Cầu nối với đồng bào vùng cao
10:39', 25/10/ 2004 (GMT+7)

Đó là Công ty Thương mại và Phát triển miền núi (TM-PTMN) Bình Định. Việc Công ty đưa hàng lên phục vụ tận nơi đã giúp cho việc giao thương của đồng bào dân tộc vùng cao trong tỉnh thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Một điểm bán hàng của Công ty TM-PTMN Bình Định tại huyện Hoài Ân (ảnh: Văn Lưu)

Toàn tỉnh có 44 xã miền núi vùng cao, giao thông đi lại cánh trở, các bản làng xa cách nhau, nhiều xã cách trung tâm huyện cả nửa ngày đường đi bộ. Do đó, những năm trước đây, việc mua sắm hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày là một việc hết sức khó khăn đối với nhân dân ở những vùng này. Để giảm bớt khó khăn cho bà con các vùng cao, từ năm 2001, Công ty TM-PTMN Bình Định đã tiến hành mở rộng các điểm bán hàng trực tiếp đến đồng bào. Đến nay, Công ty đã mở gần 10 cửa hàng ở các trung tâm huyện, xã và hơn 50 đại lý, điểm bán hàng tại các bản, làng để phục vụ cho đồng bào vùng cao của 4 huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và Vân Canh. Nhờ vậy, việc giao thương, mua bán giữa các vùng đồng bào dân tộc không còn cách trở như lúc trước.

Chị Đinh Thị Chiên, ở xã An Trung (An Lão), phấn khởi nói: "Từ khi Nhà nước cho mở các đại lý tại ngay các làng đã giúp cho đồng bào vùng cao chúng tôi nhiều lắm. Không tốn nhiều thời gian để đi chợ mua cái mắm, cái muối cho bữa ăn hàng ngày, mà thời gian ấy chúng tôi dành cho việc nương, việc rẫy. Bây giờ người miền xuôi có hàng hóa gì thì ở trên vùng cao này đều có hết".

Tuy nhiên, do địa bàn cách trở, dân cư thưa thớt (mật độ dân số ở các huyện miền núi 35-40 người/km2), các bản làng xa cách nhau, giao thông đi lại khó khăn nên công tác phân phối và đem hàng hóa đến với đồng bào các xã vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khâu vận chuyển và bảo quản hàng hóa. Ông Cao Đình Thọ, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Thương mại huyện An Lão, cho biết: "Chúng tôi phải thường xuyên liên lạc với các đại lý, điểm bán hàng để nếu thiếu hàng thì đưa hàng phục vụ ngay, và thường xuyên đi kiểm tra các đại lý xem họ có bán đúng với giá qui định của Công ty hay không. Việc bảo quản hàng hóa không bị hư hỏng cũng là một việc làm mà chúng tôi rất chú trọng, không thể để đồng bào mua phải hàng kém chất lượng do công tác bảo quản không tốt".

Không chỉ ở An Lão, các cửa hàng ở các địa phương khác của Công ty cũng đã phải rất cố gắng như vậy. Ông Đinh Văn Bưởi, làng Hà Giao, xã Canh Liên (Vân Canh) vui vẻ cho hay: "Giờ hàng hóa đem về bán ngay tại làng này rồi, khỏi phải mất cả ngày đi bộ ra xã để mua như trước. Đã thế, hàng hóa lại đảm bảo chất lượng, giá lại đúng theo qui định của Nhà nước. Không như lúc trước, dân làng tôi thường mua hàng dỏm, giá lại cao, của những người buôn ở dưới xuôi mang lên".

Bên cạnh việc cung cấp các mặt hàng chính sách và hàng thiết yếu, Công ty còn giúp người dân vùng cao tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: sắn lát khô, sắn củ tươi, mây rừng, đậu, đỗ các loại và các sản phẩm phụ của lâm nghiệp. Việc tiêu thụ này đã giúp người dân vùng cao tránh được nạn tư thương lên thu mua ép giá. Ông Võ Tấn Khánh, Giám đốc Công ty, cho biết thêm: "Chuẩn bị cho mùa mưa sắp đến, đến nay Công ty đã chi 2 tỉ đồng mua hàng hóa dự trữ để phục vụ cho đồng bào, gồm các mặt hàng: mì tôm, gạo tẻ, muối ăn, dầu hỏa, ni lông đi mưa, giấy vở, phân bón... Bên cạnh đó, Công ty còn đi từng làng bản thông báo cho mọi người dân mua hàng dự trữ cho mùa mưa bão sắp đến. Mục tiêu của Công ty là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi mùa mưa bão đến, do ách tắc trong khâu vận chuyển".

Với những nỗ lực đem hàng hóa đến phục vụ tận nơi cho đồng bào dân tộc vùng cao, Công ty TM-PTMN Bình Định đã thực sự trở thành chiếc cầu nối giữa miền xuôi và miền ngược, góp phần giúp nhân dân vùng cao trong tỉnh nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)
Nước mắm Bình Định: Để phát triển ổn định và vươn xa   (13/10/2004)
Người dân Phước An dở khóc dở mếu vì bò sữa   (13/10/2004)