Cuộc sống mới ở Vĩnh An
11:57', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Vĩnh An là xã miền núi của huyện Tây Sơn, có 205 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Bana và Chăm. Trong những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh An đã có nhiều nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

1.

Một góc trung tâm cụm xã Vĩnh An

Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân Vĩnh An đã cải tạo đồng ruộng để sản xuất lúa nước, khai thác đất đồi rừng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Ông Đinh Ướp, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: "Hiện nay, hầu hết bà con trong xã đều đã ổn định cuộc sống, biết sản xuất lúa nước, hoa màu kết hợp với chăn nuôi. Hàng năm, nông dân trong xã sản xuất được 76 ha lúa nước, năng suất đạt từ 35-40 tạ/ha. Ngoài ra, còn có trên 50 ha chuối, thơm, đu đủ, 95 ha bắp, đậu phụng, nuôi trên 300 con trâu bò. Hai năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ cho xã xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi, cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con đỡ khổ".

Ở trung tâm cụm xã, những mái nhà ngói đỏ tươi nổi bật dưới tán cây xanh, là trường học, trạm xá, nhà văn hóa xã như tăng thêm sức sống cho vùng quê nghèo. Sự chuyển biến của Vĩnh An bắt đầu từ lòng quyết tâm xóa đói giảm nghèo của bà con. Từ cuộc sống du canh du cư, phát rừng làm nương rẫy, bà con nông dân ở Vĩnh An đã sống định canh định cư, biết học cái chữ, học cách làm ăn của người Kinh để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh việc cải tạo đồng ruộng để sản xuất lúa nước, bà con còn khai thác đất đồi rừng để trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trồng hoa màu để tăng thu nhập. Anh Đinh Hoang Bình, nông dân ở thôn Xà Tang, cho biết: "Trước đây, nhà mình ở trên núi, thu nhập chính từ cây lúa rẫy, nên năm nào đến mùa giáp hạt cũng bị đói khoảng 2-3 tháng. Còn nay, gia đình mình đã sống định cư, đã biết sản xuất lúa nước, chăn nuôi heo hướng nạc, nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Hàng năm mình sản xuất được 4 sào lúa, 4,5 ha đậu phụng, nuôi 5 con bò, 7 con heo, bình quân mỗi năm có thu nhập 20 triệu đồng". Nhờ biết tính toán làm ăn, nên đến nay, anh Bình đã xây dựng được ngôi nhà ngói khang trang, mua được xe máy, ti vi và không còn lo đói giáp hạt như trước. Hộ ông Đinh Sơn ở làng Giọt II sản xuất 3 sào lúa nước, 1 sào bắp, 5 sào mì, 5 sào chuối và nuôi 35 con trâu, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm. Bên cạnh hơn chục hộ khá như anh Bình, ông Sơn, nhiều hộ gia đình ở Vĩnh An cũng đã thoát được đói nghèo, có cuộc sống ổn định.

2.

Nông dân Vĩnh An thu hoạch lúa mùa

Nhằm giúp bà con nông dân sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, mỗi quý một lần, các hội, đoàn thể trong xã đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi cho nông dân, và tạo điều kiện để nông dân được vay vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ cách làm, biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và hiệu quả cây trồng, từng bước cải thiện cuộc sống. Đến nay, toàn xã đã có 80% số hộ xây dựng được nhà ngói, 95% số hộ sử dụng điện lưới, nhiều hộ đã mua sắm được xe máy, ti vi và các phương tiện nghe nhìn khác, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn khoảng 22%.

Cuộc sống từng bước được ổn định, bà con càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, loại trừ nạn mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu. Trao đổi với chúng tôi về sự đổi thay của xã đặc biệt khó khăn Vĩnh An, ông Lê Minh Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn rất tâm đắc: "Trước đây, việc vận động bà con các dân tộc thiểu số ở Vĩnh An định canh định cư để phát triển kinh tế là rất khó khăn. Nhưng đến nay, bà con đã bỏ cuộc sống du canh du cư, biết học hỏi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao nâng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi. Sự chuyển biến đó sẽ là điều kiện thuận lợi để Vĩnh An thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Huyện sẽ ưu tiên các chương trình, dự án của Nhà nước cho Vĩnh An, giúp Vĩnh An xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong xã phát triển kinh tế".

Qua những con đường làng rợp bóng cây xanh, tiếng chim rừng thì thầm như muốn nói với tôi rằng, có một Vĩnh An đang đổi thay từng ngày…

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)
Chăn nuôi bò sữa hộ gia đình ở thị trấn Ngô Mây: Phát huy hiệu quả tích cực   (14/10/2004)