Bão trên những cánh rừng:
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu
10:5', 29/10/ 2004 (GMT+7)

Chuyện lâm tặc né kiểm lâm, qua mặt cán bộ chính quyền mở đường vạch lối vào rừng khai thác gỗ trái phép tuy khó nhưng còn làm được. Thậm chí ngay cả việc lâm tặc cõng những hộp gỗ nặng dễ chừng cả tạ lội rừng băng băng, xuống dốc nhẹ không cũng có thể giải thích được. Thế nhưng bằng cách nào mà hàng chục, hàng trăm khối gỗ to đùng cứ thế kìn kìn an toàn xuôi xuống phố thì ấy quả là chuyện "lạc đà chui qua lỗ kim". Chúng tôi đã thâm nhập được vào một đường dây như vậy.

* Hành trình của gỗ lậu

Lâm tặc thong dong chở gỗ lậu trên Quốc lộ 19 (đoạn đi qua thị trấn Phú Phong)

Trong vai người đi buôn gỗ đến từ thị trấn Phù Mỹ, chúng tôi đến nhà anh N.T - một lâm tặc ở thôn Kim Sơn (Ân Nghĩa) để tính chuyện... "làm ăn". T, năm nay 42 tuổi, là thủ lĩnh của một nhóm 5 người sống bằng nghề chặt cây phá rừng trái phép chuyên nghiệp từ nhiều năm qua. Thấy người hỏi mua gỗ là kẻ lạ mặt, T từ chối tiếp. Tuy nhiên, khi được người cùng làng giới thiệu, T bắt đầu xởi lởi cùng chúng tôi bàn tính chuyện "hợp tác" kinh doanh. "Trắc - 12 triệu đồng/m3; lim - 8,5 triệu đồng/m3... Đó là giá giao hàng tại Ân Nghĩa. Nếu các anh muốn nhận tại nhà mình cho yên tâm thì cho chúng tôi xin thêm mỗi khối 3 triệu đồng. Ở đây chỉ có chò, dổi là sẵn, còn thích loại nào khác thì phải đặt hàng trước. Đặt cọc xong, vài ngày chúng tôi sẽ giao hàng đến tận nhà" - T ra giá. "Công chuyển gỗ không mà cao dữ vậy?" - Tôi thắc mắc. "Chỗ tui tính như vậy là quá bèo! Mấy chỗ khác ít nhất cũng cao hơn 1 - 2 triệu đồng/m3. Từ đây xuống Phù Mỹ anh biết phải qua bao nhiêu "cửa" không. Gặp may thì còn đỡ, rủi đụng lúc mấy ông trên tỉnh về kết hợp với kiểm lâm huyện là tịch thu luôn cả gỗ, cả xe, có khi còn bị nhốt nữa." - T tuôn luôn một tràng. Giữa giới khai thác với dân buôn còn có quy ước không thành văn như sau: từ nơi khai thác đến bìa rừng nếu bị kiểm lâm bắt được thì người khai thác gỗ chịu trách nhiệm. Gỗ đã nằm trên yên xe thì người mua chịu trách nhiệm.

Ở Ân Nghĩa tầm từ 7 giờ sáng đến khoảng 5 giờ chiều, làng xóm rất yên ắng. Nhưng sau đó lại sôi lên khi những kẻ chuyển gỗ khai thác trái phép vào việc. Mỗi nhóm chừng 5-7 xe, có khi lên đến trên chục. Nhóm nào cũng có "hoa tiêu" dò đường, cảnh giới. Cứ mỗi chuyến chuyển gỗ trót lọt về tới các điểm tập kết theo yêu cầu của chủ gỗ người vận chuyển được trả từ 50.000 đồng - 100.000 đồng tùy theo quãng đường ngắn hay dài. Để đảm bảo liên lạc thông suốt, tại những vùng không có sóng điện thoại di động, người vận chuyển gỗ, hoa tiêu và những người tham gia cảnh giới cùng cắm nhiều chốt thông báo sử dụng loại điện thoại "mẹ bồng con". Một cán bộ kiểm lâm của huyện Hoài Ân than thở - Ở đâu chứ từ địa phận xã Ân Nghĩa, Bok Tới đến Ân Tường Tây, chất lượng mạng lưới thông tin của những kẻ tham gia phá rừng còn tốt hơn của kiểm lâm. Chỉ vừa nhác thấy bóng cán bộ của cơ quan chức năng ở đầu làng thì ngay lúc ấy ở cuối làng chuông điện thoại của họ lập tức réo vang. Gỗ lạt được đưa ngay vào nhà dân. Đây là một mánh khóe nhằm "lách luật" của lâm tặc. Bởi muốn khám xét nhà dân cần phải có lệnh của cơ quan chức năng.

Phương tiện để vận chuyển gỗ trái phép hầu hết đều là xe Honda 67 bị tẩy số khung và số máy. Trong 3 năm trở lại đây, các lực lượng kiểm lâm của những huyện phía bắc tỉnh đã phát hiện và thu giữ gần 200 lượt xe Honda 67 không rõ nguồn gốc vận chuyển gỗ lậu. Dù số xe trên được thanh lý theo dạng phế liệu nhưng lâm tặc mua lại những chiếc xe đã được bán đấu giá với giá "bèo" chừng 350.000 đồng/chiếc. Sau đó mang về các tiệm sửa xe phục chế lại để tiếp tục đi chở gỗ.

Không giống như ở An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, phương tiện vận chuyển của lâm tặc ở Tây Sơn chủ yếu bằng xe đạp. Theo quan sát của chúng tôi, việc vận chuyển gỗ khai thác trái phép từ rừng xuống xuôi ở Tây Sơn khá dễ dàng. Hôm chúng tôi "phục kích"ù tại bìa rừng Nam Giang (Tây Giang), nơi có Trạm Kiểm lâm Đồng Tre đứng chân, từng đoàn người vận chuyển gỗ bình thản đi qua Trạm. Nhìn vào Trạm, bên trong vẫn có người đang nói chuyện. Tôi nhẩm tính, riêng buổi chiều hôm ấy có đến vài khối gỗ đã qua Trạm Kiểm lâm Đồng Tre nhẹ không. Những hộp gỗ khai thác trái phép trên được "ém" trong nhà của lâm tặc không lâu, chỉ cần cơ quan chức năng sểnh mắt một chút là chúng đã có mặt ở các xưởng cưa ở thị tứ Đồng Phó (Tây Giang) rồi. Thậm chí ngay cả ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), chúng tôi cũng dễ dàng chụp được những tấm ảnh lâm tặc thong thả đạp xe qua phố huyện với những súc gỗ tươi nguyên. Nghe tôi tả cảnh "lâm tặc đi trong yên bình", thêm một lần nữa anh bạn đồng nghiệp ở Tây Sơn lại cười - Họ thích bắt những ô tô chở gỗ hơn, còn bắt những chiếc xe đạp kiểu ấy bõ bèn gì! Ra thế, gió nhỏ đã thành bão lớn có lẽ cũng vì thế đây.

* Khi lâm tặc lên mặt

Ở Hoài Ân, hiện có khoảng gần 10 băng nhóm chuyên vận chuyển gỗ trái phép với quy mô lớn và tinh vi. Mỗi băng nhóm như vậy có 5 - 10 người tham gia, đặt dưới sự quản lý của một ông "trùm". Nổi cộm là băng Trung Lé (ở Khoa Trường - Ân Đức - Hoài Ân). Băng này có khoảng 10 người tham gia chuyên vận chuyển gỗ trái phép. Nhóm này chuyên vận chuyển gỗ cho xưởng cưa của Thành mập (khối 5, thị trấn Bồng Sơn - Hoài Nhơn). Hoặc, băng nhóm do Thanh Bé (ở xóm 7, thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây) cầm đầu có từ 5 đến 7 tên. Băng của Thanh Bé tuy ít người hơn nhưng lại cực kỳ hung hãn nên có "uy tín" rất lớn với giới lái gỗ, xưởng cưa. Thanh Bé thường làm ăn với một loạt các xưởng gỗ, điển hình là xưởng của ông Bảo ở xã Hoài Tân (Hoài Nhơn); xưởng gỗ ông Oai, ông Thanh ở xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Thậm chí có những băng nhóm vận chuyển gỗ lậu lên đến 20 người như  băng của Tùng Cá và Tải...

Nhóm phóng viên (bìa phải) trú mưa cùng lâm tặc

Hoạt động của các băng nhóm này khá tinh vi và rất hung hãn. Chúng sẵn sàng chống đối lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện. Điển hình là vụ vận chuyển gỗ trái phép vừa bị cơ quan chức năng phát hiện mới đây vào lúc 20 giờ ngày 24-10-2004. Khi các cán bộ kiểm lâm của huyện Hoài Ân cùng tổ kiểm lâm cơ động của tỉnh phát hiện và truy đuổi 4 lâm tặc dùng xe Honda 67 vận chuyển gỗ rừng, 2 lâm tặc đã bỏ xe và gỗ chạy trốn, một đối tượng bỏ gỗ lấy xe chạy và đối tượng còn lại đã bị tổ công tác bắt giữ tên là Trần Hoàng Long (24 tuổi, ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, Hoài Ân). Tổ công tác đưa Long vừa đưa xe, gỗ về trụ sở thì đồng bọn của Long ém sẵn đã xông vào tấn công hòng cướp lại số gỗ và giải thoát cho Long… Không phải đến khi bị truy đuổi lâm tặc mới tấn công kiểm lâm, công an, nhiều lần để thị uy chúng đã kéo đến nhà Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Ân đập phá để… cảnh cáo. Trong khoảng 2 năm gần đây, ít nhất ông hạt trưởng kiểm lâm huyện này đã phải đi băng bó vết thương đến 3 lần, lần nào cũng do lâm tặc gây sự mà nên. Riêng ở Tây Sơn, không ít lần kiểm lâm viên bị lâm tặc cho ăn tấn công ngay ở bìa rừng Hầm Hô. Cách đây không lâu, trong một lần đi kiểm tra rừng, 2 kiểm lâm viên thuộc Trạm Kiểm lâm Đồng Tre đã bị lâm tặc hất lọt xuống suối. Kiểm lâm viên đi lẻ bị lâm tặc xưng xỉa gây sự là chuyện xảy ra như cơm bữa.

* Hiểm họa trên các cung đường gỗ lậu

Để đưa gỗ về điểm tập kết, cánh vận chuyển gỗ lậu bất chấp tất cả. 17 giờ chiều ngày 23-10, tại ngã ba Ân Nghĩa, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh những chiếc xe Honda 67 "ma" do các lâm tặc điều khiển vận chuyển gỗ phóng thành bầy, lao như bay trên đường. Một nhân viên kiểm lâm ở Hoài Ân cho biết: "Những kẻ chở gỗ này cực kỳ liều lĩnh, có nhiều lúc chúng tôi phát hiện nhưng không dám truy đuổi vì sợ trong lúc tìm cách tẩu thoát, chúng sẽ gây tai nạn cho những người đi đường, nhất là các cháu học sinh trên đường đi học về. Biết rõ đây là thời điểm mà lực lượng truy bắt gỗ khai thác trái phép chùng tay, cánh vận chuyển gỗ lậu ngày càng táo tợn".

Cung đường nóng nhất mà lâm tặc lộng hành là cung đường từ xã Ân Nghĩa về thị trấn Tăng Bạt Hổ. Chỉ cần những kẻ làm nhiệm vụ cảnh giới thông báo đã yên ổn toàn tuyến lập tức cả bầy Honda 67 lao về xuôi với tốc độ kinh hoàng, 10km đường quê được nuốt trọn trong nháy mắt. Khi đến gần khu vực Truông Sỏi, giáp giới với thị trấn Tăng Bạt Hổ, lâm tặc lập tức chuyển gỗ vào giấu ở nhà các "đầu nậu". Khi các nhân viên kiểm lâm rời khỏi địa bàn thì ngay lập tức hàng chục cửu vạn chờ sẵn sẽ chuyển ngay số gỗ này về các xưởng cưa (thường là các xưởng thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn). Vừa đến xưởng là ngay lập tức gỗ được đưa lên các dàn cưa mâm và lúc này trắng đen coi như đã lẫn lộn.

Gặp trường hợp bị nhân viên kiểm lâm truy đuổi gắt gao, những người này sẵn sàng hất gỗ xuống đường để chạy thoát thân. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng ở Hoài Ân đã xảy ra 30 vụ tai nạn do lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép gây nên. Trong đó có 1 người chết và 6 người bị thương nặng. Không chỉ ngán lâm tặc dọa chém, giờ đây vào những giờ cao điểm lâm tặc chuyển gỗ, dân Ân Nghĩa, Ân Tường Tây… cũng né không ra đường để khỏi bị vạ lây.

Lâm tặc đã thành một thứ nhân tai khủng khiếp với những hiểm họa khôn lường.

. Nhóm phóng viên điều tra

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)
CN-TTCN Phù Mỹ: Hé một lối ra   (19/10/2004)