Công ty cổ phần Đường Bình Định
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi
16:41', 25/10/ 2004 (GMT+7)

Là một trong những doanh nghiệp lớn của tỉnh Bình Định, Công ty cổ phần Đường Bình Định luôn xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) là nhiệm vụ hàng đầu, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ KHCN của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Vùng nguyên liệu mía của Công ty

Trước hết, Công ty xác định tiềm lực khoa học là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay tại Công ty, số lượng cán bộ có trình độ trung cấp trở lên có hơn 130 người, trong đó cán bộ kỹ thuật chiếm hơn một nửa. Hằng năm, Công ty đã dành kinh phí cho hoạt động khoa học hơn 500 triệu đồng. Với chính sách hỗ trợ chi phí, khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với các đề tài, sáng kiến cải tiến; hoạt động KHCN ở Công ty ngày càng trở nên sôi nổi và sâu rộng.

Hội đồng khoa học kỹ thuật (KHKT) của Công ty được thành lập với chức năng tham mưu về công tác KHCN nhằm tổ chức và quản lý tốt để khuyến khích, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Hội đồng đã xây dựng kế hoạch công tác KHKT ngắn hạn và dài hạn (hằng năm và 5 năm), nghiên cứu đề xuất tổ chức phong trào nghiên cứu sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong CBCNV... Ngoài Hội đồng KHKT, Công ty còn thành lập 5 tiểu ban KHKT, gồm CNTT, cơ khí-điện-điện tử, nông nghiệp, quản lý-kinh tế và công nghệ sản xuất. Các tiểu ban thuộc các lĩnh vực khác nhau này có nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng KHKT của Công ty về công tác tổ chức, điều hành và xét duyệt các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Hằng năm, Hội đồng KHKT của Công ty nghiệm thu, tổng kết và xét thưởng các đề tài trên cơ sở nguồn khen thưởng được căn cứ từ giá trị làm lợi của các đề tài, sáng kiến kỹ thuật. Mức khen thưởng hằng năm từ 49 đến 57 triệu đồng, tuy chưa phải là lớn lắm, song cũng đã có tác động thúc đẩy công tác nghiên cứu KHCN của Công ty phát triển.

Theo ông Võ Khái, Phó Tổng giám đốc Công ty, Phó Chủ tịch Hội đồng KHKT của Công ty, nhiệm vụ KHCN được đưa vào các hình thức thi đua của Công ty, gồm: xét thành tích thi đua, khen thưởng trong các phong trào do Công ty phát động; là tiêu chí để đánh giá năng lực cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, quy hoạch đào tạo cán bộ hàng năm của Công ty; là tiêu chuẩn để xem xét việc nâng lương, nâng bậc hàng năm. Đối với công nhân bậc cao, việc đóng góp cho KHCN là yêu cầu để xét thi nâng bậc. Đối với công nhân, nếu có đề tài phù hợp với ngành nghề chuyên môn thì được ưu tiên cộng điểm khi thi nâng bậc.

Kết quả hoạt động KHCN của Công ty cổ phần Đường Bình Định trong những năm qua đem lại hiệu quả lớn đối với Công ty, cả về kinh tế lẫn các danh hiệu được tặng thưởng. Trong gần 10 năm hoạt động, Công ty đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong SXKD và phù hợp với tình hình thị trường từng năm. Từ một Công ty chỉ có 1 mặt hàng duy nhất, đến nay đã có 2 sản phẩm chính (là đường và ván ép) và 3 sản phẩm liên doanh khác là bao bì nhựa, phân vi sinh và cồn thực phẩm. Ngoài ra sắp tới, Công ty sẽ còn sản xuất nhiều sản phẩm khác từ gỗ và ván ép. Riêng trong hoạt động chế biến đường, Công ty đã nâng công suất thiết kế từ 1.000 tấn mía cây/ngày lên 1.800 tấn/ngày.

Tính đến nay, Công ty đã có 2 đề tài khoa học cấp tỉnh, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh xếp loại khá. Có 6 đề tài đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, trong đó đáng kể là 2 đề tài đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ III (năm 2002-2003); 7 đề tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng và Huy hiệu lao động sáng tạo. Ngoài ra, còn có nhiều đề tài, sáng kiến kỹ thuật cấp Công ty được nghiệm thu, xét duyệt và khen thưởng hàng năm. Các đề tài, sáng kiến kỹ thuật của Công ty tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu, như: phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực quản lý sản xuất, áp dụng vào thực tiễn SXKD của Công ty.

Cũng chính từ kết quả hoạt động KHCN, vào năm 2002, Công ty cổ phần Đường Bình Định đã được cấp Chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000; năm 2004 được cấp Chứng chỉ hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:1996. Hiện nay, Công ty đang triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý Phòng thử nghiệm ISO/IEC 17025. Năm 2002, sản phẩm của Công ty nhận Giải thưởng chất lượng Việt Nam; và năm 2004 nhận Giải thưởng chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn. Công ty cổ phần Đường Bình Định được xếp vào nhóm 1 của ngành đường Việt Nam trong bối cảnh có đến 44 Nhà máy đường trong cả nước đều gặp khó khăn.

. Khánh Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)
Nước mắm Bình Định: Để phát triển ổn định và vươn xa   (13/10/2004)