhậu. Còn trong khoản nợ gần 300 triệu đồng của HTX Phước Quang (Tuy Phước) hiện nay, thì trong đó có một phần không nhỏ HTX thu rồi chiếm dụng để đầu tư vào kinh doanh xăng dầu…".

Một dạng nợ khác, theo chủ nhiệm HTX Phước Hòa (Tuy Phước) Nguyễn Tấn Hùng, nguyên nhân khiến cho HTX trở thành "con nợ" TLP lớn nhất tỉnh (553 triệu đồng) là do phải gánh chịu quá nhiều các đối tượng nợ bất khả kháng: Hộ gia đình bỏ đi làm ăn xa, ruộng sản xuất cho hộ khác thuê nhưng lại không tách phần TLP ra cụ thể nên không thể nào xác định được công nợ; và chiếm tỉ lệ cao nhất là khoản nợ của các hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh đau ốm, bệnh tật, neo đơn…, có trường hợp vì quá khó khăn đã bán thóc non trước, đến vụ thu hoạch cán bộ HTX chưa kịp đến thì tư nhân đã "hớt" tay trên trong đó có cả khoản TLP… Những dạng nợ này, ông Hùng bảo: "Khi đến thu, chúng tôi phải thành lập thành đoàn toán chứ nếu đi lẻ sẽ bị chửi như té nước vào mặt, không chịu thấu."

Để khắc phục, hàng loạt các biện pháp "rắn" đã được chính quyền địa phương vận dụng: thu hồi bớt một phần ruộng để đấu giá, kê biên tài sản, cắt nước, cấp phát sổ theo dõi (chỉ giải quyết các loại giấy tờ khi đã hoàn thành các khoản nghĩa vụ, trong đó có TLP), phạt hành chính… nhưng cũng chỉ tháo gỡ được trong những thời điểm cục bộ. Về lâu dài, căn bệnh nợ TLP vẫn chưa tìm ra thuốc chữa hữu hiệu.

Không thu được TLP, HTX không có tiền trả lương cho cán bộ bảo nông và không có tiền để nạo vét, tu bổ kênh mương nội đồng tái phục vụ cho sản xuất vụ sau. Con nợ không những góp phần làm cho các HTX kiệt quệ, hạn chế khả năng hoạt động; mà còn khiến nhiều công trình thủy lợi bị vạ lây vì thiếu kinh phí để duy tu, sửa chữa. Bao giờ cái vòng luẩn quẩn đã trở thành mãn tính này mới được chữa khỏi?

. Hưng Thịnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)
Nước mắm Bình Định: Để phát triển ổn định và vươn xa   (13/10/2004)
Người dân Phước An dở khóc dở mếu vì bò sữa   (13/10/2004)
An Lão mùa cau  (12/10/2004)