Kiếm sống bằng nghề đan kẽm gai
16:31', 31/10/ 2004 (GMT+7)

Thoạt đầu cứ tưởng đây là một nghề mới nhưng thực ra nó đã tồn tại hơn 20 năm nay và hình thành dần một phố - gọi là "phố kẽm gai" nằm ở khu vực gần ngã 3 đường An Dương Vương - Hàn Mặc Tử, dọc theo đường Tây Sơn - TP Quy Nhơn.

Đan kẽm gai (ảnh: Văn Lưu)

Đây là nghề "sáng tạo" của những chiến sĩ quân y, sĩ quan sớm bị mất sức nên phải nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường với đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi con ăn học... Ban đầu, để có được vật liệu, một số anh em cựu chiến binh "tiên phong" của nghề mày mò tìm đến các khu vực quân sự của địch trước đây để gỡ những dây kẽm gai quanh đó mang về uốn thẳng, cắt khúc, đan thành những tấm "mắt cáo" với đủ loại kích cỡ xếp trước cửa nhà, ai có nhu cầu mua thì bán. Đấy là khoảng thời gian 1979-1980. Về sau nghề phát triển, dẫn đến việc thu hút những người chuyên đi đào phế liệu, sắt vụn, buôn bán nhôm nhựa... đi tìm kẽm gai đến bán. Mọi ngóc ngách nào có kẽm gai cũng được đội quân này tìm đến. Khi kẽm gai rào quanh các căn cứ quân sự cũ ở Quy Nhơn "sạch" dần thì họ lại tìm ra huyện Phù Mỹ, Phù Cát, qua bán đảo Hải Minh, rồi ngược lên huyện miền núi Vân Canh để tìm... Thậm chí dây kẽm gai nhùng nhằng nằm trong lòng đất cũng được lôi lên. Nhiều người đem kẽm gai cũ từ mọi nơi về đây bán, rồi cả từ các tỉnh Tây Nguyên cũng chở xuống. Kẻ bán, người mua nhộn nhịp. Từ đó đến nay, "phố kẽm gai" đã có đến 40 hộ hành nghề. Tất cả đều là cựu chiến binh!

Nhìn ông Nguyễn Trọng Quí (71 tuổi) - tổ 1 KV1 phường Nguyễn Văn Cừ - Quy Nhơn cặm cụi bên đống kẽm gai hoen rỉ, đôi tay thoăn thoắt với cái kiềm vặn đan những sợi kẽm gai rời thành tấm mắt cáo, tôi không khỏi tò mò và ngưỡng mộ sự nhanh nhẹn, thuần thục của ông trong cái nghề đơn giản mà không đơn giản này. Ngừng tay một chút để kéo những tấm mắt cáo đan rồi dựng vào vỉa hè sát tường nhà, ông cười khề khà cho hay: "10 năm nay, những hộ làm nghề này rất khá giả, đảm bảo cho con em ăn học. Bản thân tui đây, nhờ nghề mà nuôi được 2 con học đại học. Thời hoàng kim nhất của "phố kẽm gai" này là những năm 1998-1999, cà phê được giá nên người dân Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum thường xuống mua, cứ dăm mười ngày thì xe tải xuống chở về rào cà phê, mỗi chuyến chở cả mấy trăm tấm. Những lúc đó bình quân một tháng tui có thể kiếm được 3 triệu đồng... Lời thì lời vậy đó, nhưng không phải lúc nào cũng được vậy. Bởi vật liệu sản xuất chủ yếu tận dụng loại kẽm gai thời Mỹ, có đầu tư cho nghề cũng không được bởi phần lớn lệ thuộc vào vật tư của… Mỹ để lại. Hiện loại gai của Việt Nam mềm, không thể đan được thành tấm. Bây giờ cà phê rớt giá, nên kẽm gai cũng ít bán chạy."

Nghề đan kẽm gai chẳng những thu hút những cựu chiến binh làm mà cả con em họ cũng tham gia. Vốn ban đầu bỏ ra cho nghề rất thấp, chỉ cần khoảng 500.000đ. Thép gai tốt được mua lại từ những người bán phế liệu với giá 1.500đ/kg, loại xấu 1.000đ/kg. Dụng cụ để đan cũng rất đơn giản: chỉ cần 1 kìm cắt, 1 kìm vặn, bao tay để bảo vệ. Không cần nhiều kỹ thuật, chỉ làm theo kiểu ô trừ một mắt, đan một mắt. Kẽm gai cũ mua về, bằng mọi cách phải gỡ ra cho bằng được. Những đoạn rời thì tự nối lại. Dây dài làm lóng dọc, sợi ngắn đặt ngang, cỡ nào cũng tận dụng được. Những chỗ nào mắt rụng gai thì dùng kẽm gai cột lại. Một người thợ giỏi có thể vừa đan, vừa nắn, uốn so dây thì một ngày làm được 2 tấm, mỗi tấm kiếm được được 20.000đ. Khách hàng muốn mua kẽm gai với số lượng nhiều thì phải đặt trước.

Dù rằng đối với các hộ gia đình cựu chiến binh, nghề đan kẽm gai là nghề giúp họ ổn định cuộc sống, nhưng xét cho kỹ thì đây là nghề cũng không ít độc hại do hàng ngày phải tiếp xúc với bụi sắt và nguy cơ bị bệnh uốn ván... Mọi rủi ro thì hộ gia đình làm nghề tự lo, cho nên điều bắt buộc khi vào nghề, họ đều phải tiêm phòng để tránh những vết xước có thể gây nhiễm trùng. Tâm sự với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Sĩ (54 tuổi) cho biết: "Tôi đã gắn bó với nghề đã hơn 10 năm rồi. Biết là vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì cuộc sống, không thể bỏ nghề... ".

Hiện nay thành phố Quy Nhơn đang ngày càng phát triển, cho nên việc bảo vệ cảnh quan môi trường càng được quan tâm hơn. Điều đó cũng đã khiến các cựu chiến binh làm nghề đan kẽm gai lâm vào cảnh khó khăn, bởi đa phần các hộ làm nghề tận dụng vỉa hè đường phố để ngồi đan kẽm gai, do đó đã vi phạm việc lấn chiếm lề đường. Ông Nguyễn Lung - Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ, cho hay: "Nguy cơ nghề sẽ không còn được tồn tại nữa. Đây là vấn đề khiến chúng tôi phải đau đầu, bởi hiện tại phường cũng chưa tìm được nghề mới để anh em cựu chiến binh chuyển nghề".

. Hiền Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ 2: Những nẻo đường gỗ lậu  (29/10/2004)
"Bão" trên những cánh rừng  (28/10/2004)
Cả thôn thoát nghèo nhờ nuôi bò lai  (27/10/2004)
Tổng Công ty PISICO: Về đích trước thời gian  (27/10/2004)
Quy hoạch TP Quy Nhơn: Hành trình tìm bản sắc  (26/10/2004)
Cuộc sống mới ở Vĩnh An  (26/10/2004)
Khi hoạt động khoa học công nghệ trở thành phong trào sôi nổi   (25/10/2004)
Cầu nối với đồng bào vùng cao  (25/10/2004)
Nợ đọng thủy lợi phí - căn bệnh mãn tính  (24/10/2004)
Mơ về một Thị Nại yên bình và trù phú  (22/10/2004)
Đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền: Vì sao còn nhiều trở ngại?  (21/10/2004)
Công ty Lương thực Bình Định: Đi lên từ gian khó   (21/10/2004)
Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ   (20/10/2004)
Làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt  (20/10/2004)
Chế biến song mây xuất khẩu: Làm gì để phát triển ổn định?  (19/10/2004)