"Bão" trên những cánh rừng
12:32', 28/10/ 2004 (GMT+7)

Mấy năm trước, mùa mưa là lúc lực lượng kiểm lâm ngơi tay, dành phần lớn thời gian cho việc thống kê, phát triển rừng. Nay thì ngược lại. Mùa mưa đến, công việc còn nặng nề hơn do đây là thời điểm lâm tặc tranh thủ phá rừng lấy gỗ dữ dội hơn cả mùa khô. Chưa khi nào những cánh rừng ở các huyện trung du Bình Định lại bị tàn phá nghiêm trọng như những ngày này.

Kỳ 1: Rủ nhau lên núi phá rừng

Đứng ở cái nơi trên bản đồ được gọi là rừng nhưng chỉ thấy một màu xám xịt, lô xô những bụi cây dại thấp tè, khẳng khiu, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Dù đã được báo trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc nhưng khi chứng kiến cảnh rừng gục ngã chúng tôi vẫn không thể không đau xót. Mưa tháng 10 quất vào mặt rát buốt...

* Theo chân lâm tặc

Một vùng rừng đầu nguồn ở Ân Nghĩa (Hoài Ân) bị lâm tặc "húi trọc"

Có lẽ chẳng nơi nào ở Bình Định có cảnh bình minh như ở xã Ân Nghĩa (Hoài Ân). 5 giờ 30 sáng, đường làng náo nhiệt hẳn. Tiếng động cơ của những chiếc Honda 67 hết "đát" gầm rú từng đợt dài, xé tan bầu không khí yên tĩnh. Tiếng người í ới gọi nhau. Trời vừa hửng, người đi xe máy, kẻ đi xe đạp, từng tốp 5 - 6 người lũ lượt kéo nhau vào rừng chặt cây lấy gỗ. Họ đi phá rừng.

6 giờ sáng hôm đó chúng tôi gia nhập nhóm của anh X., người thuộc thôn Nhơn Sơn (Ân Nghĩa). Nhóm X. có 4 người, thêm 2 người chúng tôi là 6. Thấy chúng tôi, đồng nghiệp của X. đưa mắt dò hỏi. X. phẩy tay - Mấy đứa em của tao đó. Nghe X. nói, cả nhóm lẳng lặng xốc lại túi đồ lên đường. Nhìn anh gói ghém chiếc võng dù, rượu, gạo, thuốc, mắm, quần áo và rựa - những vật dụng không thể thiếu của những người lên rừng chặt cây vào chiếc bao tải đã được chế thêm cái quai, tôi hỏi: "Anh không mang theo rìu, cưa à? Gặp cây lớn thì làm sao chặt?". "Ém sẵn trong rừng rồi"- X. đáp. Kiểm tra đồ lề xong, nhóm chúng tôi thẳng tiến vào rừng bằng những chiếc Honda 67 trành.

Sau gần 1 giờ vượt qua 3 con suối và nhiều con dốc dựng đứng, chúng tôi đã đến được làng T1, xã Bok Tới. "Còn xa nữa không anh?" - Tôi sốt ruột hỏi. "Chưa đâu, phải 3 giờ đi bộ nữa"- X. trả lời. Giấu xe vào bìa rừng, X. vung rựa chặt hai khúc cây đưa cho chúng tôi, bảo: "Cầm lấy dò đường và phá gai. Thiếu cái cây này thì không xong đâu". Buổi sáng ở vùng rừng, khí trời rất lạnh nhưng lờ mờ ở đàng xa tôi đã thấy có bóng một tốp người đang xăng xái vào rừng. "Có nhiều đường để lên rừng không anh?" - Tôi hỏi. "Tất cả 6 lối mòn. Nhưng dạo này mấy ông kiểm lâm trên tỉnh về làm căng quá. Họ chặn ngay ở bìa rừng Nghĩa Điền nên dân chặt cây phải mở lối đi riêng. Xa một chút nhưng yên ổn". Chỉ vào những gốc cây to trơ trụi bên lối mòn, X. thông báo: "Khi nào không còn thấy những gốc cây như vậy nữa là đến nơi".

Hơn một giờ sau, trời bỗng tối sầm. Cơn mưa rừng dữ dội ập đến. Chúng tôi tạt vào một căn chòi bỏ hoang trú mưa. Chỉ vài phút sau, những nhóm lâm tặc đi sau cũng lục đục ghé vô. Cả thảy có đến hơn 20 người. Đợi mãi mà cơn mưa vẫn không có dấu hiệu ngớt, X. lên tiếng: "Đi thôi, mưa kiểu này chắc còn lâu mới tạnh". Chẳng nói chẳng rằng, những người đang trú mưa trong chòi lục tục lôi ra những tấm vải nhựa, tròng vào người rồi lên đường. Đến hơn 9 giờ thì một cánh rừng hiện ra trước mắt chúng tôi.

Lác đác một vài cây bị hạ gục, dấu chặt còn tươi rói, trên mặt đất rải rác có một số khúc gỗ đã được tỉa tót vuông vắn. "Đây nè, sao anh không mang về mà còn đi chặt nữa làm gì?" - Tôi hỏi. "Của người khác đấy. Có dấu má hẳn hoi. Xớ rớ vào đó là đổ máu liền. Luật rừng mà!" - X. giải thích. Thế là nhóm chúng tôi rảo bước đi thêm một đoạn nữa. Hành - người ít nói nhất trong nhóm chạy vù đến gốc cây cổ thụ lôi ra cưa tay, rìu, xoong, nồi, chén, dĩa và tấm bạt. Căng tấm bạt lên, chúng tôi cùng ngồi đợi cơn mưa dứt. Đốt vội điếu thuốc, X. nói: "Hôm nay mưa dữ quá, thôi, mình làm mấy khúc chò cũng được". Quay sang phía tôi, X giải thích - Đã nghía sẵn một cây chò từ hôm trước rồi, nếu không cũng phải trần lưng đội mưa mà chặt chứ không thể ngồi chờ. Lỡ mưa đến tối rồi về tay không sao! Chỉ chừng 30 phút sau, cây chò to tướng đã được hạ bằng "cưa líu". Tiếp đó, mỗi người chia nhau cưa mỗi đoạn dài 1m rồi cũng chỉ một loáng sau đó, cây chò đã thành những khúc gỗ vuông vắn theo quy cách 30cmx40cm (một khúc gỗ như vậy thường được gọi là "hộp"). Bữa trưa trôi qua rất nhanh. Chừng 14 giờ chiều, nhóm chúng tôi xuống núi. Trừ hai ông "khách", 4 người còn lại mỗi người đều cõng trên lưng một hộp gỗ tươi rói, nặng trịch. Về đến nhà, mỗi hộp gỗ như vậy có giá 100.000 đồng. Muốn kiếm gỗ quý như trắc, lim... phải đến vùng rừng khác, mất 2-3 ngày đi đường.

Khác với Hoài Ân, rừng ở Tây Sơn bình yên hơn. Có vẻ sự bình yên này có được là nhờ các cơ quan chức năng tập trung ngăn chặn tại các điểm nóng phá rừng ở Hầm Hô (xã Tây Phú), Đồng Le (xã Vĩnh An). Vừa nghe tôi nêu ý kiến, một đồng nghiệp ở huyện Tây Sơn đã cười ngất - Muốn coi phá rừng thì ông phải lên Tây Giang kia. Người ta đang phá tanh banh rừng Nam Giang đấy. Ở Hầm Hô, Đồng Le, cán bộ lớp trong lớp ngoài dày đặc, dân chặt cây dại gì mó vào...

6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bìa rừng thuộc thôn Nam Giang, xã Tây Giang. Hàng đoàn người đi xe đạp, rồng rắn kéo nhau lên núi Hòn Ông thuộc cánh rừng Nam Giang. Một anh nông dân ở đây, bức xúc: "Hôm nay trời mưa nên họ đi hơi ít đấy. Những hôm nắng ráo thì đếm không xuể, có ngày tôi tính phải đến gần 100 người lên rừng...". Chỉ tay về cánh rừng bị trụi thuộc núi Hòn Bà, anh nói thêm: "Rừng Hòn Bà trụi rồi. Giờ chỉ còn rừng ở núi Hòn Ông thôi. Nhưng cứ cái đà này thì rồi cả Bà lẫn Ông cũng sẽ trụi lủi". Quả thật, tại những vùng rừng gần ở Nam Giang, những cây rừng còn sống chỉ nhỏ bằng cườm tay, mà cũng rất ít, phần nhiều là những bụi cây dại lúp xúp. Sáng hôm đó, trong chừng 2 giờ chúng tôi đếm được đến 63 người đi xe vào rừng với đầy đủ cưa, rựa. Tập kết xe dưới chân núi xong, họ tiếp tục hành trình lên rừng tìm cây to để đốn hạ.

Gỗ cưa thành khúc chuẩn bị đem đi tiêu thụ

Xem ra, để chặt được cây rừng, so với lâm tặc ở Hoài Ân, lâm tặc ở Tây Sơn nhàn hơn. Họ không phải vào rừng lúc rạng sáng để né kiểm lâm. Đường vào rừng không xa và việc chuyển gỗ cũng khá nhẹ nhàng. Nhưng lâm tặc Tây Sơn thì cực kỳ hung dữ. Anh C. - một người dân ở thôn Nam Giang cảnh báo: "Mấy chú đừng vào đó làm gì. Tụi nó dữ lắm. Công an xã còn bị tụi nó ném xuống suối đấy. Ở đây, chỉ than phiền với xã chuyện chặt cây phá rừng không thôi là lũ nó đã mang rựa đến nhà dọa chém rồi".

Chúng tôi quyết định chia làm hai nhóm, một nhóm vào sâu bên trong với đồ lề như một nhóm cán bộ địa chất khảo sát đất để xây dựng vùng chuyên canh mì, nhóm thứ hai chốt ở bìa rừng Tây Giang. 12 giờ trưa, từ bìa rừng, lác đác xuất hiện người vận chuyển gỗ về. Mỗi người vắt một khúc gỗ dài từ 1 - 2m trên xe đạp đi thẳng về làng. Khi cách Trạm kiểm lâm Đồng Tre chừng 10m (trạm này đặt ngay bìa rừng Nam Giang), họ bình thản ngoặt xe sang phải rồi tiếp tục hướng về đường làng Nam Giang. Người dẫn đường cho chúng tôi nói với giọng hài hước "Ấy là phép nước sông không phạm nước giếng. Anh đi đường anh, tui đi đường tui, thế là vui vẻ cả làng". Ngày hôm đó, tất cả những xe đạp chở gỗ khai thác trái phép đều né trạm Đồng Tre bằng cách ấy.

* Lâm tặc là ai, ai là lâm tặc?

Tại Hoài Ân, xã Ân Nghĩa là nơi tập trung nhiều người phá rừng nhất. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: "Năm 2003 cả xã có 140 người chuyên khai thác gỗ rừng trái phép. Chúng tôi đã triệu tập họ lại, giáo dục và bắt họ cam kết không phá rừng. Họ đã cam kết không vào rừng khai thác gỗ trái phép nữa, nhưng rồi lại đâu vào đó". Còn ở Tây Sơn, cứ rảnh tay là nhiều người đã nghĩ ngay đến chuyện đi chặt cây rừng. Ông Nguyễn Tín -  Trưởng thôn Nam Giang, than thở: "Họ phá rừng rầm rộ lắm. Lần nào họp dân, chúng tôi cũng kiểm điểm, răn đe, giáo dục đủ mọi cách. Nhưng cứ rảnh tay là họ lại vào rừng chặt cây".

Một đặc điểm chung của những người đi khai thác gỗ trái phép, đa phần đều là nghèo và không có việc làm. Anh Mười, một "lâm tặc" ở thôn Kim Sơn (Hoài Ân) - người đã có "thành tích" 19 năm phá rừng là một ví dụ điển hình. Nhà Mười nằm ở cuối đường làng thuộc thôn Kim Sơn, dựng bằng ván xẻ từ gỗ rừng. Lâu năm, nhà đã xiêu vẹo. Mười có 3 con, đứa lớn chỉ mới 10 tuổi. Vợ chồng chẳng có nghề nghiệp gì để có thu nhập ngoài 1 sào ruộng. Trong khi đó, cứ đi rừng hai ngày, Mười đã kiếm được từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Mười tâm sự: "Biết như vậy là phạm pháp nhưng phải làm chứ biết làm gì ra tiền nuôi con...".

Ban đầu lý do để người ta vào rừng chặt cây là do nông nhàn, thiếu việc làm, kiếm thêm thu nhập. Lâu dần, nhận thấy nguồn thu nhập do phá rừng khá béo bở, họ đã thành dân phá rừng chuyên nghiệp từ lúc nào không hay. Hành trình của vết trượt này còn nhanh hơn do một số cán bộ xã, kiểm lâm lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Một cán bộ xã Ân Nghĩa cho biết, vừa qua xã có mấy công trình xây dựng kênh mương thủy lợi. Để cho dân có thêm thu nhập, UBND xã thông báo ưu tiên cho người địa phương với giá 20.000 đồng/ngày công, nhưng chẳng ai chịu đi làm vì họ chê tiền công ít, vào rừng chặt cây khỏe hơn... Thật hết biết luôn!

. Nhóm phóng viên điều tra

CÁC TIN KHÁC >>
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn đến năm 2020: Vận hội mới cho Quy Nhơn   (18/10/2004)