Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc
15:33', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Xem triển lãm Điều chỉnh quy hoạch thành phố Quy Nhơn đến năm 2020, trước những tấm bản đồ còn tươi rói sắc màu; những cây cầu, trục đường... theo dự phóng của những người quy hoạch, không ít người dân đã mơ về tương lai thành phố biển thân yêu của mình.

* Nới thêm áo, mở thêm đường

Khách sạn Cosevco với kiến trúc cao tầng, không phù hợp với cảnh quan xung quanh

Trên bản đồ quy hoạch tổng thể là một Quy Nhơn khác hẳn. Không còn là Quy Nhơn hiện tại với diện tích tự nhiên 21.644 ha, dân số 243.326 người vốn đã chật so với tốc độ phát triển. Quy Nhơn trên bản đồ là một thành phố mang nhiều dáng nét hiện đại, đến năm 2020 có diện tích 33.473 ha, với quy mô dân số lên tới 500.000 người. Thành phố cũng sẽ được mở rộng ra rất nhiều, phía Bắc và Tây Bắc giáp Phù Cát, phía Đông giáp Tuy Phước; xã Phước Mỹ rồi cũng sẽ được đưa về Quy Nhơn.…

Một số đường trục giao thông trong khu vực nội thành sẽ được mở ra. Đường Nguyễn Tất Thành sau khi thông tuyến sẽ tạo cho Quy Nhơn một trục xương sống: đường Nguyễn Tất Thành - ngã ba Đống Đa - đầu cầu Nhơn Hội. Trục thứ hai là đường Điện Biên Phủ, được xem như là vành đai thứ nhất của Quy Nhơn, sẽ phân phối lại lưu lượng giao thông và nhất là lưu lượng hàng hóa từ Cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1D và Quốc lộ 19. Trong tương lai xa, dự kiến có thêm tuyến vành đai từ núi Mồ Côi ở Quốc lộ 1D, vượt qua phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, nối về cầu Số 7 thông với Quốc lộ 19, để lưu chuyển hàng hóa không qua nội thị. Ngoài ra, đường Xuân Diệu sẽ hoàn thành trong 2 năm tới, tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn thành vào năm 2006 sẽ tạo cho Quy Nhơn một dáng nét mới, hiện đại và hoành tráng.

Một ngôi nhà trên đường An Dương Vương với kiến trúc khá rườm rà

Ấp ủ cho nhiều dự phóng về tương lai hơn cả là việc mở rộng thành phố về phía Bắc sang bán đảo Phương Mai. Tại đây, sẽ hình thành khu kinh tế gồm cảng nước sâu, khu công nghiệp, khu phi thuế quan và khu đô thị mới, vừa mở rộng không gian đô thị vừa mở hướng cho sự phát triển của Quy Nhơn. Các khu, tuyến du lịch cũng được quy hoạch cụ thể hơn: tuyến du lịch từ Hải Giang (xã Nhơn Hải - Quy Nhơn) đến Trung Lương (xã Cát Tiến - Phù Cát) vượt sang Tân Thanh, Vĩnh Hội (xã Cát Hải - Phù Cát); tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; khu Ghềnh Ráng... Các khu vực dự kiến phát triển như Bắc sông Hà Thanh, phường Nhơn Bình đã được quy hoạch; các khu vực đang đô thị hóa như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân được định hình rõ nét hơn...

* Và hành trình tìm "hồn" cho đô thị mới

Điều chỉnh quy hoạch, xét cho cùng, là mở hướng phát triển và tạo cho Quy Nhơn một dáng nét đô thị hiện đại, có bản sắc và hồn phố biển. Với cảnh quan đa dạng: bãi biển, đầm Thị Nại, đường Quy Nhơn - Sông Cầu chạy dọc triền núi… vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, nếu được khai thác tốt, hẳn Quy Nhơn sẽ có dáng vẻ độc đáo riêng. Việc mở rộng không gian đô thị sang phía Bắc, đầm Thị Nại sẽ nằm trong lòng thành phố và trở thành một điểm nhấn đáng kể của Quy Nhơn. Tuy nhiên, ngay trong quy hoạch, điểm nhấn này cũng chưa thật rõ nét. Trên bản đồ, đầm Thị Nại vẫn chưa góp nhiều vào diện mạo cảnh quan đô thị Quy Nhơn tương lai. Bên cạnh đó, việc đưa một khu dịch vụ nghề cá vào đảo 1 khu Bắc sông Hà Thanh, ngay giữa đầm Thị Nại liệu có ảnh hưởng đến môi trường của đầm? Nhất là, đầm Thị Nại sẽ là lá phổi xanh nằm ngay trong lòng thành phố tương lai.

KTS Nguyễn Trực Luyện, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Không nên sa đà vào định nghĩa bản sắc là gì? Mà đi tìm giải pháp làm thế nào để thể hiện được bản sắc trong mối quan hệ tổng thể: môi trường sống hiện đại và tính cách văn hóa truyền thống. Kiến trúc truyền thống là điểm xuất phát chứ không phải là mục tiêu sáng tạo (theo cách hiểu và bắt chước rập khuôn)...

Quy hoạch vẫn dành ưu tiên cho nhà chia lô, còn những khu chung cư được định hình rõ vẫn còn ít ỏi. Nhà chia lô sẽ làm cho bộ mặt đô thị manh mún, khập khiễng kéo theo nhiều vấn đề về kiến trúc đô thị và môi trường và tỏ ra không mấy phù hợp trong thế kỷ XXI này. Tất nhiên, những ngôi nhà chung cư phải trở thành đại diện cho một tiêu chuẩn sống mới. Những dịch vụ công cộng như giữ xe, ki-ôt dịch vụ, nhà tang lễ… phải được tính toán.

Tiếp sau quy hoạch là hàng loạt vấn đề về quản lý đô thị, kiến trúc… mà những yếu tố này chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị hiện tại. Ngay như khu bờ biển của Quy Nhơn đoạn từ eo Nín Thở đến Ghềnh Ráng, trên quy hoạch là đất công cộng, nhưng hiện tại, đã lố nhố khách sạn cao tầng. Trong đó, khách sạn COSEVCO cao tầng, vừa không phù hợp với cảnh quan xung quanh, lại có kiểu kiến trúc nệ cổ, đang là xu hướng cần được phê phán. Nghe đâu, các khách sạn khác sẽ được nâng tầng và như vậy cảnh quan biển khu vực này sẽ bị che chắn. Resort Hoàng Anh án ngữ một vị trí khá đẹp, nhưng công trình xây dựng quá dày, phá vỡ một góc cảnh quan rất đẹp của thành phố. Nay mai, khi khu Resort Sài Gòn - Quy Nhơn tiếp tục được xây dựng (mà mô hình cũng xuất hiện trong triển lãm lần này để lấy ý kiến góp ý của người dân) liệu danh thắng Ghềnh Ráng lại có tiếp tục bị những công trình bê tông, mái tôn giả ngói kiểu này lấn át?

Thời gian tới, Quy Nhơn sẽ xây dựng nhiều công trình công cộng, những công trình này đều nằm ở khu vực trung tâm và trên trục đường có thể tạo thành điểm nhấn của không gian đô thị, nếu không có những giải pháp quy hoạch và kiến trúc phù hợp thì sẽ là một sự lãng phí lớn với không gian đô thị. Ngay với nhà dân tự xây, một xu hướng đáng quan ngại xuất hiện gần đây là xu hướng nệ cổ. Nhiều ngôi nhà sử dụng nhiều chi tiết kiến trúc cổ châu Âu rất rườm rà. Xu hướng này cần phê phán, nhưng đáng nói hơn là trách nhiệm của những người làm công tác quản lý đô thị.

* Phát huy vai trò Hội Kiến trúc sư

Với quy hoạch mới được điều chỉnh và nhất là với mong ước của người dân về một diện mạo mới cho đô thị Quy Nhơn trong tương lai đã và đang đặt ra cho quản lý đô thị những nhiệm vụ nặng nề. Bên cạnh đó, vai trò hội nghề nghiệp của giới kiến trúc sư (KTS) khi tham gia quản lý xã hội có sự bảo trợ của pháp luật cũng là yếu tố cần thiết trong công tác quản lý nhà nước của địa phương. Cần phát huy vai trò của Hội KTS trong việc tham gia tư vấn giám định, phản biện các công trình. Ngoài ra, khi đô thị ngày càng phát triển thì việc xác định lại quỹ kiến trúc của Quy Nhơn qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển cũng không kém phần quan trọng. Mà điều này thì dường như vẫn chưa thấy in bóng trên bản quy hoạch.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)
Một nông dân bắc cầu cho dân đi  (17/10/2004)
Ghi nhận qua cuộc gặp mặt các doanh nhân, doanh nghiệp tại Bình Định   (15/10/2004)
Cả làng cùng mắc nợ vì dịch tôm   (14/10/2004)